Thức trắng bao đêm
Thời điểm 1994, bà Thái Hương quyết định nghỉ việc nhà nước, ra làm riêng. Thời đó, nhiều công chức nghèo quá, làm nhà nước không đủ ăn nên mọi người tranh thủ làm thêm đủ thứ, từ khâu vá, thêu thùa cho tới tranh thủ đi chợ buổi chiều bán thêm con cá, mớ rau, bìa đậu. Ai năng động hơn thì sáng có thêm tủ bánh mì pate, thúng xôi nhỏ... Nhưng với bà Thái Hương, ngay từ ngày đó đã quyết định “thử chơi lớn một phen cho thiên hạ trầm trồ”. Tư chất “thủ lĩnh” cùng với tấm lòng luôn nghĩ đến người nông dân “một nắng hai sương” của người phụ nữ xứ Nghệ thôi thúc bà khởi nghiệp.
Nhưng có gì trong tay để chơi lớn? Có lẽ những tháng ngày làm việc ở Sở Tài chính TP Hải Phòng đã giúp trong bà có thêm chất “ăn sóng nói gió” của người đất cảng.
|
|
Bà Thái Hương (hàng đầu, ở giữa) thăm trang trại bò TH tại Nga. Ảnh: LÊ HUYỂN |
Nói là làm, vừa làm vừa mày mò suy nghĩ, dụng tâm mở đường. Nhiều hôm tối đến không ngủ được. Khi trong nhà có người trằn trọc, lao tâm khổ tứ vì chuyện kinh doanh, vì hoài bão thì chồng con thoạt tiên cũng ủng hộ, nhưng sau thấy người thân ốm mà sinh bệnh thì ai mà không lo chứ. “Thôi nghĩ lại đi em”, “nghĩ kỹ chưa em”... đã nhiều lần chồng bà đã khuyên như vậy.
Nhắc lại chuyện xưa, bà Thái Hương nhấn mạnh: “Đấy, đến ngay cả người trong gia đình còn hoài nghi về sự khởi nghiệp của mình, thì trách sao được người ngoài nghi ngại. Thế nên, khi bắt tay vào triển khai dự án chăn nuôi bò sữa ở Nghệ An, tôi nghiến răng làm. Rất may khi đó được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước từ Trung ương tới địa phương, sự đồng tình, ủng hộ của các cộng sự, của người dân trong vùng, đã giúp tôi có bước đầu khởi nghiệp hết sức mỹ mãn”.
Tôi biết bà không muốn nói nhiều về bản thân nhưng ngày đó chúng tôi biết, để vay tiền ngân hàng làm dự án đâu có dễ. Dự án lập ra và khi đi vào triển khai thì việc thu xếp vốn cho dự án lúc đó cũng gặp không ít trở ngại, vì ai cũng tỏ ý nghi ngờ về việc làm thế nào có thể chăn nuôi bò sữa thành công trên mảnh đất Nghệ An đầy nắng gió trong khi trước đó ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam thất bại liên tiếp.
Quyết tâm lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, bà Thái Hương bắt đầu gây dựng TH True MILK vào năm 2008. Ý nghĩa cái tên TH là “True Happiness”, nghĩa là “Hạnh phúc đích thực”. Đi thăm những đồng cỏ kéo dài tới chân trời ở Nghệ An, bà Thái Hương động viên người lao động: “Hạnh phúc đích thực chính là đây, là cỏ, là bò sữa, là dòng sữa tươi ngọt ngào tinh khiết TH, là mồ hôi, là công sức lao động, là ý chí tập thể của chúng ta, đã kết tinh ra sản phẩm sữa tươi sạch TH True MILK”.
Nếu ai đi dọc Đường Hồ Chí Minh từ Cao Bằng vào đến Khe Tre (Thừa Thiên Huế), không tính vào đến Đất Mũi (Cà Mau), hẳn sẽ ấn tượng về quy mô rộng lớn của trang trại bò sữa TH True MILK ở Nghệ An. Dự án khởi công cách đây hơn 10 năm, cũng là cú khởi nghiệp đột phá của bà Thái Hương đã không chỉ thay đổi cả một vùng quê Nghĩa Đàn mà còn thay đổi cả về bản đồ sữa của Việt Nam.
Một bận, chúng tôi được vào tham quan trang trại ở Nghệ An, thấy choáng ngợp khôn tả, đúng là trăm nghe không bằng một thấy. Những cánh đồng cỏ rộng bát ngát, được áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến như máy làm đất, gieo hạt và thu hoạch cỏ cỡ lớn có năng suất làm việc bằng 800 người làm thủ công. Rồi đàn bò 4,5 vạn con được nuôi dưới các chuồng lợp tôn lạnh 3 lớp, có quạt gió, có hệ thống phun sương làm mát.
Nước uống của chúng được lọc qua hệ thống máy móc hiện đại nhập từ Hà Lan. Mỗi cụm trại đều có một nhà máy xử lý nước sạch Amiad để cung cấp nước uống, tắm mát cho bò sữa. Đọc báo, xem mạng thấy bò Hàn Quốc, bò Nhật Bản được nghe nhạc, massage. Thôi thì “ếch ngồi đáy giếng”, thấy bạn bè quốc tế nuôi bò như vậy thì cũng chỉ biết ngưỡng mộ, cho đến bữa chúng tôi được nhìn tận mắt thấy mấy vạn con bò trong trang tại TH True MILK ở Nghệ An được cho nghe các bản nhạc cổ điển, dân ca, tắm mát... mỗi ngày. Lúc đó, chúng tôi có chung suy nghĩ: Bò Nhật Bản, bò Hàn Quốc cũng chẳng được chăm sóc kỳ công hơn bò ở đây.
