Vũ Khắc Ngọc tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Từng có hai năm làm nghiên cứu viên lĩnh vực hóa sinh-sinh học phân tử tại Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thế nhưng hơn 10 năm nay, anh lại theo đuổi sự nghiệp giáo dục trực tuyến.

Việc dạy online đúng là cơ duyên đặc biệt với Vũ Khắc Ngọc. Ngay từ khi là sinh viên năm thứ hai đại học (năm 2006), anh cùng một nhóm bạn đã xây dựng dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến. Dự án đã giành được một số giải thưởng trong các cuộc thi về khởi nghiệp của sinh viên. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nhóm khởi nghiệp của anh đã giải tán, còn anh vẫn dành tình yêu, tâm huyết cho giáo dục trực tuyến từ đó đến nay. Từng là học sinh giỏi các môn Toán học, Hóa học thời phổ thông và làm gia sư cho nhiều học sinh khi còn học đại học nên ban đầu, Vũ Khắc Ngọc dạy online cả hai môn học đó để góp phần giảm bớt khó khăn về tài chính. Dần dần, anh càng bị cuốn hút và đam mê hoạt động này. Sau nhiều năm gắn bó với lớp học “ảo”, đến nay, thầy giáo online Vũ Khắc Ngọc có hơn 70.000 học sinh đã và đang theo học, là cái tên khá nổi tiếng khi đã thiết kế hơn 500 bài giảng Hóa học để chia sẻ cho các học trò trên cộng đồng mạng. Rất nhiều video bài giảng của anh thu hút hơn 100.000 lượt xem... Nhiều người tưởng rằng, dạy online, giáo viên và học sinh chỉ gặp nhau qua màn hình máy tính sẽ khó có tình cảm thầy trò như các lớp học truyền thống. Thế nhưng, thầy Vũ Khắc Ngọc lại có nhiều cuộc gặp gỡ bất ngờ và cảm động với các học trò khi đi đến những vùng, miền trong cả nước. Có nhiều học sinh miền Tây còn gửi tặng thầy những thùng trái cây đặc sản trong vườn nhà vào mùa thu hoạch, có bạn ở làng gốm thì gửi tặng chiếc bình gốm tự làm…

leftcenterrightdel
Thầy Vũ Khắc Ngọc trong một video bài giảng môn Hóa học chia sẻ trên mạng YouTube.

Theo anh, giáo viên online tương đối tự do về thời gian nhưng cũng rất vất vả và chịu nhiều áp lực về chuyên môn. Mỗi bài giảng online có thể thu hút vài chục nghìn tới vài trăm nghìn lượt xem, cũng đồng nghĩa là anh sẽ chịu sự giám sát, thẩm định vô cùng khắt khe của hàng chục nghìn người. Đối tượng xem bài giảng không chỉ có học sinh mà còn có thể là phụ huynh hoặc giáo viên nơi khác. Từ đó sẽ có nguy cơ bị đánh giá, phán xét tiêu cực từ người xem nếu bài giảng không thật sự hoàn hảo. Đặc biệt, khi công nghệ, mạng xã hội phát triển thì giáo viên online cũng thêm nhiều áp lực mới. Trước đây, giáo viên chỉ giao tiếp với học sinh qua bài giảng đã ghi hình sẵn thì hiện nay, ngoài video bài giảng còn phải phát triển thêm các trang fanpage, YouTube, Instagram…, liên tục phải livestream. Quá trình tương tác của giáo viên online với học sinh không chỉ có kiến thức học tập mà nhiều khi còn kiêm cả tư vấn tâm sinh lý lứa tuổi, tư vấn hướng nghiệp, ứng xử cho các học sinh…

Với số lượng học sinh tham gia học đông nên thu nhập của giáo viên online cũng tăng đáng kể (có thể lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, đi kèm với thu nhập cao thì mức độ cạnh tranh trong công việc cũng cao hơn. Ngày càng nhiều thầy giáo, cô giáo trẻ nhiệt tình, đam mê, giỏi công nghệ và có ngoại hình hấp dẫn… tham gia dạy online. Vì vậy, giáo viên cũ hay mới đều phải nỗ lực, tự học hỏi, hoàn thiện mình và chỉn chu, trau chuốt từng chi tiết nhỏ để có những bài giảng tốt, thu hút học sinh.

Vũ Khắc Ngọc rất thích câu danh ngôn: “Trí tuệ con người được hình thành trong tĩnh lặng, còn tính cách thì trưởng thành trong bão táp”. Có lẽ đó là lý do khiến anh luôn nghiêm khắc và cầu toàn trong công việc chuyên môn, không ngại khó khăn để tìm tòi, đổi mới sáng tạo phương pháp giảng dạy. Trong mỗi bài giảng của anh đều có những ví dụ hấp dẫn, ứng dụng thực tiễn giúp học sinh dễ dàng tiếp nhận kiến thức, không còn sợ môn Hóa học và củng cố tình yêu với các môn khoa học. Mặc dù vậy, anh cho rằng, để việc học online có hiệu quả thì tính tự giác, chăm chỉ của học sinh là một điều kiện cần rất quan trọng. Về phía các cơ quan quản lý cũng nên sớm ban hành các quy định chặt chẽ để tạo hành lang pháp lý cho giáo dục trực tuyến ở nước ta phát triển một cách lành mạnh.

Bài và ảnh: MINH THÀNH