Chuyện ở đền Bà Chúa Kho
Xuất thân là một cô gái vùng Kinh Bắc, nhờ tài sắc vẹn toàn, Bà Chúa Kho được vua chọn làm vợ. Bà là người có công lớn trong việc khai khẩn đất hoang, giúp đỡ nhân dân trong vùng tổ chức trồng cấy, dệt vải, lập các phường hội buôn bán. Từ ấy, đời sống dân chúng khá lên, lương thực trù phú không sử dụng hết, bà cho xây nên một cái kho để dự trữ đề phòng bất trắc. Trong cuộc chiến bảo vệ đất nước khỏi quân xâm lược phương Bắc, kho lương thực của Bà Chúa Kho đã cứu sống rất nhiều dân chúng và binh lính. Nhớ công ơn này, nhà vua hạ chiếu sắc phong bà là Phúc Thần, người dân lập đền thờ bà ngay tại vị trí của kho lương ngày xưa và gọi bà với sự tôn kính là Bà Chúa Kho.
Du khách đến với đền Bà Chúa Kho năm nay không còn gặp cảnh tắc nghẽn như trước.
Từ sự tích Bà Chúa Kho là người cai quản kho lương thực-ban phát “nguồn sống” cho mọi người, mới sinh ra chuyện người ta tìm đến đây vào đầu năm để “vay vốn âm”. Bà Lan, một thủ hương trông đền gần chục năm nay, cho biết: “Không biết có từ bao giờ nhưng chắc lâu lắm rồi đã có tục này. Người làm ăn muốn cho thuận buồm xuôi gió, có được vốn liếng để làm ăn hanh thông thì đến đây vay vốn tượng trưng, những mong bà phù hộ cho cả năm được lộc làm ăn, công danh phát đạt”.
Trong một thời gian dài, từ ý nghĩa tượng trưng như một nghi lễ đẹp trong việc cầu may năm mới, chuyện "vay tiền âm" ở đền Bà Chúa Kho đã bị biến tướng. Anh Hùng (Từ Sơn, Bắc Ninh), người đã đi lễ ở đền Bà Chúa Kho từ 4 năm nay, chia sẻ: “Một lễ đầy đủ để dâng lên Bà Chúa Kho phải gồm ít nhất 3 mâm, đặt tại 3 cửa: Tiền Tế, Công Đồng, cung Đệ Nhị. Muốn vay bao nhiêu thì phải mua vàng mã ứng với đúng số tiền ấy để dâng lên”. Không phân biệt là lễ xin lộc hay lễ vay tiền, một người đến đây thường mang theo 3 mâm lễ, đặt chen chúc trên những chiếc giá sắt, lễ nhà này đặt chồng lên lễ nhà kia, miễn sao lễ nhà mình được vị trí đẹp để Bà… dễ nhìn thấy! Chưa hết, vàng mã hình vàng thỏi, đô-la, tiền giấy còn được đặt trong những mâm lễ rất lớn, cao vượt đầu người. Việc vàng mã được tiêu thụ với số lượng lớn trong một thời gian ngắn (15 ngày đầu tháng Giêng) khiến cho khu vực hóa vàng của đền Bà Chúa Kho luôn trong tình trạng quá tải. Khu vực nhà sắp lễ cũng thường xuyên bị bao phủ bởi khói nghi ngút.
Các dịch vụ “đặc biệt” đi kèm như: Khấn thuê, sắp lễ, trông xe, đổi tiền... ở đền Bà Chúa Kho cũng cứ thế mà phát triển. Đánh vào tâm lý có lòng thành mà không biết cách khấn vái thì cũng không “hiệu nghiệm”, các “cò mồi” đã móc nối tạo thành một dây chuyền từ nơi trông xe đến chỗ sắp lễ, viết sớ và khấn thuê. Trong những năm gần đây, một chuỗi dịch vụ trọn gói như vậy có giá xấp xỉ một triệu đồng.
Những câu chuyện gây biến tướng tại đền Bà Chúa Kho không chỉ đến từ những người lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi mà còn đến từ chính du khách thập phương. Rất nhiều người chen đến tận song chắn trước gian Đệ Nhất cung trong cùng để mong những lời cầu nguyện của mình sẽ đến được với Bà Chúa Kho. Vệ sinh môi trường tại chính nơi hành lễ cũng bị bỏ mặc. Vỏ kẹo bánh, gạo, muối, túi ni-lông vứt "thả cửa" xuống nền đất, mặc cho dấu chân của bao khách hành hương bước qua.
Vì một năm mới an lành
Trước những vấn đề tiêu cực, biến tướng xảy ra tại đền Bà Chúa Kho, các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh đã vào cuộc. Đi lễ đền Bà Chúa Kho năm nay, không chỉ du khách hành hương mà cả người dân sinh sống, buôn bán tại địa phương cũng ghi nhận nhiều sự biến đổi rõ rệt.
Đầu tiên là vấn đề giao thông quanh khu vực đền đã ổn định, dễ dàng lưu thông. Nhờ biện pháp quy hoạch tuyến giao thông, phân loại xe ô tô phải gửi ngoài bãi đỗ xe lớn cách đền 500m đã giảm tối đa sự tắc nghẽn tại con đường trước cửa đền. Việc mở rộng thêm 2 bãi gửi xe gắn máy (thành tổng số 4 bãi gửi xe) khiến việc trông giữ xe cho du khách thập phương luôn bảo đảm an toàn, thông thoáng.
Một mâm lễ như thế này hiện có giá dao động từ 300.000 đến 500.000 đồng.
Chuyện mời chào, chèo kéo khách viết sớ, sắp lễ còn diễn ra nhưng trên quy mô nhỏ lẻ và không ngang nhiên như mọi năm. Các sạp, mẹt đổi tiền lẻ với giá chênh lệch lớn nằm hai bên lối vào đền đã được loại bỏ hoàn toàn.
Nhờ sự quản lý chặt chẽ và sát sao của Ban quản lý đền Bà Chúa Kho, năm nay, nạn khấn thuê, lễ mướn đã không còn “hoành hành”. Bà Lan cho biết thêm: “Năm nay, công an đã tăng cường xuống đền từ mồng 4 tháng Giêng, mặc thường phục để kiểm soát chặt chẽ và xử lý ngay những trường hợp nhận khấn thuê, lễ mướn. Nhờ đó, tệ nạn này đã giảm đi rất nhiều”. Tham gia cùng lực lượng công an phường Vũ Ninh còn có ban quản lý và những người thủ hương lâu năm ở đền như bà Lan. Trung bình cứ một cung, ban có 2 đến 3 người đứng túc trực, đặc biệt là khu nhà hành lễ chính có đến 4, 5 người của ban quản lý. An ninh vòng ngoài tại khu vực đền còn có sự tham gia của Đội 814 trực thuộc UBND TP Bắc Ninh…
Đến với đền Bà Chúa Kho năm nay, du khách cũng không còn phải chịu cảnh ngột ngạt do việc đốt vàng mã gây ra. Đó là kết quả của việc đẩy mạnh tuyên truyền du khách hạn chế đốt vàng mã, đồng thời ban quản lý đã sử dụng số vàng mã được dâng lễ nhập vào kho để phát lộc cho tất cả mọi người.
Điểm đáng ghi nhận nhất trong nỗ lực giải quyết các vấn đề còn tồn đọng của Ban quản lý đền Bà Chúa Kho là công tác giữ gìn vệ sinh môi trường. Thay vì chỉ có vài ba người trông coi giữ vệ sinh chung cho ngôi đền như mọi năm, ban quản lý đã ký hợp đồng với một công ty vệ sinh môi trường, bảo đảm luôn có một đội ngũ khoảng 10 người thường xuyên túc trực chuyên đi thu gom rác thải trong khuôn viên đền.
Từ việc quản lý và định hướng của các cơ quan chức năng, giá cả các mặt hàng phục vụ cho việc đi lễ như: Vàng mã, hoa quả, thực phẩm... cũng ổn định hơn so với những năm trước. Chị Hải Hà, thành viên trong một gia đình làm nghề sắp lễ hơn 20 năm nay tại Cô Mễ, cho biết: “Ngày trước giá lễ tăng giảm rất thất thường tùy theo lượng khách đến và sự chèo kéo của những người sắp lễ bên ngoài lề đường. Vì thế, những nhà sắp lễ trong làng chuyên làm cho khách quen như nhà tôi bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhưng năm nay, giá cả đã ổn định hơn, một lễ đầy đủ cho mỗi cá nhân chỉ dao động khoảng 300.000 đến 500.000 đồng”. Chị Hà cũng cho biết thêm, khoảng 2 năm gần đây, nhiều du khách đến đây chỉ làm lễ xin lộc may mắn trong làm ăn, những lễ vay tiền đang ngày càng ít đi, chỉ chiếm khoảng một phần mười.
Từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hằng năm của các cơ quan chức năng, từ ý thức đang ngày một nâng cao của người dân, chuyện “vay vốn” lấy may đầu năm ở đền Bà Chúa Kho đang dần trở về đúng với ý nghĩa đẹp đẽ ban đầu. Đó đơn giản chỉ là tấm lòng thành kính trước Bà Chúa Kho để cầu mong một năm an lành.
Bài và ảnh: TỐNG MY - NGUYỄN MAI