QĐND - Chúng tôi đến Hà Giang cùng sự nhiệt tình của Tùng, thượng sĩ, trinh sát Đồn biên phòng Phó Bảng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Anh đã cắt ngắn chuyến về thăm vợ ở thành phố Hà Giang để đưa chúng tôi lên với điểm địa đầu biên giới…

Phố Là mùa tam giác mạch.

 

Ở nơi địa đầu đất nước, thị trấn Phó Bảng nằm yên bình giữa muôn trùng đá núi quanh năm mây phủ. Cuộc sống người dân nơi đây trở nên nhỏ bé, đơn sơ bên nếp những nhà vương nét thời gian, nép mình bên các hốc đá cao trên triền núi. Từ Phó Bảng nhìn về phía xa xa, ngọn núi xanh mờ bao quanh thị trấn, dải mây như chiếc khăn quàng vắt ngang đỉnh núi trở thành tấm lá chắn như muốn cách biệt cuộc sống nơi đây và thế giới xung quanh. Phó Bảng tập trung chủ yếu là người Hoa, người Mông sinh sống với hơn 400 nhân khẩu. Sự cộng cư về mặt văn hóa ấy làm nên một nét rất riêng ở Phó Bảng. Cư dân đều làm nương rẫy, buôn bán lặt vặt, thích lối sống bình yên. Vì thế, không ít du khách gọi Phó Bảng là thị trấn ngủ quên. Nhưng kỳ thực, Phó Bảng cũng có lúc đông vui, nhộn nhịp. Đó là những ngày phiên chợ. Phó Bảng họp chợ mỗi tuần một lần, phiên chợ được tính theo lịch lùi (nếu tuần này là thứ bảy thì tuần sau là thứ sáu, tuần sau nữa là thứ năm). Phiên chợ là ngày mà Phó Bảng đông vui nhất bởi người dân quanh vùng đem nông thổ sản xuống chợ, người mua, kẻ bán nhộn nhịp, quang cảnh tấp nập kéo dài đến trưa.

Với khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”; các tổ, đội công tác Đồn biên phòng Phó Bảng ngày đêm lăn lộn, gắn bó với địa bàn, với nhân dân các dân tộc, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp và cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự xóm (bản) khu vực biên giới”. Đặc biệt, Đồn biên phòng Phó Bảng đã thực hiện một mô hình rất hiệu quả nhằm giúp dân phát triển kinh tế - xã hội. Đó là giúp dân trồng cỏ nuôi bò, trồng đậu tương, thảo quả tại bản Lao Xa, xã Phố Là. Cùng đó, đồn còn thường xuyên cử cán bộ, chiến sĩ xuống các xóm, bản giúp đỡ hộ nghèo sửa chữa nhà cửa, xóa nhà tạm, hướng dẫn người dân làm vệ sinh thôn, bản, phòng chống thiên tai, dịch bệnh...

Trung úy Nguyễn Như Ý, người Thái Bình, đồn phó Đồn biên phòng Phó Bảng, người rất đam mê đọc sách, nhất là sách lý luận chính trị, đưa chúng tôi vào một điểm của Trường tiểu học Phố Là, ngay chân cột mốc biên giới. Nơi đây, đêm trăng vời vợi có thể nhìn thấy cột mốc biên giới in bóng trên nền trời xanh thẳm như một người chiến sĩ kiên trung đứng gác cho bình yên Tổ quốc. Dưới chân “người chiến sĩ ấy”, giờ đang là cả một thung lũng hoa. Thung lũng Phố Là đang tràn ngập một màu hồng tím dễ thương của hoa tam giác mạch trong cái lạnh hoang sơ ngày chớm đông.

Sau khi tặng quà và gọt trọc gần hết đầu của lũ trẻ ở trường, chúng tôi tặng lại chiếc tông đơ chạy điện cho các thầy cô giáo. Vừa lang thang trong thung lũng tam giác mạch chụp ảnh, vừa được nghe thầy hiệu trưởng Sơn và anh Ý kể chuyện về vùng biên ải, về những khó khăn ngày đầu bám bản, bám trường… Chợt thấy phục họ quá!

Bữa cơm tối nơi địa đầu Tổ quốc đơn sơ mà ấm áp lạ! Những chén rượu ngô tuôn trào, những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm đến nghẹt thở… Tình yêu Tổ quốc hiện hữu thật giản dị mà chân thành…

Các anh lại đi tuần tra chuyến kéo dài 3 ngày dọc theo đường biên giới cheo leo trên đỉnh núi để cho màu hoa tam giác mạch dưới thung lũng kia mơn mởn mong manh. Nhớ về hoa tam giác mạch, tôi lại nhớ về những người lính biên phòng nơi cực Bắc Tổ quốc thân yêu. Với tôi, họ đẹp hơn cả những bông hoa!

Bài và ảnh: NGUYỄN QUANG KIÊN