Socrate sinh ra trong một gia đình bình dân, trong sự phân tầng của xã hội lúc đó, ông được xem là lớp người dưới đáy. Tuy nhiên, với tư chất thông minh, ông đã nỗ lực phát triển tư duy triết học và trở thành nhà thông thái của thành Athens. Ông trở thành nhà đạo đức học nổi tiếng, “ông tổ” của thuật hùng biện nhờ việc thường xuyên tổ chức các buổi thuyết trình trên đường phố, chợ búa, sân vận động, quán rượu… về mọi vấn đề, từ nhận thức luận đến chính trị, nghệ thuật và đặc biệt là cách ứng xử của con người.  “Hãy tự biết lấy chính mình”, “Tôi chỉ biết mỗi một điều duy nhất là tôi không biết gì cả”, là những quan điểm đạo đức nổi tiếng của ông. Do tư tưởng đạo đức tiến bộ nên các cuộc hùng biện nơi công cộng của ông thường bị tầng lớp chủ nô cho người đến phá đám nhưng với tài năng và sự thông tuệ, ông thường chiến thắng và không ít lần khiến giới chủ nô bị bẽ mặt với những lý lẽ xác đáng.

Mặc dù là một nhà hùng biện đường phố (ông cho rằng ông có sứ mệnh của thần linh giao phó là đi dạy bảo người đời) nhưng khi về nhà, ông thường bị bà vợ chua ngoa của mình đè nén mà không dám ho he. Bạn bè và học trò bức xúc thay ông thì ông nói: “Tôi quen rồi, cứ xem như tiếng kêu của con vịt thì sẽ nhẹ lòng”. Có người nói: “Vịt còn đem lại cho ông trứng và vịt con”. Socrate đáp: “Vợ tôi cũng mang lại đàn con cho tôi”. Chính ông đưa ra triết lý thú vị: “Lấy vợ là công việc lớn. Nếu lấy được người phụ nữ tốt, bạn sẽ là người hạnh phúc. Nếu lấy phải người phụ nữ không tốt bạn sẽ trở thành nhà triết học”.

Về sau này, qua tìm hiểu của hậu thế, người ta mới vỡ lẽ vì sao Socrate lại sợ vợ? Do quá đam mê nghiên cứu những vấn đề trừu tượng của triết học và tự cho mình có sứ mệnh rao giảng đạo đức cho xã hội nên ông không biết làm bất cứ việc gì. Mọi gánh nặng mưu sinh của cuộc sống gia đình đều do người vợ đảm nhiệm. Thậm chí, ngay từ khi còn rất trẻ, vì không mó tay vào bất cứ công việc nhà nào, mẹ ông đã phải khuyên: “Socrate, con nhìn lên trời thì tốt nhưng đừng quên nhìn xuống đất”. Thiếu thực tế cuộc sống cũng là nguyên nhân khiến ông gặp thất bại trong một số lần tranh biện. Có lần, một đối thủ hùng biện hỏi ông: “Tại sao tôi hiểu và luôn ca ngợi điều tốt đẹp nhưng tôi lại làm những điều xấu xa?”. Ông không trả lời được vì thiếu kiến thức về tâm lý phức tạp của con người trong ứng xử với thực tế cuộc sống.

SONG HỒNG