Điều khá đặc biệt là lịch sử bản thân nhân vật từ khi sinh ra, đi học rồi vào bộ đội chiến đấu ở chiến trường cho tới năm 36 tuổi, chuyển ngành về Bộ Nông nghiệp, lại trùng khớp với thời kỳ đầy biến động, bi hùng, khốc liệt của lịch sử dân tộc. Đó là thời kỳ mà cả nước phải trải qua những nỗi đau không gì có thể so sánh. Một thời kỳ mà con người phải gồng mình, cắn răng chịu đựng, để vượt qua muôn vàn cam go thách thức, mà mỗi bước đi đều phải trả bằng máu và nước mắt, bởi các cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc do ngoại bang gây ra.

leftcenterrightdel
Đồng chí Ngô Văn Dụ (thứ nhất, từ phải qua) và nhà thơ Trần Quang Quý (thứ ba, từ phải qua) tại lễ ra mắt cuốn sách. Ảnh: Thành Long

Ở cuốn sách “Ngô Văn Dụ-người làng Rau”, khi đọc đến chi tiết: Cả nhà anh Dụ và cả cái làng Rau thân yêu của anh được tổ tiên khai hoang lập trại từ 200 năm trước, bị lính Pháp thiêu rụi, nhà cửa tan hoang trong một trận càn cuối của cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp vào năm 1953. Chi tiết này làm tôi liên tưởng tới hàng ngàn ngôi làng khác ở nông thôn Việt Nam vào thời kỳ bấy giờ. Đó là sự tiêu điều bởi những trận càn, là nạn đói hoành hành khắp nơi: Bệnh tật, chết chóc đổ xuống đầu những người dân lương thiện. Những người dân đầu trần chân đất, sống mộc mạc đơn sơ như người mẹ tảo tần của anh Dụ, bỗng một ngày ngơ ngác, bàng hoàng trước những bất hạnh, đau thương trùm xuống. Hình ảnh người mẹ anh Dụ gầy gò, chân đất, mong manh trong chiếc áo cũ bạc sờn, gánh đôi quang thúng: Một bên chất đầy quần áo, chăn màn, một bên là đứa con thơ dại, chạy tản cư trong mùa đông lạnh giá như xoáy vào lòng ta nỗi đau nhói buốt. Hình ảnh này không chỉ riêng người mẹ quần quật tối ngày lam lũ của anh Dụ, mà nó còn là biểu tượng của sự khốn khổ, cùng đường của những người dân cửa nát nhà tan, mất tất cả trên chính đất đai của cha ông họ khai phá để lại. Đó thực sự là nỗi ám ảnh, là nỗi đau của cả một thời đất nước bị thực dân xâm chiếm. Họ bị vùi dập, xua đuổi, không còn quyền sống, bị tước đoạt mọi thứ…

Tuổi thanh xuân trên cung đường lửa     

leftcenterrightdel
Sách “Ngô Văn Dụ - người làng Rau”. 

Ở một phần khác của tập sách viết về những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ mà người lính Ngô Văn Dụ tham gia. Anh là người lính đường ống xăng dầu ở Trường Sơn. Tác giả dành tới 132 trang để dựng lại chân dung người lính Ngô Văn Dụ trong những năm tháng chiến đấu khốc liệt ở chiến trường. Nói đến đường Trường Sơn trong chiến tranh chống Mỹ là nói đến sự hy sinh gian khổ, nói đến sự hủy diệt đến man rợ. Trường Sơn những năm tháng người lính Ngô Văn Dụ sống và chiến đấu chính là nơi người Mỹ thử nghiệm hàng loạt vũ khí giết người hiện đại, tối tân nhất. Tất cả những loại vũ khí này đều có sức mạnh hủy diệt khủng khiếp. Trường Sơn chính là con đường máu với hàng vạn trận oanh kích bằng đủ mọi phương tiện. Hàng triệu tấn bom tàn sát không thương tiếc giội xuống con đường này. Đó cũng chính là con đường mà các nhà nghiên cứu quân sự ở cả trong nước và thế giới thừa nhận: Nó khốc liệt và man rợ nhất trong lịch sử chiến tranh nhân loại. Nói về sự khốc liệt của Trường Sơn là nói về sự hy sinh của những người lính, trong đó có Ngô Văn Dụ và đồng đội của anh.

Khi đọc lại những hồi tưởng của anh Ngô Văn Dụ lúc còn là người lính xăng dầu, tôi hình dung ra ngay con đường ống kéo dài suốt từ biên giới phía Bắc vào tận cánh rừng nguyên sinh Bù Gia Mập. Trong những binh chủng thuộc đường dây 559 thì đường ống xăng dầu là binh chủng luôn phải đối đầu khốc liệt nhất, và cũng là binh chủng gian khổ, hy sinh nhiều nhất. Vì sao vậy? Vì cứ ở đâu có đường ống xăng dầu đi qua là ở đó có B-52 bám riết, giội bom rải thảm. Không phải giội bom rải thảm một lần mà từ sáng đến chiều, cả ngày lẫn đêm chìm ngập trong bom đạn, chà đi xát lại. Đường ống xăng dầu chính là con đường huyết mạch, con đường quyết định một phần quan trọng cho sự thành bại của cuộc chiến, vì lẽ đó, nó đương nhiên phải là nơi đầu tiên đối phương tìm kiếm hủy diệt. Tác giả đã dựng lại một cách sinh động cảnh tượng khốc liệt của cuộc chiến và những người lính đường ống xăng dầu trên đường Trường Sơn cùng những hy sinh không thể đo đếm của họ. Lại nữa, là sự khốc liệt của thiên nhiên, những cái chết chôn vùi trong biển lửa. Anh Dụ và đồng đội của anh cả ngày dầm mình trong môi trường xăng, chì độc hại mà cho đến tận ngày nay, di chứng của nó cùng chất độc da cam vẫn là nỗi kinh hoàng đối với nhiều thế hệ sau. Rồi hàng trăm, hàng nghìn cái chết phải vùi chôn cùng tuyến đường khi đi khảo sát thi công dưới làn bom đạn réo gào… Có lẽ trong lịch sử Bộ đội Trường Sơn thì bộ đội đường ống của anh Dụ là hy sinh nhiều xương máu nhất. Đó cũng là cuộc đọ sức, đối đầu khốc liệt nhất giữa người lính đường ống xăng dầu và không quân Hoa Kỳ. Không phải ngẫu nhiên mà đường ống xăng dầu từng được Bộ đội Trường Sơn mệnh danh là con đường lửa. Con đường của sự hủy diệt và chết chóc…

