QĐND - Nếu so với khu phố cổ, thì khu phố Pháp hay còn gọi là khu phố cũ còn quá ngắn ngủi trong lịch sử hình thành của Hà Nội. Thế nhưng, nơi đây đã trở thành một phần máu thịt của Hà Nội, một di sản quý của văn hóa Thủ đô.

Phố Tràng Tiền năm 1915. Ảnh tư liệu

Theo tinh thần Hiệp ước 1874, các công thự của lãnh sự Pháp trong khu Nhượng địa (diện tích khoảng 2,5ha, giới hạn bởi các phố theo tên gọi hiện nay gồm: Trần Nhật Duật, Lý Thái Tổ, Hàm Tử Quan và đoạn từ Nhà hát Lớn đến phố Trần Quang Khải) là cái nôi của khu phố kiểu châu Âu.     Cũng theo Hiệp ước này, từ năm 1876, khu phố Pháp phải phát triển về phía Nam, tức trên khu đất ngày nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô.

Thực tế, cho tới năm 1883, khu phố Pháp vẫn chỉ giới hạn ở mấy tòa công thự trong khu Nhượng địa. Sau năm 1883, khu phố Pháp mới phát triển được do đạo quân viễn chinh tới Bắc kỳ. Lần này sự phát triển không về phía Nam mà về phía Đông dọc theo phố Hàng Khảm. Phố Hàng Khảm từ ngày 20-11-1886 mang tên phố Pôn Be (nay là ba phố: Tràng Tiền, Hàng Khay và Tràng Thi) trở thành trục chính để các phố khác của một thành phố kiểu châu Âu song song hoặc vuông góc với nó.

Khách sạn đầu tiên bằng gạch do người Âu khai trương vào tháng 11-1885 ở phố Hàng Thêu (sau đổi thành phố Giu-lơ Pê-ri, nay là phố Hàng Trống), cạnh tòa báo “Tương lai Bắc Kỳ”. Khách sạn này có tên là Đại khách sạn với một phòng ăn 50 người, phòng bi-a được nhập đầu tiên vào Hà Nội…

Từ năm 1884, đã có một số nhà nhỏ bằng gạch nhưng phần lớn người Pháp phải bằng lòng với những ngôi nhà lá đơn giản, nhà của người Tàu ở khu buôn bán hoặc các ngôi chùa cổ. Trong khu phố mới, con đường đầu tiên được quy hoạch là phố Hàng Khảm. Sau đó đến Hàng Thêu, đại lộ Đồng Khánh (nay là Hàng Bài). Chẳng bao lâu sau, phố Hàng Khảm có thể đi bộ và đi xe ngựa riêng biệt. Khi các đường phố mới có thể cho xe đi lại được, đầu năm 1884, trú sứ Bôn-nan cho nhập từ Nhật hai chiếc xe "djinn richshaws". Những chiếc ô tô đầu tiên này làm dân chúng kinh ngạc. Sự ngạc nhiên còn lớn hơn khi xe khách công cộng xuất hiện vào năm 1885.

Phố Tràng Tiền hôm nay. Ảnh: Nguyễn Lục

Hai giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình phát triển khu phố Pháp là sự khai quang khu vực hồ Gươm và việc xây dựng trên bờ Đông của hồ các tòa nhà hành chính đầu tiên chuyển từ khu Nhượng địa ra. Các tòa nhà được hoàn thành vào năm 1887 và năm sau, khu đầm lầy ngăn cách các ngôi nhà được san lấp để xây dựng Công viên Pôn Be. Trong 4 ngôi nhà, 2 ngôi hiện nay vẫn còn tuy có chút thay đổi là tòa Thị chính và Kho bạc. Hai tòa nhà kia, nhà Bưu điện và Tòa thống sứ Bắc Kỳ được xây dựng lại trên một diện tích rộng hơn.

Đồng thời với việc trở thành trung tâm hành chính và thương mại, khu phố mới còn phát triển về phía Bắc bằng cách san lấp một số đầm kẹp giữa hồ Gươm và sông Hồng để xây dựng nhà cho công chức thuê. Về cấu trúc, khu phố Pháp được thiết kế theo hai trục cơ bản là Bắc-Nam và Đông-Tây. Đường phố rộng và vỉa hè lớn. Những công trình công cộng lớn như: Nhà hát Lớn, ga Hàng Cỏ, Trường Đại học Dược, Ngân hàng Nhà nước được bố trí làm điểm nhấn. Các phố nằm trên trục Bắc-Nam kết nối các khu vực không gian lớn với nhau (khu vực quanh hồ Gươm, khu vực quanh hồ Thiền Quang). Trong quy hoạch tổng thể của khu phố Pháp, cây xanh và hồ nước là những điểm nhấn quan trọng. Trong vườn các khu biệt thự đều có cây xanh. Cây xanh được trồng dọc hai bên phố tạo thành một mạng lưới theo ô bàn cờ. Hồ Gươm, hồ Trúc Bạch, hồ Tây, hồ Thiền Quang là những điểm nhấn trong cảnh quan kiến trúc đô thị. Các hồ đó đóng vai trò quan trọng trong đồ án quy hoạch đô thị của thành phố-cả trong việc tiêu thoát nước và cân bằng môi trường sinh thái. Các biệt thự dành để ở được xây theo lối kiến trúc Pháp nhưng đã được “nhiệt đới hóa” cho thích hợp hơn với khí hậu Hà Nội: Nhà có tầng hầm, tường dày, mái có khoảng không lớn để tăng khả năng cách nhiệt, chống nóng…

Sau năm 1954, khu phố Pháp ở Hà Nội trải qua nhiều biến cố. Khi người Pháp chấm dứt sự hiện diện về hành chính và quân sự ở Hà Nội, toàn bộ khu phố Pháp thuộc sở hữu của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Công sở trước kia của chính quyền thuộc địa nay được sử dụng là nơi làm việc của chính quyền mới. Một phần trong số các biệt thự cũng được sử dụng làm công sở. Một phần khác được chia cho các cán bộ cao cấp dùng làm chỗ ở. Từ năm 1986 đến nay, cấu trúc của các khu phố Pháp ở Hà Nội đã thay đổi. Ngoài sự xuống cấp của các công trình thì chức năng của chúng cũng được sử dụng vào những mục đích mới.

Quá trình du nhập của kiến trúc Pháp ở Hà Nội đã dần chuyển hóa mềm mại và tìm đến những đặc trưng phù hợp với đặc điểm tự nhiên và xã hội của Hà Nội. Mỗi công trình đều mang trong nó dấu ấn thời đại và dấu ấn của các cá nhân đương thời.

Từ khi hình thành cho đến nay, khu phố Pháp đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển, song hành cùng những thăng trầm của lịch sử Thủ đô và đất nước. Khu phố Pháp sống trong lịch sử cận đại và hiện đại của Hà Nội, đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa Hà Nội.

NGUYỄN PHÚ VINH