QĐND - Mới đây, tại cuộc hội thảo “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương-nhiệm vụ và giải pháp”, sông Hương đã được xác định là trục phát triển chính yếu của thành phố Huế…

Sông Hương thơ mộng. Ảnh: VĂN NGẠN

Sông Hương luôn chiếm một vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống cảnh quan đô thị Huế. Thậm chí, theo GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, sông Hương chính là linh hồn, là những gì tinh túy nhất của Huế, là yếu tố làm nên những giá trị khác biệt giữa Huế với các đô thị khác.

Dưới góc độ quy hoạch đô thị, sông Hương không chỉ là ranh giới phân chia hai bờ nắc-nam thành phố Huế. Sông Hương chính là cầu nối giữa truyền thống-kinh thành Huế-ở bờ bắc và hiện đại-khu phố cũ được người Pháp quy hoạch ở bờ nam.

Trong cuộc sống thường ngày của người dân Huế, sông Hương là tuyến vận tải thủy quan trọng, là nơi mưu sinh của hàng nghìn người bằng dịch vụ du lịch, đánh bắt thủy sản…

Từ giá trị văn hóa đến giá trị thực tiễn, sông Hương thể hiện vai trò không thể thiếu đối với mảnh đất cố đô. Vì thế, tại kỳ họp lần thứ 28 của Ủy ban Di sản thế giới, UNESCO đã chính thức đề nghị Việt Nam và chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế lập hồ sơ tái đề cử để đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ sông vào danh mục Di sản văn hóa thế giới. Sau đó, năm 2014, đoàn chuyên gia cấp cao của UNESCO đến thăm và khảo sát hệ thống quần thể Di tích Cố đô Huế đã từng có đề nghị Thừa Thiên-Huế nên nhanh chóng đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ sông đoạn từ lăng Gia Long đến Cồn Hến vào khu vực cần bảo vệ; đồng thời cũng đưa cảnh quan này vào hồ sơ tái đề cử di sản Huế.

Xác định sự cấp thiết phải bảo vệ và khai thác những giá trị đặc biệt của sông Hương, những ngày cuối tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, UBND thành phố Huế, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica) đã phối hợp tổ chức hội thảo “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, nhiệm vụ và giải pháp”. Hội thảo đã tiếp thu được rất nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia. Nhìn chung, các ý kiến đều chung một nhận định, phải coi sông Hương là một điểm tựa để Huế giữ gìn và kiến tạo diện mạo của riêng mình, để trở thành một di sản đô thị, một đô thị xanh. Theo GS Hoàng Đạo Kính, quy hoạch hai bờ sông Hương trước tiên cần nghiêm cẩn tuân thủ đòi hỏi tối thượng, đó là duy trì vị trí và vai trò của dòng sông trong cấu trúc đô thị-di sản và đô thị sinh thái, khẳng định và bộc lộ rõ thêm các đặc điểm và giá trị kiến trúc cảnh quan-nhân văn của nó. Chi tiết hơn, KTS Hồ Viết Vinh, Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, đưa ra 4 nguyên tắc: Tổ chức không gian hai bên bờ sông phải bảo đảm tính nhất thể không gian và mối liên hệ tương hỗ giữa hai bên bờ sông; can thiệp cảnh quan hai bên bờ sông Hương theo nguyên tắc thích ứng di sản; làm sống lại cấu trúc đô thị phong cảnh đặc trưng duy nhất của Việt Nam và thay thế phương pháp tiếp cận quy hoạch phù hợp với đô thị di sản lịch sử.

Về phía Koica, theo ông Ohn Yeong Te, phạm vi quy hoạch sông Hương dài khoảng 15km, bắt đầu từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh, chiều rộng hai bên bờ sông 100m, diện tích nghiên cứu thực hiện trong khoảng 365ha. Kinh phí dành cho quy hoạch này là 6,4 triệu USD, trong đó 6 triệu từ nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc và 400 nghìn USD từ nguồn vốn đối ứng của địa phương. Thời gian thực hiện quy hoạch là 30 tháng kể từ đầu năm 2015 đến tháng 6 năm 2017. Đặc biệt, bản quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương sẽ được đặt hòa hợp trong quy hoạch chung thành phố Huế tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu “xây dựng đô thị thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên để đưa Huế trở thành đô thị môi trường kiểu mẫu” theo định hướng phát triển không gian đô thị xác định cấu trúc không gian dọc hai bên bờ sông Hương.

XUÂN SƠN