“Đoạn đường này lương tâm gọi ta đi”

Có lẽ vì ngay từ thuở ấu thơ đã chứng kiến tận mắt xóm làng bị thiêu đốt tan hoang, gia đình ly tán tản cư. Bố mất sớm, mẹ một mình nhọc nhằn gồng gánh nuôi 4 người con; khi lớn lên lại dầm mình vào cuộc chiến tranh tàn khốc nên người thanh niên Ngô Văn Dụ sớm mang trong mình ý chí kiên cường và một khát vọng vượt lên mọi thách thức, gian khó để thực hiện giấc mơ lớn. Trong một bài thơ viết vào ngày nhập ngũ, ở trang 283, anh Dụ nói với mình: Cuộc sống mới đến từ đây rồi đó/ Đoạn đường này lương tâm gọi ta đi. “Lương tâm gọi ta đi”, đây là sự thôi thúc, là ý chí và trách nhiệm của người thanh niên khi Tổ quốc gặp gian nguy. Đây cũng là lý tưởng đã được thử thách và rèn luyện suốt những năm tháng từ thuở ấu thơ cho tới khi học cấp 1, 2, 3 và vào đại học. Cái lý tưởng lãng mạn cách mạng ấy của người thanh niên Ngô Văn Dụ được xác định một cách rành mạch ở ngay lời đề từ của cuốn sách: “Hãy sống sao cho mỗi ngày ta sống trở thành quá khứ của ngày mai. Cái quá khứ nếu không phải là niềm tự hào thì ít nhất cũng không làm ta ân hận…”.

Cái “lương tâm gọi ta đi” này cứ thế bám riết lấy cuộc đời anh, trở thành một phương châm sống của anh cho đến tận hôm nay và nó được nâng đỡ từ một điểm tựa vững chắc là gia đình. Ở đây cụ thể là người mẹ tảo tần lam lũ kính yêu của anh, là người vợ thủy chung gắn bó với anh cả cuộc đời, là ông ngoại anh, là bạn bè, đồng chí, đồng đội của anh. Hình ảnh ông ngoại anh Dụ-một nhà nho có học, được tác giả tái hiện, nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cuốn sách, chính là ánh sáng soi rọi con đường cho đứa cháu ngoan hiền, học giỏi ngay từ thuở ấu thơ. Ánh sáng từ ông ngoại theo anh đi dọc những năm tháng còn học phổ thông cho tới đại học. Những ngày tháng sơ tán, những đêm đông lạnh giá giữa rừng núi Bắc Giang, những khi anh đau ốm phải phẫu thuật vò võ một mình trên giường bệnh mà không một người thân bên cạnh. Chính vì lý do này mà con người anh Ngô Văn Dụ càng trở nên cứng cáp và trưởng thành, củng cố thêm ý chí, rèn cho anh một bản lĩnh kiên cường, không bị cuộc sống khó khăn khuất phục. Anh đã đi theo tiếng gọi của lương tâm, đạt được giấc mơ lớn. Ngô Văn Dụ đã làm được điều này. Vượt qua giông bão cuộc đời, thử thách hy sinh. Với cuộc đời này, anh là người chiến thắng. Đó là sự chiến thắng của ý chí và nghị lực.

 Bằng tài năng văn chương, nhà thơ Trần Quang Quý đã tỏ ra là một người viết rất có nghề khi anh chọn cho cuốn sách một lối viết giản dị, chân thực. Cách tiếp cận nhân vật, quá trình tìm kiếm tư liệu, thực hiện những thao tác diễn giải, phân tích rồi tổng hợp được tác giả cân nhắc, chọn lọc kỹ càng và chính xác, nhằm làm bật sáng chân dung nhân vật Ngô Văn Dụ: Một con người tràn đầy ý chí và nghị lực. Một con người sống có lý tưởng, luôn mang trong mình khát vọng vươn lên; trong sáng và nhân hậu. Ở một góc nhìn khác, bằng sự quan sát tinh tế, một trái tim nhiều xúc cảm của nhà thơ, Trần Quang Quý đã viết nên một cuốn sách với muôn vàn chi tiết sống động, tươi mới. Cách viết của anh như người thầm thì kể câu chuyện về cuộc đời một con người. Vì thế, mỗi trang viết mang lại cho bạn đọc một cảm nhận chân thành, ấm áp. Và cũng vì thế mà nó thuyết phục được người đọc, mang lại cho họ nhiều bổ ích, lý thú.

Nhà thơ TRẦN ANH THÁI