“Đánh chặn từ xa”
Huyện Củ Chi trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, đến nay đã ghi nhận hơn 6.000 ca F0. Trong đó, phần lớn đã được chữa khỏi, chỉ khoảng 3,5% ca F0 chuyển nặng, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình của TP Hồ Chí Minh (khoảng 10-15%).
Hiệu quả đạt được trong PCD của huyện Củ Chi có nhiều nguyên nhân. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là sự chuẩn bị từ sớm, “đánh chặn từ xa” với nhiều biện pháp quyết liệt. Theo Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, bà Phạm Thị Thanh Hiền, biện pháp đầu tiên của địa phương là tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân về sự nguy hại của dịch Covid-19. Từ đó, mỗi người dân đều làm nhiệm vụ giám sát người đi, người đến ở từng khu dân cư và thông tin cho chính quyền để thực hiện tầm soát, khai báo y tế. Ở những vùng xanh (vùng an toàn, không có dịch-PV), mỗi người dân Củ Chi trở thành một chiến sĩ bảo vệ chốt chặn của địa phương và cùng xây dựng nội dung, quy chế để bảo đảm an toàn cho khu dân cư của mình. Trên địa bàn huyện đã xây dựng 2 chốt kiểm soát PCD cấp thành phố, 8 chốt cấp huyện, 5 chốt tại 3 khu công nghiệp, 8 chốt cấp xã và 351 chốt kiểm soát tại các ấp, khu phố, 21 tổ công tác đặc biệt ở 21 xã và một tổ công tác đặc biệt của huyện để tuần tra lưu động, kiểm soát chặt chẽ việc đi lại, kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội. Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện triệt để, hiệu quả, giúp Củ Chi nhanh chóng chặt đứt chuỗi lây nhiễm trên địa bàn.
Song song với việc dồn lực toàn dân chặt đứt chuỗi lây nhiễm, huyện Củ Chi thần tốc xét nghiệm tầm soát nhằm bóc tách F0. Chỉ trong 7 ngày, huyện đã triển khai xét nghiệm 3 vòng đối với vùng đỏ (khu vực phong tỏa hoặc cách ly-PV), cam (vùng có nguy cơ cao-PV), vàng (vùng có nguy cơ, có khả năng lây nhiễm-PV) và hai vòng đối với vùng xanh. Hoạt động xét nghiệm được thực hiện ở cả hai cấp huyện và xã, thị trấn. Vì thế, huyện Củ Chi “vẽ” được bản đồ dịch Covid-19 một cách rất nhanh chóng. Từ đó có cơ sở để thực hiện bước quan trọng tiếp theo là điều trị F0 tốt nhất, giảm tỷ lệ tử vong nhiều nhất và tiêm phủ vaccine.
So với tốc độ chung của cả TP Hồ Chí Minh, dù là huyện ngoại thành, địa bàn rộng, nhưng Củ Chi có tốc độ tiêm phủ vaccine ngừa Covid-19 khá nhanh. Đến nay, 100% người dân Củ Chi trên 18 tuổi đã được tiêm vaccine mũi 1, khoảng 70% được tiêm mũi 2. Đây chính là một trong những cơ sở quan trọng để Củ Chi được chọn làm thí điểm của kịch bản “bình thường mới”, từng bước mở các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Công tác chăm sóc, thu dung, điều trị F0 của huyện Củ Chi có thể được đánh giá là một hình mẫu. Cũng như việc bảo vệ vùng xanh, chặt đứt chuỗi lây nhiễm, mấu chốt quan trọng để giảm tỷ lệ trở nặng, tử vong ở Củ Chi là đầu tư chăm sóc sức khỏe sớm cho F0 theo chiến thuật "đánh chặn từ xa". Giai đoạn đầu của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, các khu cách ly tuyến huyện chỉ tiếp nhận, phân loại F0 tại địa phương theo mức độ nguy cơ rồi chuyển đến các bệnh viện điều trị Covid-19 theo quy định của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, huyện Củ Chi vẫn chủ động xây dựng bệnh viện dã chiến 200 giường. Vì thế, khi các bệnh viện tuyến trên quá tải, không thể tiếp nhận hết F0, Củ Chi đã có sẵn cơ sở vật chất để điều trị bệnh nhân Covid-19, hạn chế việc chuyển tuyến.
Với việc chuẩn bị từ sớm, từ xa, phần lớn các F0 ở Củ Chi đều được chăm lo chu đáo trong các cơ sở thu dung tập trung nằm rải rác tại nhiều xã trên địa bàn huyện. Tính đến hết tháng 8-2021, trên toàn địa bàn huyện chỉ có hơn 10 F0 cách ly tại nhà và đều đã được phát túi thuốc.
Đối với tuyến y tế cơ sở, huyện Củ Chi tổ chức 10 đội y tế lưu động thường trực 24/24 giờ tại các xã, thị trấn để vừa chăm sóc người bệnh thông thường, vừa hỗ trợ F0 tại nhà. Đối với các F0 điều trị tập trung, các khu thu dung, cách ly được vận hành như những khu điều dưỡng. Bệnh nhân Covid-19 được chăm lo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung trái cây, nước chanh, sả, gừng hằng ngày. Các khu thu dung, cách ly đều có không gian rộng để F0 vận động, tập thể dục... Được điều trị kịp thời và có môi trường thoải mái về tinh thần, phần lớn F0 ở Củ Chi hồi phục nhanh chóng.
Đối với công tác an sinh xã hội, theo bà Phạm Thị Thanh Hiền: Địa phương xác định đây chính là yếu tố quyết định để nhân dân hợp tác với chính quyền trong công tác PCD. Đến nay, Củ Chi đã hoàn thành hỗ trợ 100% đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Để nhanh chóng thực hiện việc này, Củ Chi đã xây dựng bản đồ an sinh, tất cả thông tin công khai trên fanpage “Đất thép”. Đây là kênh kết nối để người dân có thể phản ảnh tình hình khó khăn, đề nghị hỗ trợ qua fanpage, chính quyền địa phương sẽ kịp thời chăm lo. Fanpage “Đất thép” còn là nơi chính quyền và người dân giám sát lẫn nhau trong quá trình triển khai công tác an sinh, hỗ trợ người dân.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh: Huyện Củ Chi là địa phương đầu tiên của thành phố đạt một số tiêu chí, chỉ tiêu cơ bản trong lộ trình thực hiện mục tiêu kiểm soát Covid-19 trước ngày 15-9 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ. Hơn thế, những kết quả PCD ở Củ Chi đã trở thành cơ sở để bổ sung các điều kiện cần thiết, góp phần nghiên cứu, thay đổi chiến lược PCD ở TP Hồ Chí Minh.
Chủ động “chia lửa”
So với huyện Củ Chi, quận 7 có nhiều điều kiện khác biệt về cơ sở hạ tầng cũng như tình hình dân số. Đặc biệt, tình hình dịch Covid-19 ở quận 7 phức tạp hơn rất nhiều so với huyện Củ Chi. Tuy nhiên, quận 7 lại là địa phương thực hiện tốt nhất kế hoạch của TP Hồ Chí Minh về công tác kiểm soát dịch dựa trên 5 tiêu chí: Kéo giảm tỷ lệ tử vong của người nhiễm Covid-19; không để trường hợp F0 chuyển nặng và không được điều trị; khẩn trương xét nghiệm để mở rộng vùng xanh, không bị lây nhiễm; duy trì và kiểm soát lây nhiễm, không để lây lan, phát sinh thêm ổ dịch mới; người dân phải được tiêm vaccine mũi 1 trên 70%.
Trong vòng một tháng qua, trên địa bàn quận 7 không xuất hiện ổ lây nhiễm mới, tỷ lệ vùng xanh đạt 68-69%, tỷ lệ vùng đỏ và vùng cam giảm xuống khoảng 25%. Quận 7 cũng là địa phương có số ca tử vong do Covid-19 thuộc hạng thấp nhất TP Hồ Chí Minh. Trong tuần cuối tháng 8 và tuần đầu tháng 9, tại Bệnh viện dã chiến quận 7, mỗi ngày có khoảng 1-2 ca, có ngày không có ca tử vong.