Khơi thông dòng sữa
Từ cú khởi nghiệp đầu tiên thành công mỹ mãn ở Nghệ An, cộng với sự phát triển bền vững của TH True MILK, mới đây, bà Thái Hương quyết định mở rộng trận địa khởi nghiệp tới khu vực An Giang, mà nói vui như bà là “Nam tiến”: “Tại An Giang, mong muốn ngoài trang trại bò sữa, tôi còn làm các trang trại trồng trọt theo mô hình hữu cơ và GlobalGAP-sản xuất những sản phẩm nông nghiệp tươi sạch cùng với xây dựng nhà dưỡng lão và khu nghỉ dưỡng. Nếu chỉ làm riêng nông nghiệp thôi thì vất vả quá. Tôi nghĩ con đường tiếp theo của TH sẽ được mọi người ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đón nhận. Rồi đây, vùng dự án của chúng tôi ở Tri Tôn sẽ trở thành những đô thị nông nghiệp mà không mất đi sự bình yên của làng quê. Vùng đất cách mạng Tri Tôn sẽ có những trang trại của TH làm trung tâm, từ đó dẫn lối cho bà con nông dân cùng đi lên phát triển. Ví dụ như ở Nghệ An, quy hoạch là 37.000ha nhưng trang trại TH True MILK chỉ sử dụng khoảng 8.100ha, còn lại là đưa người nông dân đi theo chuỗi khép kín, trồng nguyên liệu thức ăn cho bò sữa”.
Ấp ủ nhiều hoài bão, mong muốn mở rộng địa bàn khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực, nhưng có một điều bà Thái Hương luôn trăn trở, đó là “25 năm nữa, chúng ta có gì?”. Câu hỏi này được người đứng đầu TH True MILK đặt ra khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tổ chức buổi “Đối thoại 2045”, nhằm lắng nghe kiến nghị từ giới doanh nhân, trí thức để tìm ra giải pháp phát triển đất nước. Điểm khác biệt của đối thoại năm nay được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh là bắt đầu cho một chương trình đối thoại thường niên giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ với cộng đồng giới tinh hoa trong nước, để hiện thực hóa khát vọng năm 2045. Theo đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Theo nhiều chuyên gia, đây là một chặng đường dài, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đều đặn hằng năm.
Tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp tiêu biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chính phủ muốn trao đổi ý kiến về đóng góp chiến lược, về khát vọng của chúng ta để thực hiện mục tiêu đến năm 2045, lắng nghe những giải pháp phát triển, hiến kế phát triển đất nước trong bối cảnh mới của toàn cầu và Việt Nam hiện nay”.
Tại buổi gặp mặt, bà Thái Hương, trong vai trò nhà sáng lập TH True MILK đã kiến nghị đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ; doanh nghiệp phát triển đi theo hướng chia sẻ với người nông dân. Bà Thái Hương bày tỏ mong muốn: “Chính phủ tạo ra một thể chế minh bạch, sáng suốt, tạo bệ đỡ cho các doanh nghiệp phát triển”.
Bà Thái Hương nhấn mạnh: “Việc tổ chức “Đối thoại 2045” là cơ hội cho các doanh nghiệp phát biểu, nêu các kiến nghị về phát triển đất nước. Trong vòng 25 năm nữa, trên một nền tảng như hiện tại, những gì là thế mạnh của Việt Nam? Theo tôi, Việt Nam đang phát triển và năm 2045 sẽ là một quốc gia phát triển, văn minh, môi trường được bảo vệ, xã hội an lành. Nền tảng con người phải có trí tuệ với sức khỏe, do đó, phải có ngành nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, với một thế hệ doanh nhân hướng tới phát triển bền vững, các sản phẩm thực phẩm không gây hại cho sức khỏe con người. Bên cạnh đó, một lợi thế khác của đất nước chúng ta là an ninh chính trị tốt, con người cần cù, hiền hòa, với nhiều đặc sản, nhiều thảo dược ở các vùng miền... đây là cơ hội để tạo ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe. Rồi còn tiềm năng khai thác du lịch chữa bệnh, kết hợp đông tây y, cùng với du lịch sinh thái, du lịch lịch sử”.
Và cuối cùng, điều bà Thái Hương luôn trăn trở là đối với các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp, khó khăn chồng chất nhưng nếu thị trường không minh bạch thì mọi sản phẩm đều bị người tiêu dùng đánh đồng như nhau. Mà bà Thái Hương thì luôn muốn “TH True MILK đứng đầu trong mọi phân khúc”.
* Bà Thái Hương tự hào, nếu Việt Nam là góc bếp của thế giới, thì TH sẽ là “người nội trợ tử tế”, mang đến sản phẩm thực phẩm Việt tốt nhất cho những căn bếp của mỗi nhà.
* Thương hiệu TH “True Happiness-Hạnh phúc đích thực” dựa trên giá trị cốt lõi “vì sức khỏe cộng đồng”. |
HOÀNG HÙNG