Cùng anh bạn gốc miền Tây lên vùng thượng nguồn sông Hậu, tôi được nghe anh giới thiệu: Ngắm nhà sàn phải đứng trên đồi Tà Pạ mới thấy cái đẹp, cái riêng của nhà sàn miền Tây Nam Bộ. Quả thật, từ đỉnh đồi Tà Pạ (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), có độ cao 120m so với mực nước biển, phóng tầm mắt nhìn ra cánh đồng trải dài tít tắp cùng những ngôi làng ven sông mới cảm nhận được vẻ đẹp của rẻo biên cương “Thất Sơn” huyền bí. Khi nắng chiều chênh chếch, cùng với bóng cây đổ xuống đồng là bóng nhà sàn nghiêng mình trong sóng nước. Khác với những ngôi nhà sàn vùng Tây Bắc nằm trên triền đồi hay thung lũng hoang sơ, nhà sàn miền Tây (chủ yếu tập trung ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp) được làm sát nhau, có khi liên kết với nhau để tạo nên sự chắc chắn khi nước lũ tràn về. Nhà sàn miền Tây khá đơn giản, nhưng lại mang một nét đặc sắc riêng, thường được dựng nổi ngay bên những dòng kênh ngầu đỏ phù sa, hay trên bờ ruộng ngập, thậm chí có những xóm nhà sàn quanh năm nổi lên giữa mênh mông sóng nước.
    |
 |
Nhà sàn, nét đặc trưng văn hóa của đồng bào huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. |
Nhà sàn miền Tây rộng rãi, thoáng mát, cân đối, được dựng bằng những cọc gỗ, cọc bê tông, cao hơn mặt đường, đa phần có ngõ lên xuống cũng đổ bê tông chắc chắn nối ra tận đường. Từ ngoài nhìn vào, gian chính đặt bàn thờ gia tiên, hai bên là gian thông hành. Những bức tường xung quanh có thể làm bằng gỗ hoặc xây bằng gạch, sơn màu xanh nước biển là chủ yếu. Ông Nguyễn Hữu Nam, 81 tuổi, ngụ tại xã An Phước, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), kể: “Nếu không có lũ thì người miền Tây chắc cũng chẳng ở nhà sàn. Nước ngập, lũ tràn nên phải thích nghi để sống. Thông thường, nhà sàn hướng ra sông, bởi đi lại của bà con phần lớn dựa vào kênh, sông, luồng, rạch. Nhà như chiếc ghe, mũi ghe phải quay thẳng ra sông nên cửa chính được trổ ngay nơi vách đầu hồi. Cửa chính ra vào thường thấp hơn đầu người nhằm mục đích người lạ vào nhà phải cúi thấp để chào ngôi nhà và chào chủ nhà. Kiến trúc ngôi nhà từ lan can đến các khung cửa được chạm khắc công phu, có chim muông, hoa lá với đường nét, góc cạnh khá cầu kỳ, tinh xảo lồng vào nhau rất đẹp. Chỉ cần nhìn vào cột chống nhà sàn và nét trạm trổ là phân biệt được mức độ giàu, nghèo của gia chủ”.
Có lẽ đây là nét riêng quyến rũ của nhà sàn miền Tây giữa lòng châu thổ, dù làm nhà để “sống chung với lũ” nhưng người dân nơi đầu nguồn con nước lớn vẫn bay bổng tâm hồn, điểm tô cho nếp nhà chênh vênh của mình thêm bắt mắt.
Bên trong nhà sàn truyền thống của đồng bào Chăm miền Tây Nam Bộ hầu như không có bàn ghế mà chủ và khách thường ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu trải ở hành lang trước gian trung tâm. Theo Thạc sĩ Đỗ Anh Thư, giảng viên Trường Đại học An Giang, trong nhà sàn có khung cửa che màn được trang trí tùy theo mức độ giàu nghèo của chủ nhà, ngăn cách với gian nhà trong. Đây là khu vực hoàn toàn dành cho đàn bà, con gái sinh hoạt, khách không được tự ý vượt qua khung cửa có tấm màn che ấy.
Trong ngôi nhà sàn, mọi sinh hoạt gia đình của người dân vùng rốn lũ đều tập trung ở hàng ba (hành lang trước cửa nhà). Nơi đây thường được dùng để tiếp khách, ăn uống, quây quần các thành viên trong gia đình… Chiều tà khi hoàng hôn buông xuống, người lớn thì ra hàng ba đánh cờ, uống trà, cùng chuyện trò san sẻ vui buồn, nghĩa tình làng xóm, hỏi thăm nhau công việc cấy cày. Con nít thì ra hàng ba vui đùa, đánh đũa, búng dây thun, đá dế và chơi những trò chơi đậm chất thôn quê. Sự ấm cúng của ngôi nhà sàn nhờ không gian quần tụ ấy để gắn kết các thành viên trong gia đình và thân thiện, khoáng đạt, gắn bó với hàng xóm láng giềng mỗi khi đến thăm viếng lẫn nhau.
Cùng với hàng ba, gầm sàn cũng là nơi được sử dụng khá linh hoạt. Theo Tiến sĩ Hoàng Cầm, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), gầm sàn là một không gian khác của ngôi nhà được tận dụng triệt để, khi là kho trữ nông cụ, nông sản, khi là chỗ của trẻ con vui chơi tránh mưa, tránh nắng, khi lại là không gian nghỉ mát của cả nhà chỉ với vài cái võng hay chiếc giường tre giản dị, cũng có thể là nơi phụ nữ dùng để dệt vải vào mùa khô. Bởi vậy, nhà sàn miền Tây ngày nay được hiện đại hóa hơn nhiều nhờ những cột chống bằng bê tông, hoặc bằng gỗ tốt để bảo đảm cho sự bền vững của ngôi nhà, chống chọi với những cơn lũ lớn.
Mùa lũ năm nay đến sớm. Đỉnh lũ không quá cao nên những ngôi nhà sàn miền Tây vẫn hiên ngang nghiêng mình trên sóng nước. Ông Huỳnh Quang Ngự, Phó bí thư Thường trực Thị ủy Tân Châu (An Giang), chia sẻ: Năm nay dự báo đỉnh lũ cao hơn mọi năm nhưng cũng chỉ ở mức bình thường và rút khá nhanh. Không giống như trận lũ lịch sử năm 2000, nước ngập trắng băng. Những ngôi nhà sàn nằm bên dòng sông Hậu chỉ còn nhìn thấy nóc. Thỉnh thoảng mới thấy thấp thoáng một vài ngôi nhà “cao cẳng” nghiêng bóng đổ dài trên đỉnh lũ khi mặt trời lẩn khuất chân mây. Sau trận lũ ấy, nhà sàn ven sông được đôn cao thêm mấy bậc. Người ta xây dựng, sửa chữa các công trình dân sinh cũng lấy mốc lũ năm 2000 làm chuẩn. Trường học, trụ sở ủy ban, nhà văn hóa cộng đồng cũng vượt nền cao ngang đầu người, hoặc làm cọc chống sàn cao vượt sải tay…
Do điều kiện sống thích nghi với môi trường tự nhiên, dần dần nhiều gia đình đã chuyển sang xây nhà cao tầng để ở, hoặc chuyển vào cụm, tuyến dân cư vượt lũ, nhưng nhà sàn vẫn là điển hình, chứa đựng nét văn hóa đặc trưng của cư dân thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu.
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH