QĐND - Đền An Biên thuộc xã Thủy An, Đông Triều, Quảng Ninh thờ bà Lê Chân, nữ tướng được Trưng Vương phong là Thánh Chân công chúa, ban chức Chưởng quản binh quyền coi giữ vùng hải tần (duyên hải Đông Bắc). Tương truyền, đền được xây từ các đời phong kiến xa xưa, nơi nữ tướng Lê Chân sinh ra. Lễ hội đền An Biên diễn ra ba lần trong năm, một lần vào ngày sinh (mồng 8 tháng 2 âm lịch), một vào ngày thắng trận (rằm tháng Tám) và một nữa là vào ngày hóa của bà (25 tháng Chạp). Vào những ngày đó, người dân từ các vùng khác về dự hội rất đông. Nữ tướng Lê Chân là người có công với nước, nhân dân đã tôn kính thờ phụng ở nhiều nơi, trong đó đáng kể có: Đền Nghè (An Biên cổ miếu); đình An Biên (phường An Biên); đình Vẻn ngoài (phường Trại Cau, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) là nơi bà khai khẩn, lập nên trang ấp, xây dựng lực lượng và chặn đánh giặc xâm lấn từ biển vào; tại Hà Nội cũng có đình Hoàng Mai (phường Mai Động, quận Hoàng Mai) thờ bà, tương truyền khi xưa đây là nơi bà lập sới vật để rèn luyện quân sĩ; ở Thanh Sơn, Kim Bảng, Hà Nam có miếu thờ nữ tướng Lê Chân còn lưu lại ba tấm bia niên đại năm 1671, 1672 triều vua Lê Gia Tông thể hiện sự tôn kính, nâng bà lên hàng Thánh mẫu, Phật mẫu… Trong số hệ thống đình đền đó, Đền An Biên ở Đông Triều, Quảng Ninh có vị trí quan trọng, bởi đây chính là quê hương của nữ tướng Lê Chân. Có thể coi như là một địa danh lịch sử về sự phát tích của danh tướng-liệt nữ họ Lê này vậy.

Đền An Biên nơi có dòng nước kỳ diệu.

Tượng nữ tướng Lê Chân tại đền An Biên.

Theo người trong vùng cho biết, đền An Biên được xây dựng ít nhất là hơn 500 năm về trước (giờ dấu tích còn lại hệ thống chân cột đền, khá cổ), có quy mô tương đối lớn, nằm trên đỉnh núi Vẻn, mặt hướng ra sông Đạm Thủy. Tuy nhiên ngôi đền cổ này đã bị giặc Pháp bắn phá tan tành từ những năm 1950 khi chúng tiến hành càn quét khu vực đông bắc-Bắc Bộ. Năm 1992, đền được xây dựng lại trên nền móng cũ.

Cụ Lê Hồng Thắng, Chủ tịch hội đồng họ Lê tỉnh Quảng Ninh, kể cho chúng tôi nghe một chi tiết khá lý thú xuất phát từ cái “tên Nôm” của Đền An Biên vốn là “Đền Suối”. Dân gọi vậy bởi ngay bên cạnh đền, có dòng nước chảy ra quanh năm từ đỉnh núi Vẻn. Vào mùa khô hạn, khi nước ở con sông Đạm Thủy chảy qua trước cửa đền cạn trơ đáy thì dòng nước vẫn tuôn chảy, trở thành nguồn nước cứu sinh đối với người dân trong vùng. Người dân đều tin đây là dòng nước thiêng và rất có ý thức bảo vệ. Hiện nay, ngay tại chỗ dòng nước chảy qua nhân dân quy hoạch khá gọn gàng vệ sinh để nhân dân quanh vùng đến dùng nước suối. Tôi gặp chị Nguyễn Thị Liên, xã Đức Chính, Đông Triều đang hứng nước. Chị Liên nói: “Người làng đã  lấy mẫu nước đi đo tạp chất, thấy độ tinh khiết đạt đến 99,7%. Nước suối mà rất an toàn các anh ạ”. Miệng nói tay làm, chị Liên đưa chai nước vừa hứng mời chúng tôi uống. Dòng nước ngọt dịu nơi cổ họng.

Chẳng riêng gì dân làng Vẻn mà người dân ở Phả Lại, Chí Linh cách đền hàng chục ki-lô-mét cũng “biết tiếng” tìm về thụ hưởng nguồn “nước lộc”. Chẳng hiểu từ đâu mà mấy năm gần đây du khách truyền tai nhau nhiều câu chuyện về sự linh ứng của nguồn nước đền An Biên. Thánh Chân công chúa thường phù hộ cho những người hiếm muộn con; giúp người ta may mắn, an lành. Chuyện đó chẳng mấy ai kiểm chứng được, song, từ những điều hoang đường đó mà người dân càng thêm ý thức gìn giữ và phát huy giá trị giáo dục văn hóa truyền thồng của đền… thì âu cũng là một điểm lợi.

Anh Trần Minh Sĩ cán bộ văn hóa xã Thủy An cung cấp cho chúng tôi một tin rất quan trọng đó là đền An Biên đã được khảo sát thiết kể để chuẩn bị xây dựng tu bổ với tổng kinh phí hơn 26 tỷ đồng, từ nguồn vốn xã hội hóa. Anh Sĩ cho biết thêm, đến nay, đình An Biên đã trở thành địa điểm văn hóa, du lịch thu hút người dân trong và ngoài tỉnh. Đó thật là một điều đáng mừng cho người dân An Thủy, Đông Triều, Quảng Ninh.

Bài và ảnh: PHẠM TUẤN – DUY VĂN