Trong 60 năm ấy, tôi đã tiếp xúc, cộng tác với bao nhiêu người đủ các thế hệ thầy trò, và giờ đây, ở thời điểm có ý nghĩa này, tôi muốn được phác lại một vài chân dung người thầy, người bạn nhà giáo đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu đậm.

NGND Nguyễn Thúc Hào - nhà quản lý đặc biệt

Hồi bé, tôi chỉ biết tiếng thầy qua lời kể của ông anh rể Nguyễn Ngọc Cẩn; anh Cẩn cùng với các anh: Cung Quang Chương, Hà Văn Mạo... học lớp Toán học đại cương tại nhà thờ họ cạnh nhà thầy ở Nam Đàn, Nghệ An. Có thể xem đây là hình thức phôi thai của đại học dân lập, của việc xã hội hóa giáo dục, ngay ở cấp đại học nước ta. Tôi thực sự quen biết thầy và gia đình từ khi được giữ lại trường đại học. Gia đình thầy ở 16 phố Hàng Chuối, còn tôi ở 16D ngõ Hàng Chuối (Hà Nội), ngày nào tôi cũng gặp thầy vì nhà ăn tập thể của trường đặt ở đó. Sau đó, tôi được điều về Nghệ An để xây dựng Trường Đại học Sư phạm Vinh (lúc đầu gọi là Phân hiệu vì mới chỉ có hai khoa Văn và Toán), trường đại học đầu tiên ở địa phương. Và thầy Nguyễn Thúc Hào được bộ điều vào làm Giám đốc trường.

leftcenterrightdel
NGND Nguyễn Thúc Hào (1912-2009). Ảnh tư liệu

Buổi đầu thành lập Trường Đại học Sư phạm Vinh với biết bao khó khăn. Cả TP Vinh trơ trụi sau chiến tranh, tất cả đều là nhà tranh, chỉ còn mấy tòa nhà gạch. Mượn tạm Nhà dòng, trường bố trí cán bộ ở nhà dòng nam, sinh viên ở nhà dòng nữ. Thầy Hào là một vị giám đốc đại học có nhiều điểm đặc biệt. Là một nhà toán học được đào tạo bài bản ở Pháp, là tác giả của nhiều giáo trình đại học có chất lượng cao, từng đứng lớp trực tiếp hàng nghìn giờ với một phong thái riêng biệt có sức chinh phục tuyệt đối, thầy còn là một nhà trí thức có vốn văn hóa sâu rộng và rất đỗi tài hoa. Hồi ở Vinh, bọn trẻ chúng tôi, các buổi tối hay ngày nghỉ, thường kéo vào nhà thầy để nghe thầy giảng hấp dẫn như giảng văn một hồi kịch của Molière hay của Corneille hoặc xin mở máy hát nghe nhạc. Chính tôi đã trực tiếp nghe nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát hai lần ca ngợi một bài báo thầy viết trước cách mạng, nhan đề là “Toán học và chiếc đàn bầu”.

Thầy là một nhà quản lý không phải là đảng viên nhưng trong suốt hàng chục năm trời đã giữ một mối quan hệ hết sức tốt đẹp với tổ chức đảng. Thầy vừa rất coi trọng công tác chuyên môn nhưng cũng tận tình chăm lo đời sống của cán bộ, nhân viên, của đông đảo sinh viên. Phần lớn những cuộc thi biểu diễn văn nghệ toàn trường, thầy đều được mời vào Ban giám khảo. Điểm nổi bật nhất ở thầy làm cho ai ai cũng kính trọng là cuộc sống giản dị thanh bạch, đạo đức liêm khiết. Có hàng chục câu chuyện sinh động minh chứng cho điều ấy. Chính vì vậy, trong những ngày mừng thọ thầy, anh em thường làm thơ ca ngợi thầy, những bài hay tự nhiên đều trở thành những bài xướng làm dấy lên cả một phong trào họa thơ rộng rãi. Năm thầy thọ 95 tuổi, anh Văn Như Cương đã tặng thầy một bài thơ rất hay, trong đó có những câu như: Thầy mãi là thầy của chúng con/ Tấm gương soi sáng mọi tâm hồn/ Cuộc đời gieo hạt trong như ngọc/ Sự nghiệp trồng người đỏ tựa son... Và câu thơ thứ bảy: “Chín mươi lăm tuổi bài thơ đẹp” đã được chọn làm tên cho một cuốn sách do NXB Nghệ An in năm 2006.

