Du khách phương xa lần đầu tới thăm Đà Lạt đều muốn ghé thăm thác Cam Ly. Đó là điều dễ hiểu bởi Cam Ly từ lâu đã trở thành “thương hiệu”, một biểu tượng gắn liền với lịch sử thành phố. “Đà Lạt ơi, có hay chăng Cam Ly khóc tình đầu dang dở?”. “Cam Ly vô tư, lên tiếng than muôn đời”. “Giờ xa nhau quá hỡi Đà Lạt ơi! Tôi nhớ Cam Ly ở cuối chân trời”… Những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng nhất viết về Đà Lạt, “nằm lòng” trong tâm tưởng giới mộ điệu hàng chục năm qua đều nhắc tới dòng thác xinh đẹp này. Cam Ly một thời chính là “nàng thơ”, là niềm tự hào của người dân phố núi Đà Lạt.

Thác Cam Ly hiện diện giữa trung tâm Đà Lạt. Bắt nguồn từ núi LangBiang, dòng suối xinh đẹp, dịu dàng mang tên Cẩm Lệ đã một mình rong ruổi qua những rừng thông quạnh vắng, dạo chơi qua những vườn hoa bát ngát, rực rỡ 4 mùa rồi dừng chân ở hai hồ nước tuyệt đẹp là Than Thở và Xuân Hương. Trước khi bước xuống những thềm đá cao để chia tay mãi mãi với thành phố cao nguyên, dòng nước còn dùng dằng chảy qua những con phố nhỏ của Đà Lạt như quyến luyến, bịn rịn chẳng nỡ rời. Khi tới “sân ga” có tên Cam Ly, dòng nước bỗng vặn mình, ào ạt lao xuống những thềm đá, bật tung trắng xóa, gửi lại không gian những âm thanh như lời chào tiễn biệt của đám đông trước một con tàu tới lúc kéo còi đi.

leftcenterrightdel
Thác Cam Ly bị ô nhiễm nặng nề

Không chỉ mang vẻ đẹp thơ mộng, yêu kiều, Cam Ly còn nằm giữa một quần thể danh thắng mà thời gian dẫu phủ lên lớp màu quên lãng nhưng vẫn còn đó vẻ đẹp cùng những ký ức chưa phai. Đó là nhà thờ Cam Ly, công trình có kiến trúc đặc biệt nhất Đà Lạt, mô phỏng nhà dài của người Cơ Ho. Lăng mộ đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào, thân sinh Nam Phương Hoàng hậu nằm trên đồi thông nhìn xuống dòng thác. Trường Nữ tu Couvent des Oiseaux, còn gọi là Trường Đức Bà Lâm Viên (Notre Dame du Langbian), do đoàn nữ tu dòng Đức Bà cùng với Mẹ bề trên St Thomas d’Aquin từ Pháp sang thành lập năm 1935 với sứ mệnh giáo dục, góp phần truyền bá kiến thức và ngôn ngữ phương Tây, đồng thời phát triển văn hóa phương Đông, nay là Trường Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng, là một trong những ngôi trường có kiến trúc đẹp nhất Đà Lạt. Cách đó không xa là sân bay Cam Ly nhộn nhịp một thời, hiện đã thành hoang phế, chìm khuất dưới rừng dã quỳ trổ hoa vàng rực vào mùa đông.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, bên dòng thác Cam Ly diễn ra một sự kiện bi tráng của phong trào cách mạng trên thành phố cao nguyên. Tháng 3-1951, Đội cảm tử Phan Như Thạch được thành lập tại ngoại ô Đà Lạt có nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng, diệt tề trừ gian, bảo vệ chiến khu và bảo vệ cán bộ đi công tác. Được sự đồng ý của Thị ủy Đà Lạt, ngày 10-5-1951, Đội cảm tử Phan Như Thạch quyết định bắt sống tên Victor Hazz, Phó chánh thanh tra mật thám Nam Đông Dương, sống tại biệt thự Hoa Hồng (nay là số 17 Huỳnh Thúc Kháng, TP Đà Lạt). Gần một ngày mật phục nhưng tên Hazz không xuất hiện. Chiều 11-5, cả tổ quyết định đột nhập vào biệt thự Hoa Hồng, một nhóm phá cửa kính vào phòng tên Hazz lục tìm tài liệu và một nhóm đón lõng tên Hazz trở về, yểm trợ cho cả tổ rút lui. Khoảng 17 giờ cùng ngày, tên mật thám bất ngờ trở về. Cửa bật mở, tên Hazz vừa thò đầu vào thì một đồng chí trong đội cảm tử chĩa súng về phía hắn hét lớn “hô-lê-manh” (giơ tay lên!). Hắn cuống cuồng tháo chạy ra xe, một tràng tiểu liên đã kết liễu cuộc đời của tên mật thám gian ác. Sau khi thu dọn giấy tờ tài liệu, toàn tổ cảm tử đoạt ngay chiếc xe của hắn rút lui về cánh rừng phía nam thành phố.

