Cuộc “đại phẫu”

Trải qua 126 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt đã “định vị” trong hệ thống đô thị Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung một bản sắc độc đáo, nơi mà triết lý quy hoạch cùng phong cách kiến trúc phương Tây đã được vận dụng một cách nhuần nhuyễn, tinh tế cùng tầm nhìn vượt trội ở phương Đông. Tuy nhiên, xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan, đô thị Đà Lạt qua thời gian đã vấp phải những sai lầm, khiếm khuyết mà trung tâm Hòa Bình là một ví dụ điển hình. Từ một vị trí đắc địa, được quy hoạch bài bản thuở ban đầu thì đến nay, khu vực này đã bị xô lệch bởi tình trạng bê tông hóa cùng với hàng loạt công trình xuống cấp, thiếu tính thẩm mỹ, ảnh hưởng lớn tới hình ảnh, vẻ đẹp của Đà Lạt. Đây chính là lý do khiến tỉnh Lâm Đồng công bố “Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình”.

leftcenterrightdel
Phối cảnh trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt trong tương lai.

Quyết định này được coi là cuộc “đại phẫu” làm thay đổi cơ bản bộ mặt của trung tâm Hòa Bình. Theo đó, khu vực được quy hoạch có tổng diện tích khoảng 30ha với quy mô dân số hiện trạng là 5.370 người (1.064 hộ). Ngoài diện tích cần chỉnh trang và được hướng dẫn cụ thể để người dân và các tổ chức thực hiện thì khu vực giải tỏa trắng sẽ có các công trình chính như Rạp Hòa Bình, các khách sạn: Thanh Bình, Gold 1, Nice Dream, thương xá La Tulip, hệ thống ki-ốt dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai, dãy phố trên đường Phan Bội Châu sát chợ Đà Lạt, khu vực Bến xe Tùng Nghĩa. Riêng dinh tỉnh trưởng (nay là trụ sở Trung tâm Văn hóa, Thể thao tỉnh Lâm Đồng) nằm trên một ngọn đồi cao nhất khu vực sẽ được dịch chuyển nguyên khối sang vị trí khác. Khu vực giải tỏa, dịch chuyển sẽ nhường chỗ cho quảng trường hoa, hệ thống cây xanh, công trình giao thông, phố đi bộ, khách sạn cao cấp, các công trình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân và du khách.

Điểm đáng chú ý tại quy hoạch lần này là sẽ có hai công trình phức hợp đa chức năng quy mô lớn phục vụ các loại hình dịch vụ và giải trí. Công trình thứ nhất ở vị trí cuối quảng trường mới và công trình thứ hai dự kiến đặt tại vị trí thương xá La Tulip hiện nay. Vị trí dinh tỉnh trưởng sau khi di dời sẽ dành cho một tổ hợp thương mại và khách sạn cao cấp. Các công trình mới sẽ có chiều cao phù hợp, được kết nối với không gian đô thị hiện hữu thuận tiện, sử dụng vật liệu hiện đại, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, bảo đảm hài hòa giữa yếu tố thẩm mỹ và công năng sử dụng. Mật độ xây dựng trong khu quy hoạch chiếm khoảng 28%, phần còn lại dành cho cây xanh, quảng trường, giao thông, hạ tầng kỹ thuật, công trình hỗn hợp…

Bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, quá trình thực hiện quy hoạch, UBND tỉnh đã tổ chức 5 hội nghị lấy ý kiến các sở, ban, ngành; tổ chức tham vấn từ nhiều chuyên gia, các nhà quản lý, quy hoạch uy tín trong và ngoài nước; công bố công khai các bản đồ quy hoạch trong vòng một tháng tại Đà Lạt; phát hành 810 phiếu lấy ý kiến người dân trong khu vực quy hoạch. “Bản quy hoạch thể hiện nhiều ưu điểm có tính đột phá, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, mật độ công trình xây dựng thấp, hài hòa với không gian xung quanh; ưu tiên cho diện tích cây xanh, công trình giao thông, công cộng; phá vỡ thế chia cắt không gian, khắc phục tình trạng bê tông; nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả sử dụng các công trình”, ông Lê Quang Trung khẳng định.

Về những ý kiến cho rằng bản quy hoạch sẽ làm biến mất nhiều công trình văn hóa, lịch sử của trung tâm Hòa Bình, nơi được mệnh danh là “trái tim” của Đà Lạt, ông Lê Quang Trung cho rằng: “Trung tâm Hòa Bình có 3 công trình đáng chú ý, gồm chợ Đà Lạt, dinh tỉnh trưởng và Rạp hát Hòa Bình. Quá trình quy hoạch, toàn bộ chợ Đà Lạt được giữ nguyên, dinh tỉnh trưởng cũng giữ nguyên, chỉ dịch chuyển tới vị trí khác. Riêng rạp Hòa Bình vốn là rạp chiếu phim, được xây dựng trên nền của chợ cũ Đà Lạt trước đây. Công trình không có giá trị về mặt kiến trúc, hiện đã xuống cấp, hư hỏng, hết công năng sử dụng, nếu tu bổ, tôn tạo lại thì cũng không thể phát huy được giá trị”.

leftcenterrightdel
Khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt hiện đã bị bê tông hóa.

Nhà Đà Lạt học Nguyễn Hữu Tranh thừa nhận trung tâm Hòa Bình là nơi lưu giữ một phần ký ức quan trọng của Đà Lạt. Tuy nhiên, việc quy hoạch lại là cần thiết bởi nó là quy luật của sự phát triển. “Thực ra khu trung tâm Hòa Bình đã thay đổi rất nhiều so với trước đây và sự thay đổi ấy diễn ra theo chiều hướng tiêu cực. Ví dụ như Rạp hát Hòa Bình chỉ là công trình được xây dựng trên nền của chợ Đà Lạt cũ vào những năm 60 của thế kỷ trước và xấu hơn chợ cũ. Dãy nhà phố trên đường Phan Bội Châu, Bến xe Tùng Nghĩa đều là những công trình tạm bợ. Do đó quy hoạch lại là cần thiết để tìm lại vẻ đẹp cho Đà Lạt, điều quan trọng là chính quyền cần quan tâm bảo đảm nơi ở, công ăn việc làm của người dân trong khu vực giải tỏa được tốt hơn”, ông Nguyễn Hữu Tranh chia sẻ.

Theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt là dự án trọng điểm của tỉnh, đã được xác định trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Tuy nhiên, bản công bố hiện nay mới chỉ là những định hướng, nét phác thảo quan trọng, cơ bản ban đầu. Quá trình thực hiện, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục tiếp thu những góp ý hợp lý từ các chuyên gia, người dân và các cơ quan truyền thông để chỉnh sửa, bổ sung nhằm bảo đảm cho khu vực này trở thành điểm nhấn, thực sự là “trái tim” của thành phố hoa Đà Lạt.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG