Từ thế hệ này qua thế hệ khác, các gia đình người Mông ở bản Tà Xùa nói riêng và xã Tà Xùa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) nói chung đã coi chè là một loại cây quý, gắn bó với cuộc sống. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, quá trình làm chè giờ đã đơn giản hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều gia đình đồng bào dân tộc Mông, trong đó có gia đình anh Mùa A Ư, chị Sồng Thị Chu vẫn gìn giữ cách sao chè truyền thống, vừa để bảo tồn và phát triển văn hóa của dân tộc, vừa để có thu nhập ổn định cho gia đình.

Theo lời giới thiệu của người dân bản Tà Xùa, chúng tôi tìm đến gặp anh Mùa A Ư. Gia đình có 6 người thì tất cả đều biết cách sao chè, từ vợ chồng anh đến các con. Vừa chuẩn bị sao mẻ chè đầu tiên trong ngày, anh Mùa A Ư vừa say sưa giới thiệu với chúng tôi về cách làm chè của dân tộc mình. Anh Mùa A Ư kể, búp chè Tà Xùa ngắn, nhưng mập hơn các loại chè nơi khác, lá chè dày. Quá trình làm ra chè thành phẩm không thể nóng vội mà cần sự tỉ mỉ, từ chăm sóc, thu hái đến cách sao sấy. Thời điểm hái tốt nhất để có chè ngon là lúc sáng sớm. Nếu trời mát, có thêm nhiều sương mù thì càng tốt. Lúc này búp chè ngậm sương, có hương vị tốt nhất. Vị đặc biệt của chè nằm tại búp chè bởi ở đó có lớp lông thường gọi là tuyết dày. Vì thế, khi hái phải hết sức cẩn thận, không được đụng đến. Chè hái về phải tiến hành sao sấy càng sớm càng tốt, mới giữ được hương vị. 

leftcenterrightdel
 Anh Mùa A Ư (bên phải) hướng dẫn du khách sao chè.

Trung bình, sao một mẻ chè theo phương pháp này phải mất 3-5 tiếng đồng hồ. Sau khi lá chè được làm héo sẽ cho ra nia vò bằng tay để kiểm tra độ ẩm và lại cho vào chảo tiếp tục đảo đều tay cho đến khi độ ẩm của chè đạt yêu cầu. Mỗi năm chè Tà Xùa thường có từ 3 đến 4 đợt búp, thu hái vào các tháng 2, 4 hoặc 8, 10. Nhà anh Mùa A Ư có 2ha chè đã thu hoạch nhiều năm nay, có 2ha nữa mới trồng cũng bắt đầu cho thu hoạch. Nếu sao truyền thống bằng tay thì bán được giá từ 700.000 đến 800.000 đồng/kg. Còn sao bằng máy thì số lượng nhiều hơn, công ít hơn, giá chỉ 200.000 đến 300.000 đồng/kg, bán tươi thì từ 50.000 đến 70.000 đồng/kg...Trong phương pháp làm chè của người Mông, nếu quá trình chăm sóc, thu hái là yếu tố cần thì công đoạn sao chè đóng vai trò quyết định chất lượng và hình thức của chè thành phẩm. Anh Mùa A Ư cho biết, phải dùng tay sao chè bởi có thế mới cảm nhận được nhiệt độ, độ khô của chè. Từ đó, người sao biết để điều chỉnh lửa và thời gian cho phù hợp. Tùy theo kinh nghiệm, mỗi người có bí quyết riêng ở từng công đoạn, thời điểm. Tuy nhiên, một mẻ sao thành công đều có chung cách nhận biết: Nếu chè càng nhiều màu trắng tuyết, phần lá màu hanh vàng sáng là chè ngon. Chè Tà Xùa so với các loại chè khác có đặc điểm là được nước hơn nhiều lần, lúc đầu uống vị chát sau đó vị ngọt lan tỏa.

Chè Tà Xùa nay được người tiêu dùng khắp mọi miền biết đến. Vì thế, đời sống của người trồng chè ở Tà Xùa cũng được cải thiện hơn. Không chỉ giúp người dân có thu nhập ổn định, cây chè cũng mang lại lợi ích kép trong việc giúp địa phương phát triển du lịch. Ông Mùa A Khư, Phó chủ tịch UBND xã Tà Xùa, cho biết: "Tà Xùa có thế mạnh về cây chè, phù hợp với khí hậu. Sau khi cây chè shan tuyết cổ thụ được vinh danh cây di sản Việt Nam thì nhiều người biết đến hơn. Xã Tà Xùa hiện có hơn 135ha chè shan tuyết, trong đó gần 3.000 gốc chè cổ thụ đang cho thu hoạch. Mấy năm gần đây xã cũng phát triển thêm diện tích mới. Xã cũng tuyên truyền bà con tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên chè Tà Xùa rất an toàn, được nhiều người ưa chuộng. Chúng tôi cũng xác định đây là cây phát triển kinh tế tốt, khuyến khích bà con gìn giữ cách sao chè truyền thống, vừa giữ bản sắc văn hóa dân tộc, vừa để phát triển du lịch rất tốt, khách rất thích tìm hiểu".

Thiên nhiên đã ban tặng cho người dân xã Tà Xùa loại chè có hương vị thơm ngon, cùng với đó là ý thức gìn giữ cách sao chè truyền thống, từ đó tạo nên chất lượng và giá trị của chè Tà Xùa. Đây cũng cách rất riêng để đồng bào dân tộc Mông nơi đây duy trì và phát triển nét văn hóa độc đáo truyền thống của dân tộc mình. Việc lưu giữ cách sao chè bằng tay vừa nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời gìn giữ nét đẹp văn hóa đồng bào dân tộc Mông, tạo điểm nhấn, thu hút khách du lịch khi đến với Bắc Yên.

Bài và ảnh: MINH NGUYỆT