Để đạt hiệu quả tốt nhất trong PCD Covid-19, quận 7 đã có những hành động từ sớm. Theo ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận 7, dự báo được những khó khăn chung của TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn cao điểm PCD, địa phương chủ động có giải pháp "chia lửa". Từ đầu tháng 5-2021, khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bắt đầu bùng phát, thành phố yêu cầu mỗi quận, huyện có khoảng 200 giường cách ly thì quận 7 đã chuẩn bị 33 cơ sở với khoảng 3.400 giường. Cùng đó, quận đã thành lập Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 1 với quy mô 600 giường, với 150 giường cấp cứu. Đến đầu tháng 8, khi nhiều bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh rơi vào tình trạng quá tải, quận 7 tiên phong đưa vào hoạt động mô hình y tế cộng đồng tại 10 phường để hỗ trợ kịp thời F0, F1, người dân trong vùng phong tỏa, cách ly... Mỗi phường có một tổ gồm 10-15 thành viên là nhân viên y tế và lực lượng tình nguyện, được trang bị xe cấp cứu, thiết bị y tế, thuốc cấp cứu, các xe lăn, cáng khiêng và sử dụng hai đường dây nóng để hỗ trợ người bệnh trong từng con hẻm. Tính đến thời điểm hiện tại, các tổ đã quản lý, chăm sóc, theo dõi hơn 2.500 F0 và hơn 1.800 F1 cách ly tại nhà. Tiếp đó, quận 7 thành lập 34 trạm y tế lưu động với 83 bác sĩ, 272 tình nguyện viên, nhân viên y tế, đảm nhận điều trị, chăm sóc ban đầu với các bệnh lý thông thường, kịp thời hỗ trợ người dân tiếp cận y tế.
Cùng công tác thu dung, điều trị, quận 7 rất tích cực trong việc tiêm vaccine ngừa Covid-19. Theo Ban chỉ đạo PCD Covid-19 quận 7, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 trên địa bàn đã đạt 100%. Quận 7 phấn đấu đến cuối tháng 9 hoàn tất việc tiêm vaccine mũi 2.
Song song với công tác PCD, quận 7 còn thể hiện sự chủ động cho giai đoạn hậu Covid-19. Từ đầu tháng 8, UBND quận đã thành lập trung tâm nghiên cứu về phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn “bình thường mới”. Theo ông Hoàng Minh Tuấn Anh: Dự kiến khoảng từ ngày 20-9 đến 20-10, quận sẽ mở lại một số ngành nghề hoạt động về lương thực, thực phẩm thiết yếu, dịch vụ mua bán, ăn uống đường phố với hình thức bán mang đi. Để từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh, quận 7 cũng đề xuất xem xét các chính sách hỗ trợ như: Vận động chủ cho thuê mặt bằng giảm giá; đề xuất với thành phố miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong năm 2021 và giảm trong quý 1-2022 để giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi sản xuất; kết nối với các ngân hàng cho phép khoanh nợ và cho vay vốn với lãi suất ưu đãi khi hoạt động trở lại...
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh Nam Bộ, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Tuy nhiên, đã xuất hiện những tín hiệu khả quan về hiệu quả PCD và một giai đoạn “bình thường mới”, trong đó, huyện Củ Chi và quận 7 là những điển hình. Từ kinh nghiệm thực tiễn của hai địa phương này cho thấy, chủ động để có những giải pháp, những hành động kịp thời chính là “liều thuốc” dập dịch nhanh nhất, hiệu quả nhất. Hơn thế, trong giai đoạn hậu Covid-19, chủ động cũng là yếu tố cần thiết để phục hồi nhanh kinh tế-xã hội.
ĐĂNG DUY
-----------
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