“Bánh tẻ” có lẽ là khái niệm kỳ lạ bậc nhất trong từ điển tiếng Việt. Ở cách hiểu thông thường nhất, bánh tẻ là một loại bánh khá phổ biến ở Đồng bằng Bắc Bộ, được làm bằng bột gạo tẻ, trong có nhân nhiều loại. Còn một cách hiểu ở nghĩa rộng hơn, ấy là những sản vật của thiên nhiên đang ở kỳ “vừa nhất”. Tức là, đã qua giai đoạn non và chưa đến lúc chín. Tuy nhiên, vì mỗi sản vật mang một phong vị riêng nên khái niệm “bánh tẻ” cũng rất “linh động”. Lại có một cách hiểu khái niệm “bánh tẻ” nữa, chung hơn, đó là những sản vật thiên nhiên “ngon hơn bình thường”. Nhưng để phân biệt loại sản vật này cũng chả dễ dàng gì. Thường thì chỉ các bà nội trợ sành sỏi mới có khả năng này.
|
|
Sấu bánh tẻ-một sản phẩm quý của các bà nội trợ. Ảnh: NGỌC AN |
Mùa sấu non Hà Nội bắt đầu từ cuối tháng tư, đầu tháng năm dương lịch. Người kỹ tính thì không thích sấu non lắm. Vì, loại trái cây “bao tử” này nhỏ, vị chua chưa đủ kích thích vị giác lên đến cực đỉnh. Với lại, chả ai đi thích loại sấu mà thịt-hột lẫn lộn, lỡ cắn mạnh tí y như rằng đứt đôi cả quả, mất tiệt cái thú nhâm nhi nhằn hột.
Sấu già cũng không hấp dẫn lắm. Chua thì gắt gao, quả thì cứng như mo nang, thịt lại dai nhanh nhách. Chưa kể, hột phát triển ra to tướng, chiếm phần to thể tích quả sấu, khiến phần thịt trở nên mỏng quẹt.
Kết cục, “trọn vẹn” nhất là sấu bánh tẻ!
Hà Nội đã qua mùa sấu non, vào đến giữa mùa, sấu cứng cáp hơn, thịt dày, ấy là lúc dân gian gọi là sấu bánh tẻ. Sấu bánh tẻ là những quả có lớp vỏ hơi sần nhưng có cùi dày, độ chua vừa đủ. Biết bao tinh hoa của món sấu liên quan đến giai đoạn bánh tẻ này, bởi dễ dàng phối sấu với các món ăn, từ giản đơn đến cầu kỳ phức tạp. Mà, cứ món nào có sự góp mặt của sấu, lại bảo đảm độ “phê” tăng thêm bội phần. Đơn giản, dễ làm, dễ ăn nhất là món rau muống luộc dầm sấu. Khi rau gần chín, thả thêm vào dăm, bảy trái sấu bánh tẻ đã gọt vỏ. Khi sấu chín mềm, dầm cùng nước rau. Giản dị là thế cũng đã đủ cho một bát canh giải nhiệt với vị chua thanh đầy lý tưởng. Chưa hết, vài quả sấu dầm với nước mắm ngon dùng để chấm rau luộc thì… tuyệt đỉnh!
Cầu kỳ hơn là món vịt om sấu. Độ béo ngậy của thịt vịt khi quyện với vị chua của sấu thật không gì bằng. Sấu bánh tẻ đem nấu canh chua sườn, hoặc cá cũng đều là hết ý… Đại loại, từ sấu bánh tẻ, người ta có thể chế biến vô vàn các món ăn hấp dẫn khác nhau.
Sấu bánh tẻ “quý giá” như thế nhưng thời gian được thưởng thức loại quả này mỗi năm chỉ kéo dài hơn nửa tháng. Không “cam lòng”, các bà nội trợ nghĩ ra trò tích lũy. Những quả sấu bánh tẻ sau khi mua về được nạo qua vỏ, rồi rửa sạch, để ráo nước. Các bà, các chị chia sấu bánh tẻ vào các túi nhỏ, chừng dăm ba lạng, buộc kín và để vào ngăn cấp đông của tủ lạnh. Thế là có sấu bánh tẻ ăn cả năm.
Còn một cách tích trữ sấu bánh tẻ khác là hấp chín, tách bỏ hạt, lấy phần thịt sấu và nước luộc. Sau đó, bỏ tất cả vào máy xay sinh tố xay nhuyễn và cho hỗn hợp này vào từng ô nhỏ của khay làm đá, để vào tủ lạnh. Mỗi lần nấu thì chỉ cần cho từ một đến hai viên là được nồi canh chua ngon tuyệt!
PHƯƠNG CHI