Có một sự kiện trong đời thầy chắc nhiều người chưa biết. Đó là năm 1946, thầy đã được cử làm Phó giám đốc kiêm Tổng thư ký Trường Đại học Khoa học trong hệ thống các trường của Trường Đại học Quốc gia Việt Nam. Chỉ ít lâu sau, Giám đốc Hoàng Thị Nga ra nước ngoài chữa bệnh, thầy phải đảm đương chức trách Quyền giám đốc. Như vậy, có thể xem thầy Nguyễn Thúc Hào là một trong những vị hiệu trưởng đại học đầu tiên của Việt Nam! Một người có một quá trình và thành tích như vậy nhưng lạ thay, thầy chưa hề được phong tặng một cái “danh” gì theo hệ thống học hàm của Nhà nước! Mặc dầu thầy đã có một vài danh hiệu cao quý khác, nhiều người vẫn cho rằng cái thực của thầy đã vượt quá cái danh. Nói đến điều này, tôi không thể không nhắc tới ba thầy đã trực tiếp dạy chúng tôi: Thầy Hoàng Xuân Nhị, thầy Nguyễn Lương Ngọc, thầy Nguyễn Lân. Không ai dám nghĩ rằng 3 vị ấy chưa từng được phong Giáo sư nên trong những bài báo viết về các thầy, trong hội thảo khoa học về các thầy, người nào cũng đặt chức danh “Giáo sư” trước tên của các thầy. Thật ra, cách xưng hô không hợp thức ấy có lý do và không phải là không có ý nghĩa!

Tôi trộm nghĩ: Trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, phải chăng chúng ta cũng có thể thực hiện việc truy tặng, truy tặng danh hiệu, truy tặng huân chương… được không?

GS, NGND Nguyễn Hải Hà - một Pavel Korchagin thực thụ

Nguyễn Hải Hà là bạn cùng chuyên ngành văn học với tôi, được giữ lại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cùng một lần với tôi. Có thể xem chúng tôi là thế hệ thứ ba trong đội ngũ thầy giáo của đại học Việt Nam. Theo tôi, anh là một trong số những người thông minh, sắc sảo nhất của khóa sinh viên Khoa Văn 1954-1957, khóa học có đến gần 200 sinh viên.

 Ở lại trường, anh được phân công về Tổ Văn học nước ngoài, chuyên trách mảng văn học Nga-Xô viết và đảm nhiệm lâu năm nhất chức vụ Chủ nhiệm một bộ môn có nhiều thành tích nhất về đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Điều anh cần phải vượt qua đầu tiên là chiếm lĩnh được tiếng Nga, một ngoại ngữ rất khó học. Mặc dầu không được đi học nước ngoài, sau một thời gian không dài tự học, anh đã làm được điều đó. Dịch giả tiếng Nga nổi tiếng Thúy Toàn cũng như những người được đào tạo bài bản ở Liên Xô (trước đây) đều đánh giá cao trình độ tiếng Nga của anh. Từ năm 1966, cùng với các anh Đỗ Hồng Chung và Nguyễn Trường Lịch, anh đã viết hai tập Giáo trình Văn học Nga cho NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, năm 1980, ra chuyên luận Nikolai Ostrovsky, năm 1987 viết Văn học Xô viết. Năm 1993, tức đúng cách đây 25 năm, chị Bạch Mai, người vợ đảm đang thân thương qua đời, cũng là năm anh cho ra mắt bạn đọc cuốn Thi pháp tiểu thuyết Tolstoy. Đặc biệt trong những năm gần đây, khi bị một căn bệnh quái ác hành hạ ngày đêm, anh đã dịch kịch của Tolstoy, một công việc cực khó mà ở Việt Nam chưa ai làm, năm 2012, đã cho ra mắt cuốn Tinh hoa văn học Nga-Khám phá và thưởng thức dày 700 trang. Cuốn sách sau của anh đã được NXB Giáo dục Việt Nam xếp vào loại sách tham khảo chất lượng cao và đã được trao giải nhì về Sách hay của Hiệp hội Xuất bản Việt Nam.

