Cuối tháng 4 vừa qua, chúng tôi đến địa chỉ số 33, ngõ 67 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) để “thực mục sở thị” việc “đổi giấy lấy cây”. Thành thực mà nói, đến nơi chúng tôi không khỏi “choáng” với số lượng công việc mà các bạn trẻ ở Green Life làm hằng ngày. Từ việc thu gom sách vở, giấy báo cũ đến pin cũ, đồ điện tử cũ, hỏng… tất cả đều được các bạn tiếp nhận một cách vui vẻ và sau đó quy đổi ra sao. Cứ 3 cân giấy cũ là được 1 sao, 4-5 cục pin cũ cũng được nhận 1 sao. Sau đó mọi người thoải mái chọn cây xanh, được xếp hạng từ 1 đến 10 sao, thậm chí có cây đẹp được định giá 15 sao. Nếu không đủ số sao, người yêu cây có thể trả bằng tiền, được quy đổi 10.000 đồng bằng 1 sao.
Với mong muốn tìm hiểu kỹ hơn về dự án “đổi giấy lấy cây”, cuối tháng 5 vừa qua, chúng tôi qua Trường Mầm non 8-3 ở phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) để hòa nhịp vào dự án này. Hoàng Quý Bình, người sáng lập dự án, sinh viên năm thứ tư Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Xuất phát từ thực tế trong quá trình học tập tại trường, lượng giấy được sử dụng rất nhiều, nếu có thể tái chế sẽ góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường. Đó là động lực để tôi cùng mọi người xây dựng dự án “đổi giấy lấy cây”. Trải qua gần 6 tháng đi vào hoạt động, Green Life mong muốn giữ lại màu xanh cho đất, giữ lại không gian xanh, cuộc sống xanh cho cộng đồng”.
Ngay từ sáng sớm 25-5, nhiều phụ huynh đã chở con em tới Trường Mầm non 8-3. Có bạn nhỏ từ ô tô bước xuống, khệ nệ bê chồng giấy tới bàn cân, sau đó nhảy chân sáo đi chọn cây. Ở một góc trường, Hoàng Quý Bình đang hướng dẫn một số bạn trẻ cách trồng cây vào chậu, cho cây vào túi đồ để khách mang về thuận tiện. Đúng với tính chất của dự án, cây sau khi bán xong được cho vào các túi giấy, tuyệt đối không dùng túi ni lông. Vừa định trò chuyện với Hoàng Quý Bình, chúng tôi đã thấy Bình thoắt cái “biến mất”. Hóa ra, Trưởng nhóm Green Life ra bãi trông xe để hỗ trợ các bạn lấy xe cho khách.
    |
 |
Giấy vụn, sách báo sẽ được các bạn trong nhóm Green Life phân loại cẩn thận tùy theo mục đích sử dụng. |
Vừa dắt xe cho khách, Hoàng Quý Bình vừa tâm sự cùng chúng tôi: “Với số lượng giấy và các đồ tái chế này, sau sự kiện nhóm chúng tôi sẽ tiến hành phân loại. Các cuốn sách còn sử dụng được chúng tôi góp lại vào thư viện D Free Book. Những cuốn truyện, cuốn vở còn dùng được chúng tôi sẽ gửi tặng các em nhỏ vùng cao. Pin hay các thiết bị điện tử hỏng thì sẽ gửi đi tái chế. Đối với những vỏ hộp sữa sẽ gửi đi công ty để họ tái chế ra những tấm tôn sinh học… Tóm lại chúng tôi không bỏ đi bất cứ thứ gì. Mọi người cứ đem giấy, pin… đến đây, chúng tôi vô cùng hoan nghênh và rất vui khi trao cây xanh”.
Qua gần 6 tháng hoạt động, có thể thấy các bạn trẻ trong nhóm Green Life vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, phần vì dự án “đổi giấy lấy cây” thành công ngoài mong đợi, số lượng khách đến rất đông, phần vì đầu việc nhiều nên các bạn trong nhóm đôi khi làm việc “giẫm chân lên nhau”. Nhưng toát lên vẫn là sự nhiệt tình, đầy trách nhiệm với công việc, xã hội và cuộc sống của các bạn trẻ. Đống sách cũ các bạn để có thể bừa bộn nhưng vào cuối tháng 6 này sẽ được chở lên vùng cao sau khi đã phân loại cẩn thận, để học sinh miền núi có thêm tài liệu tham khảo, học tập.