Tên Hazz bị giết, đội cảm tử biến mất, bọn địch tức tối lồng lộn quyết định trả thù hèn hạ. 19 giờ ngày 11-5-1951, 20 tù chính trị tại nhà lao Đà Lạt mà chúng cho là nguy hiểm nhất bị đẩy lên một chiếc xe bít bùng đỗ trước cổng nhà giam; 20 giờ cùng ngày, địch đưa họ đến khu rừng cạnh thác Cam Ly. Một nửa trong số 20 người là nữ, các cô Huỳnh Mộng Hoa, Trương Việt Hoa, Phạm Thị Bộ, Trần Thị Huệ, Nguyễn Thị Lang đang độ tuổi mười tám, đôi mươi… Tại đây, họ bị bịt mắt, trói chặt vào những gốc thông. Không một lời tuyên án, kẻ thù lạnh lùng nã đạn vào 20 con người. Tiếng súng nổ xé toang màn đêm, xé toang lồng ngực của những người chiến sĩ trẻ, họ gục xuống, máu tuôn xối xả, nhuộm đỏ dòng thác Cam Ly.

Có một điều kỳ diệu đã xảy ra, đó là nữ tử tù Nguyễn Thị Lang dù bị bắn 9 phát đạn vào người nhưng cô không chết. Mờ sáng 12-5, một mình cô tỉnh dậy giữa khu rừng vắng, xung quanh là thi thể đẫm máu của 19 đồng đội. Sau 4 ngày 5 đêm chạy trốn trước sự truy cùng giết tận của kẻ thù với những vết thương thối rữa trên thân thể, cô đã được người dân cứu sống, trở thành nhân chứng đặc biệt của sự kiện bi thảm.

Cuộc thảm sát dã man và hèn hạ gây rúng động chính trường nước Pháp, thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của người dân Đà Lạt. Ngay ngày hôm sau, một cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra tại trung tâm Hòa Bình đòi nhà cầm quyền Đà Lạt xét xử những tên đã gây ra cuộc thảm sát, trả tự do cho những tù nhân chính trị, đòi tự do dân chủ… Năm 2003, nhân dịp kỷ niệm 110 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, Đài tưởng niệm Cam Ly đã được dựng lên trên mảnh đất mà các chiến sĩ đã ngã xuống với bức phù điêu cỡ lớn cùng 19 bông hoa trắng tượng trưng cho những người đã anh dũng hy sinh.

Thác Cam Ly đã được xếp hạng Di tích danh thắng cấp quốc gia, hiện là điểm du lịch do Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Đà Lạt (Dalat Toserco) quản lý, khai thác. Tuy nhiên, nếu như quá khứ được nhắc tới với tất cả niềm tự hào, mê say thì hiện tại chỉ còn lại nỗi buồn và tiếc nuối, bởi giờ đây, Cam Ly đã biến thành dòng thác “chết”. Mỗi ngày, nguồn nước thải chưa qua xử lý của TP Đà Lạt đổ dồn về, nhiều người dân vô tư đổ rác ra suối, dòng thác quanh năm đầy rác rưởi, đen ngòm, sủi bọt, bốc mùi hôi thối. Cảnh quan xung quanh không được đầu tư nâng cấp bị xuống cấp trầm trọng, trông vô cùng nhếch nhác, thảm hại. Dù giá vé vào tham quan khu du lịch này hiện chỉ 10.000 đồng/vé nhưng lượng khách tới tham quan cũng rất ít ỏi. Nhiều người mới vào đã phải quay ra vì không chịu nổi mùi hôi nồng nặc. Anh Trần Anh Tuấn, hướng dẫn viên du lịch tại Đà Lạt than thở: “Nhiều khách du lịch tới Đà Lạt đề nghị chúng tôi dẫn đi thăm thác Cam Ly nhưng chúng tôi đều phải tìm mọi cách từ chối bởi không muốn họ thất vọng”.

Bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho rằng: “Sự xuống cấp của danh thắng Cam Ly này là nỗi bức xúc lớn của người dân và chính quyền nhiều năm qua. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư cải tạo, nâng cấp nhằm cải thiện hình ảnh, chất lượng vệ sinh tại danh thắng. Tuy nhiên, tình trạng trên sẽ không thể giải quyết triệt để nếu bài toán ô nhiễm môi trường trên vùng thượng lưu của dòng suối chưa thể giải quyết”.

Trong lúc chờ đợi sự thay đổi, dòng thác nổi tiếng nhất của thành phố cao nguyên ngày ngày vẫn “lên tiếng than” cho sự tàn phai “nhan sắc”, vốn đã từng khiến bao lữ khách đắm say, lưu luyến.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG