Khắp các triền đồi, đường phố, cạnh những mái nhà nhỏ xinh xắn, hoa ban nở rộ. Tây Bắc như khoác lên mình một tấm áo mới, tươi tắn, đầy sức sống.

Từ sáng sớm, khi những tia nắng đầu tiên chiếu xuống là lúc hoa ban bắt đầu nở. Trong không gian nhẹ nhàng, thanh thoát, sắc hoa tinh khôi vươn mình giữa làn sương mai. Những cánh hoa mềm mại như những vệt mây trôi, hòa quyện với không khí trong lành của núi rừng.

leftcenterrightdel

 Sắc trắng tím dịu dàng của hoa ban. Ảnh THÀNH CHƯƠNG

Mùa hoa ban đến là thời điểm tuyệt vời để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của núi rừng Tây Bắc. Từng cánh hoa nhẹ nhàng, êm ái, mang theo sự thanh khiết và một chút mơ mộng trong làn gió xuân. Đặc biệt, hoa ban còn gắn liền với những truyền thống văn hóa độc đáo của các dân tộc Tây Bắc như Thái, Mông, Tày...

leftcenterrightdel
 Hai thế hệ bên cây hoa ban. Ảnh THÀNH CHƯƠNG

Đồng bào Thái có câu chuyện kể rằng, xưa kia, trong vùng có một người con trai và một người con gái yêu nhau tha thiết. Tình yêu đôi lứa trong như con suối, sáng như ánh trăng, đẹp như hoa rừng nở. Họ yêu nhau đắm say, ước hẹn suốt đời thủy chung. Nhưng nhà chàng trai quá nghèo, bố mẹ cô gái không đồng ý cho họ đến với nhau. Chàng đau khổ từ biệt ra đi. Và một ngày khi trở về tìm lại người yêu, chàng mới biết tin khi mình đi, người con gái cũng bỏ trốn vào rừng và nằm lại nơi đó để giữ trọn lời thề ước mà không chịu gả cho người khác. Trên khắp những nẻo đường rừng nàng đi qua đều in lại những dấu chân trần. Chàng trai đau đớn, đi theo vết chân của người yêu. Nước mắt chàng rơi xuống theo từng dấu chân nàng. Khi đi đến dấu chân cuối cùng, chàng gục xuống, tan vào đất trời, rừng núi. Ít lâu sau, từ những vết chân ấy mọc lên những cây hoa trắng thật đẹp, đó là cây hoa ban.

leftcenterrightdel
 Bản Nặm Cứm, xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên như thế giới cổ tích với vẻ đẹp tinh khôi của hoa ban. Ảnh THÀNH CHƯƠNG

 

Câu chuyện tình thấm đượm vào loài hoa để rồi ai từng ngắm hoa ban nở cũng sẽ “phải lòng” loài hoa mong manh mà tiềm tàng sức sống mạnh mẽ này. Mặc cho sỏi đá hay vách núi cheo leo, hoa vẫn vươn mình tỏa hương, khoe sắc dâng đời như chính cốt cách, tinh thần của người dân vùng cao.  

Trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Thái, hoa ban là biểu tượng của lòng hiếu thảo, biết ơn. Bởi vậy, trong các lễ hội truyền thống, hoa ban là lễ vật không thể thiếu để người dân dâng lên tổ tiên và các vị thần núi, thần sông, thể hiện tấm lòng tôn kính, tri ân và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu...

Khi đến lễ hội, những người phụ nữ Thái thường sắm cho mình trang phục có họa tiết liên quan đến hoa ban để giữ gìn bản sắc dân tộc.

Trước đây, mùa ban nở cũng là mùa đói, người dân lên nương, phát rẫy nhưng không có gì ăn. Họ phải lên rừng hái hoa ban và củ măng ăn tạm qua ngày. Bây giờ, cuộc sống đã khấm khá hơn, những món ăn được làm từ hoa ban trở thành đặc sản ẩm thực của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc. Một trong số đó phải kể đến món nộm hoa ban với vị ngọt thanh khi được hòa trộn cùng gừng, sả, mắc khén, măng và những lá rau vị chát lấy từ rừng... Ngoài hoa, nhiều bộ phận của cây ban cũng được sử dụng làm thuốc chữa bệnh.

Với vẻ đẹp tinh tế, gắn liền với truyền thống văn hóa, hoa ban mang một giá trị tinh thần sâu sắc, là minh chứng cho sự giàu có về văn hóa của các dân tộc Tây Bắc. Theo biến thiên của thời gian, hoa ban đã trở thành một phần lịch sử của vùng đất Tây Bắc kiên cường. Mỗi nhánh ban nở là một lần nhắc nhở con người về những năm tháng gian khó mà người dân nơi đây đã vượt qua. Vào mùa hoa ban năm 1954, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ đang diễn ra ác liệt, những cánh hoa ban vẫn nở rộ giữa núi rừng. Những cánh hoa đã trở thành hình ảnh đặc biệt, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, sự kiên cường và quyết tâm chiến đấu của quân và dân ta. Hoa ban tinh khôi nở trắng trời như lời hứa hẹn, niềm tin vào chiến thắng. 

leftcenterrightdel
  Người dân huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên lao động sản xuất dưới những tán hoa ban. Ảnh: THÀNH CHƯƠNG

Những cánh hoa trở thành người bạn, niềm an ủi, động viên lớn lao đối với những chiến sĩ đang cầm súng chiến đấu, những dân công đang tiếp tế cho chiến trường. Kháng chiến thành công, Điện Biên Phủ trở thành biểu tượng của chiến thắng lịch sử, mùa hoa ban lại nở rộ, như chứng nhân lịch sử cho sự hy sinh và chiến công vô cùng hiển hách của những người lính.

Mùa hoa ban đến, chúng ta lại có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên, cảm nhận sức sống mãnh liệt của vùng đất với nền văn hóa đậm đà bản sắc, một phần không thể thiếu trong lịch sử và trái tim của dân tộc Việt Nam.

KHÁNH BIÊN