Vì làm việc không công nên mỗi khi triển khai dự án vào các ngày thứ bảy, chủ nhật cuối tháng, Hoàng Quý Bình lại cùng các bạn trong nhóm lên mạng xã hội kêu gọi sự hỗ trợ của các tình nguyện viên. Nhiều bạn trẻ mặt còn búng sữa vô tư vào giúp, nhưng có thể thấy, các bạn đã cảm nhận được ý nghĩa, mục tiêu tốt đẹp của dự án “đổi giấy lấy cây”.
Hoàng Quý Bình thì không muốn kể nhiều về mình, nhưng chúng tôi được biết, dù bận rộn với việc học tập trên giảng đường nhưng chàng sinh viên năm thứ tư này vẫn không quên dành thời gian cho các dự án của mình và nhóm Green Life. Cách đây vài năm, khi Hoàng Quý Bình đứng ra tổ chức thư viện D Free Book tại gia, với tên gọi “đặt cọc niềm tin”, nhiều người đã tỏ ra ái ngại cho Bình. Gọi là “tại gia” cho sang chứ thực ra đó là căn nhà Bình thuê trong một con ngõ ở phố Lê Thanh Nghị. Với thủ tục mượn sách đơn giản, bạn đọc đến thư viện, tìm kiếm những cuốn sách phù hợp, để lại số điện thoại cá nhân và hẹn lịch trả là có thể mang sách về đọc. Không đặt cọc, không phải trả tiền vì tất cả được trao, trả bằng sự tin tưởng mà những người yêu đọc sách dành cho nhau. Thư viện mở cửa đón khách từ 8 giờ đến 21 giờ hằng ngày. Mỗi ngày trung bình có hàng chục bạn tới mượn và trả sách.
Thư viện hiện có hơn 1.000 cuốn sách, đa dạng về thể loại, được Hoàng Quý Bình sưu tầm từ khoản tiền dạy thêm, bán cây (sen đá) cũng như từ sự quyên góp của nhiều bạn đọc. Hoàng Quý Bình luôn nghĩ rằng, sách nằm im là sách chết, nên muốn chia sẻ những cuốn sách của mình với mọi người. Những cuốn sách chỉ là những tập giấy lộn nếu ta không sử dụng chúng một cách hiệu quả. Vì vậy việc để sách đến tay nhiều người mang lại ý nghĩa vô cùng to lớn. “Thư viện hoạt động với hình thức “đặt cọc niềm tin”, vì với em niềm tin có giá trị vô cùng quan trọng”-Bình nói.
Chúng tôi gặp Hoàng Quý Bình một số lần, mỗi lần lại được tiếp xúc với chàng sinh viên nhiệt thành này dưới một góc độ khác, khi là ông chủ thư viện, lúc lại là người bán cây, trông xe… nhưng lúc nào ở Bình cũng toát lên vẻ giản dị, khiêm tốn. Lần gần nhất gặp Bình, tôi bảo: “Trông em dạo này gầy quá. Đừng có ham việc quá mà ốm đấy”. Bình cười trong cái nắng nóng gay gắt hầm hập của trưa hè: “Làm việc thế này ăn thua gì anh. Mấy bữa nữa em sẽ cùng một số bạn đi khảo sát ở vùng cao, xem địa phương, điểm trường nào cần sách vở để sớm thu xếp...”.
    |
 |
Khách hàng háo hức chọn cây sau khi đã nhận sao từ Green Life. |
Nhìn dáng Bình vất vả, tất tưởi, tôi thật sự ái ngại cho trưởng nhóm Green Life. Thư viện Bình mở ra mỗi tháng đóng tiền nhà hết 4,5 triệu đồng. Dù Bình đã làm thêm nhiều việc nhưng chúng tôi biết để duy trì thư viện này là công việc hết sức khó khăn với Bình. Trò chuyện với Bình, chúng tôi lo lắng thật sự khi chàng sinh viên này cho biết đã mở thêm một thư viện “đặt cọc niềm tin” ở ngõ Viện Máy (quận Cầu Giấy).
Bình nói rất chân thành: “Thư viện hiện gặp khó khăn về vấn đề kinh phí, trước mắt em mới nghĩ đến việc bán cây. Còn về lâu dài, sẽ kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ để duy trì hoạt động cho thư viện. Thực sự những lúc khó khăn, em chỉ mong có thêm sức người, sức của chứ không chỉ là những lời động viên. Dẫu biết sẽ mệt mỏi, sẽ vô cùng gian nan và rất nhiều việc phải làm, nhưng em và các bạn trong Green Life vẫn sẽ vững bước. Hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến với mọi người”.
Bài và ảnh: HÀ THÀNH