Điểm nổi bật ở anh Hải Hà mà ít người bì kịp là sức chịu đựng phi thường đối với bệnh tật. Anh đã từng mắc bệnh lao phổi, phải nằm viện một thời gian. Lúc mới 34 tuổi, anh đã bị đau khớp rất nặng, bàn tay biến dạng, các ngón tay đều bị bẻ quặt thành hình thước thợ, không thể cầm bút. Không chỉ thế, hơn chục năm nay, bị bệnh gút, anh phải cưa một chân, ngày ngày phải gác chân lên khung gỗ đọc sách, làm khoa học. Đi lại vô cùng khó khăn-phải dùng xe lăn và phải có cô em đi theo đẩy, nhưng sống cô đơn, anh dường như lại càng háo hức được tham dự những sinh hoạt tập thể: Liên hoan tổ bộ môn đầu xuân, họp bộ môn góp ý cho đề cương nghiên cứu sinh, dự sinh hoạt các hội nghị khoa học lớn, họp mặt đồng môn cựu học sinh cấp 3 và sinh viên đại học. Lần nào anh Hà xuất hiện với chiếc xe lăn cũng đều làm cho mọi người xúc động, nhưng có lẽ lần làm cho mọi người xúc động nhất là hôm anh tham dự Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của thầy Hoàng Xuân Nhị. Ban tổ chức không ngờ là anh có thể đến dự, lại càng không ngờ là anh đã đọc một bản báo cáo khoa học nghiêm chỉnh. Ngồi trong xe lăn, anh đã tóm tắt một cách rõ ràng khúc chiết các luận điểm rồi đọc một đoạn tiêu biểu với một sức biểu cảm lạ lùng. Đưa mắt lướt qua hội trường, tôi thấy cử tọa ngồi im phăng phắc, một vài cán bộ nữ và các em sinh viên tham dự như đều rơm rớm nước mắt... 

leftcenterrightdel
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội-cái nôi đào tạo nhà giáo của nước ta. Ảnh: MINH THÀNH

Trong lúc tôi gõ phím viết bài báo này thì GS Hải Hà vừa ở Bệnh viện Hữu nghị về sau một tháng nằm viện để… cưa nốt chân còn lại sau nhiều lần hội chẩn của tập thể bác sĩ! Con gái ở rất xa không về được, con trai, Nguyễn Hải Bằng, Đại sứ nước ta ở Thái Lan, về thăm bố được bốn ngày. Không hiểu vì sao ông trời lại “thách nghị lực” ông bạn tôi tới mức tàn nhẫn như vậy! Bây giờ thì không còn là “sóng cồn” của sông biển nữa mà thật sự là của đại dương! Hôm vào thăm anh ở bệnh viện, đầu óc anh vẫn cực kỳ tỉnh táo, không biết những ngày tới, anh còn làm được gì về chuyên môn nữa không? Tất cả những tư liệu về Thép đã tôi thế đấy!, từ bài trong sách giáo khoa trước đây, trích tuyển trong Sách hoa hồng đến chuyên luận về tác giả Nikolai Ostrovsky đều do anh viết. Thật trớ trêu cho số phận, giờ đây anh đã thực sự trở thành một Pavel Korchagin thực thụ trên mặt trận khoa học và giáo dục! Bên cạnh Hải Hà, không ít bạn lứa tuổi của tôi, sức khỏe đã rệu rã, lạ thay, vẫn miệt mài đọc sách, say sưa nghiên cứu, thậm chí có bạn đã hóa trị, xạ trị nhiều lần vẫn nhận lời hướng dẫn luận án với một ý nghĩ đơn giản: Mình không hoàn thành thì sẽ có người khác tiếp tục! Chưa nói đến những người bạn thân của tôi vừa ra đi như: Phạm Tú Châu, Phan Trọng Luận, Nguyễn Đăng Na…, trên bàn vẫn có những bản thảo, bản dịch còn dang dở, thậm chí trong khoảnh khắc trước lúc đi xa, vẫn còn ủ ấp trong đầu những ý tưởng, những phương án làm việc cho ngày mai!

Nhân ngày lễ hội của ngành giáo dục, xin gửi tặng bạn đọc một số bông hoa đẹp. Những bông hoa ấy có lúc chưa được đặt thật đúng chỗ, gọi chưa thật đúng tên, nhưng không sao, vì hoa rốt cuộc vẫn là hoa, vẫn “lặng lẽ dâng cho đời”, vẫn mãi mãi cung cấp cho mọi người muôn hương sắc quyến rũ!

GS NGUYỄN KHẮC PHI