Mục tiêu bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng như việc hướng tới xây dựng nền công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam hiện nay đòi hỏi giải quyết những vấn đề khó khăn này.
Những “làng điện ảnh”
Làng Tây Mỗ (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội)-nơi lâu nay được gọi là “làng điện ảnh” Việt Nam với hàng trăm bộ phim đề tài nông thôn được quay tại đây như: Gió làng Kình, Đất và người, Lời nguyền huyết ngải,... Đến đây, chúng tôi có chút ngỡ ngàng khi khung cảnh không như tưởng tượng. Qua đoạn đường lớn, rẽ vào một con ngõ bê tông, hai bên san sát nhà cao tầng, mất vài lần hỏi thăm mới tìm được nhà bà Yên “gù”. Nhà bà Yên là nơi các đoàn làm phim thường chọn làm điểm quay những cảnh nhà cổ. Vọng từ trong nhà ra tiếng “máy sẵn sàng”… Thì ra có đoàn làm phim đến quay.
Đợi hết cảnh, bà Yên tiếp chuyện chúng tôi và kể, từ khoảng năm 2000, làng Tây Mỗ quê bà bắt đầu có đoàn làm phim để mắt tới và chọn làm địa điểm quay phim. Khi ấy, mỗi khi có đoàn làm phim đến nhà ai quay, có diễn viên đến làng là nhiều người bỏ cả việc nhà đến xem. Dần dần, họ cũng quen với việc có đoàn làm phim đến như chuyện thường ngày ở làng. Câu chuyện ấy cứ diễn ra gần 20 năm nay ở làng Tây Mỗ. Nhưng quá trình đô thị hóa đã đưa Tây Mỗ lên phường, những ngôi nhà cấp bốn dần được thay thế bằng những nhà cao tầng, kín cổng cao tường. Nếu không phải người trong làng thì thật khó để tìm ra những ngôi nhà cổ đã lên phim trong khu phố hiện đại này. Hiện tại, Tây Mỗ chỉ còn khoảng 5-7 nhà còn giữ được khung cảnh cũ, đáp ứng được yêu cầu của các đoàn phim.
Thực tế, có gia đình khi xây lại nhà đã làm theo kiểu cấp bốn 5 gian cổ xưa, nhưng cũng có gia đình có khung cảnh phù hợp lại không muốn đoàn làm phim đến. Bởi, có khi đoàn đến quay cả tuần, cả tháng, thậm chí ăn ở luôn tại nhà chủ nhà khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng ít nhiều. “Nói thật với cháu nhé, nhiều khi cô không muốn cho họ đến quay nữa đâu. Mệt mỏi, không có chỗ nghỉ ngơi, cuộc sống bị đảo lộn hết cả lên. Thế mà cứ như là cái duyên ý, các đoàn làm phim vẫn cứ tìm đến đây, cô thấy họ vất vả làm phim cho khán giả xem, làm nghệ thuật nên cũng ủng hộ, tự coi mình cũng là một thành viên góp phần cho bộ phim thành công vậy”-bà Yên phân trần.
“Chuẩn bị quay, không ai đi lại nhé”-tiếng đạo diễn từ sân vọng vào, bà Yên ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Mình nói chuyện nhỏ thôi cho họ quay phim nhé. Cũng đừng đi lại ra ngoài kia.”
Một cảnh trong phim được quay tại nhà bà Hoàng Thị Yên (Tây Mỗ). Ảnh: PHẠM HỒNG
Tiếp tục đi về hướng tây, cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km, làng cổ Đường Lâm cũng là một địa điểm được nhiều đoàn làm phim lựa chọn để quay những bộ phim về đề tài nông thôn, phim dân gian. Bà Hồng-người đã gần 30 năm bán hàng nước, quà vặt ở gần đình Mông Phụ, mỗi ngày có bao nhiêu đoàn quay phim đến làng, quay ở nhà ai bà đều biết rõ. Bà nói như khoe: “Các đạo diễn, ca sĩ, diễn viên đến đây quay phim, chụp ảnh nhiều lắm, hầu như ngày nào cũng có. Hôm nay cũng có Quang Tèo đang đóng phim hài ở trong làng đấy. Ở đây chúng tôi gặp người nổi tiếng thường xuyên ấy mà”.
Trong khi tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ trên các vùng quê ven đô thì làng cổ Đường Lâm còn giữ được hàng trăm ngôi nhà cổ cùng đình, chùa, cây đa, giếng nước, cổng làng, đường làng đá ong,.. điều đó khiến nơi đây trở thành một điểm đến thường xuyên hơn của các đoàn làm phim cần bối cảnh làng quê nông thôn xưa trong nhiều năm nay.
Ngoài Tây Mỗ và Đường Lâm thì cách TP Hà Nội không quá xa, Hưng Yên, Nam Định cũng là nơi các đoàn làm phim hay tìm đến cho những cảnh quay làng quê xưa.
Gian nan câu chuyện trường quay
Có thể nói, trường quay là yếu tố quan trọng tạo nên những cảnh quay đẹp và sự thành công của bộ phim. Trên thế giới, những phim trường nổi tiếng như: Paramount (Mỹ); Disney (Mỹ); Atlas Film Studios (Ma-rốc); Bollywood (Ấn Độ); SSC (Hàn Quốc);... không chỉ góp phần tạo nên tên tuổi của nhiều bộ phim và đạo diễn mà còn là điểm đến hấp dẫn với khách du lịch.
Ở ngay đất nước Trung Quốc láng giềng của Việt Nam, nói đến phim lịch sử, cổ trang, có lẽ dù người trong nghề hay người không mấy để tâm đến phim ảnh cũng đều phải công nhận một điều rằng, đó là dòng phim sở trường, thế mạnh của điện ảnh Trung Quốc từ xưa đến nay. Những tác phẩm như Tam Quốc diễn nghĩa, Bộ Bộ Kinh Tâm,… ghi được dấu ấn mạnh mẽ với khán giả trên thế giới không chỉ nhờ vào kịch bản, diễn xuất nổi bật của các diễn viên mà còn nhờ vào những cảnh phim đẹp hút mắt người xem. Không thể phủ nhận, những phim trường chuyên nghiệp, quy mô và đẹp đã góp phần lớn giúp phim Trung Quốc khẳng định được vị thế như "độc tôn" trong đề tài phim cổ trang.
Ở Trung Quốc hiện tại có khoảng trên dưới 10 phim trường lớn, tất cả đều mang những vẻ đẹp riêng, không chỉ thu hút các nhà làm phim mà còn mang lại nguồn thu lớn từ dịch vụ du lịch.
Ở Việt Nam, hiện tại vẫn chưa có được một phim trường đầy đủ các điều kiện cơ bản để các đoàn làm phim tìm đến. Hơn 50 năm trước, Trường quay Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) với đầy đủ từ bối cảnh, phòng dựng tới phòng in tráng, lồng tiếng được biết đến là “kinh đô điện ảnh” của Việt Nam lúc đó, góp phần vào thành công của nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển như: “Chung một dòng sông”, “Nghêu, sò, ốc, hến”... Đến những năm 1980, trường quay này dần bị lãng quên và trở nên xuống cấp, hoang tàn. Năm 2008, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ký quyết định về việc xây dựng Trường quay Cổ Loa trở thành một trường quay đa năng có quy mô, thiết bị và công nghệ hiện đại với sự đầu tư kinh phí lớn của Nhà nước. Nhưng cho đến nay, Trường quay Cổ Loa lại tiếp tục rơi vào cảnh hoang tàn và mục tiêu khi xây dựng là đưa nước ta đứng trong số 30 nước hàng đầu thế giới về lĩnh vực điện ảnh vào năm 2030 có vẻ như không khả dĩ.
Hiện nay, trong khi những khung cảnh làng quê xưa theo xu thế tất yếu ngày càng bị "cơn lốc đô thị hóa" cuốn đi thì việc tìm kiếm địa điểm quay cho đề tài dân gian, lịch sử, nông thôn xưa ngày càng khiến những người phụ trách trường quay, đạo diễn đau đầu. Để có được những cảnh quay đẹp, phù hợp, nhiều đoàn phim phải di chuyển 5 - 7 địa điểm, xé nhỏ các cảnh quay. Với các bộ phim có kinh phí sản xuất hẹp hòi thì việc tìm kiếm bối cảnh cũng là một thách thức lớn, phải làm sao khéo léo, hạn chế chi phí mà vẫn có những cảnh quay đẹp, hợp lý. Vì vậy, các đoàn phim thường chọn quay ở gần để tiết kiệm chi phí. Cũng bởi thế mà quanh đi quẩn lại chỉ có Tây Mỗ, Đường Lâm, Hưng Yên là những nơi các đoàn làm phim thường xuyên lui tới.
Nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền chia sẻ, khi thực hiện bộ phim truyện nhựa “Người trở về” với toàn bộ cảnh quay chiến tranh, nông thôn miền Bắc thời hậu chiến, đoàn làm phim đã phải rất vất vả để tìm các địa điểm quay phù hợp. “Chúng tôi phải xé nhỏ các cảnh quay để thực hiện. Nội cảnh quay một nơi, ngoại cảnh quay một nơi. Thậm chí, cùng cảnh quay trong nhà mà phòng khách, bếp, cổng, ngõ,... mỗi cảnh phải quay ở một địa điểm khác nhau”.
Chung suy nghĩ ấy, đạo diễn Phạm Đông Hồng, người được biết đến là đạo diễn chuyên làm phim dân gian, album ca nhạc chủ đề quê hương trong nhiều năm qua, cũng từng phải thốt lên rằng, tìm địa điểm quay cho phim đề tài nông thôn, dân gian ở nước ta hiện nay rất khó khăn. Hiện tại, các phim ở Việt Nam thường làm theo kiểu “ăn sẵn”, chộp giật bối cảnh, thấy địa điểm phù hợp thì thuê, mượn để quay, kể cả những phim được đầu tư vài chục tỷ đồng cũng không thể ngoại lệ. Không có phim trường chuyên nghiệp cũng là một khó khăn lớn để phát triển điện ảnh ở Việt Nam.
Hy vọng!
Mới đây, thông tin về việc Phim trường cổ trang Yên Tử (Quảng Ninh) có quy mô lớn nhất cả nước với diện tích gần 15ha sắp được hoàn thành khiến cho những người quan tâm đến điện ảnh nước nhà có thêm hy vọng. Phim trường Yên Tử được giới thiệu sẽ tái tạo lại không gian văn hóa của người Việt xưa vừa phục vụ mục đích quay phim, vừa là quần thể kiến trúc văn hóa mang xu hướng du lịch nhân văn.
Cũng vừa qua, sau thành công của bộ phim “Kong: Đảo Đầu Lâu” do Jordan Vogt-Roberts làm đạo diễn được quay tại Việt Nam, phim trường làng thổ dân xuất hiện trong phim ở Tràng An (Ninh Bình) đã được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình phối hợp cùng với Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An và đoàn làm phim dựng lại với mục đích giới thiệu, quảng bá du lịch.
Đó có thể coi là những tín hiệu ban đầu đáng mừng cho việc xây dựng những phim trường chuyên nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả thực tế mang lại cho điện ảnh nước nhà vẫn đang là viễn cảnh mơ hồ, khiến nhiều người lo lắng từ chính câu chuyện của Trường quay Cổ Loa.
“Tôi đã từng đi tu nghiệp ở Nga, Đức, Mỹ và cũng được đến nhiều nước khác để tham quan các phim trường chuyên nghiệp của họ. Nhiều đối tác nước ngoài tôi biết muốn đầu tư xây dựng trường quay ở Việt Nam nhưng đều không thành. Đây không phải là một vấn đề đơn giản. Ngoài kinh phí thì vấn đề vị trí xây dựng hợp lý cũng là một khó khăn lớn”-Đạo diễn Phạm Đông Hồng nói.
Thực tế, ngay cả những phim trường ở các nước có nền điện ảnh phát triển cũng không thể có ngay trong một sớm một chiều mà đó là quá trình đầu tư lâu dài, nghiêm túc với sự nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học. Theo đạo diễn Đặng Thái Huyền, chúng ta đang cần những cảnh quay theo phong cách cổ xưa, dân gian thì trước hết có thể xây dựng từng trường quay nhỏ trong nhà cổ, đường phố cổ, rồi dần dần mở rộng đến làng cổ, khu phố cổ... Với tình hình nước ta hiện nay, không thể hy vọng ngay lập tức sẽ có những phim trường hiện đại, chuyên nghiệp, nhưng chúng ta có thể xây dựng những lộ trình cụ thể từ nhỏ đến lớn, từng bước thực hiện mục tiêu này.
Bài và ảnh: THU HÒA