Thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) được khai sinh với mục đích chính là phục vụ bộ máy của chính quyền thực dân, vì vậy văn hóa cà phê sớm định hình như một lẽ tự nhiên, tất yếu. Trải qua những biến cố lịch sử, thành phố có nhiều đổi thay nhưng các yếu tố cấu thành đời sống văn hóa thị dân, trong đó có cà phê thì vẫn được bảo lưu và ngày càng phát triển.
Tại Đà Lạt, cà phê được người Pháp trồng thử nghiệm tại trạm thực nghiệm Đăng Kia-Suối Vàng từ năm 1898. Những khách sạn hạng sang đầu tiên của thành phố như Hotel Du Parc, Palace, Du Lac... thường phục vụ cà phê như một loại thức uống hảo hạng dành cho giới thượng lưu, khách nghỉ dưỡng. Vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ trước, các quán cà phê bắt đầu xuất hiện và cà phê dần trở nên loại thức uống phổ biến. Trước năm 1975, Đà Lạt có nhiều quán cà phê nổi tiếng dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Công chức, văn nghệ sĩ, trí thức có Cà phê Tùng, Lục Huyền Cầm, Maxim’s, Thủy Tạ, Kivini; giới bình dân, “giang hồ tứ chiếng” có Bà Năm, Long, Đôminô, Mây, Vui, Văn…
Khi nói tới cà phê Đà Lạt, sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc tới Cà phê Tùng tại số 6, khu Hòa Bình. Quán có từ năm 1956, thuộc sở hữu của gia đình ông Trần Đình Tùng và bà Lê Thị Giác. Ông Trần Đình Tùng vốn là người Hà Nội, di cư vào Đà Lạt vào khoảng thập niên 40 của thế kỷ trước. Trước khi mở quán cà phê, ông vốn là công chức của Nha địa dư Đông Dương. Tuy nhiên, do bản tính nghệ sĩ nên ông đã bỏ đời công chức nhàm chán về nhà tự học cách pha chế cà phê rồi mở quán. Ngay sau khi xuất hiện, Cà phê Tùng đã trở thành một hiện tượng văn hóa ẩm thực độc đáo của Đà Lạt.
Sức hấp dẫn đầu tiên của cà phê Tùng chính là vị trí đắc địa do nằm giữa trung tâm phố chợ Đà Lạt. Ngồi trong quán nhìn qua lớp kính mờ, khách có thể cảm nhận rõ khung cảnh cũng như nhịp sống hằng ngày đặc trưng của phố núi. Nội thất quán đơn giản nhưng sang trọng, tiện ích với dãy ghế sô-pha bọc da thấp màu cánh gián, bàn gỗ mặt ốp mi-ca, tường treo nhiều những bức tranh trừu tượng của các họa sĩ tên tuổi. Ông chủ cùng nhân viên phong thái lịch lãm với quần tây, sơ mi trắng, thắt nơ, đi giày tây, khoác áo gi-lê, tóc được chải và vuốt keo kỹ lưỡng; đầu đĩa than và cặp loa thùng thường xuyên phát nhạc Pháp qua tiếng hát của những danh ca như Dalida, Edith Piaf, Yves Montand…
Ông Trần Đình Tùng và bà Lê Thị Giác đều đã mất cách đây khoảng chục năm, quán hiện do người con trai cả của ông bà là anh Lê Đình Thông quản lý. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng không gian và phong cách phục vụ ở Cà phê Tùng vẫn không thay đổi.
Một góc cà phê Home trên đường Cô Giang, TP Đà Lạt.
Những năm gần đây, mức sống của người dân không ngừng nâng cao cùng với sự “bùng nổ” của hoạt động du lịch nên các quán cà phê tại Đà Lạt xuất hiện ngày càng nhiều. Thật hiếm có một thành phố nào mà số lượng cũng như mật độ quán cà phê lại nhiều và dày đặc như ở Đà Lạt. Đi trên những con phố chính, cách khoảng vài chục mét khách có thể gặp một quán cà phê. Cà phê “bệt”, cà phê “cóc” đơn sơ nơi góc phố với bộ bàn ghế nhỏ, giá rẻ, phù hợp với giới bình dân, người lao động, ít có thời gian; cà phê biệt thự sang trọng, lịch lãm dành cho những người rảnh rỗi, có điều kiện hoặc muốn tìm một không gian lãng mạn; cà phê phòng trà dành cho người yêu âm nhạc, giới văn nghệ sĩ; cà phê sân vườn thoáng đãng thích hợp với những ai yêu thiên nhiên, hoa cỏ. Tới Đà Lạt, du khách sẽ không tìm thấy một quán “giải khát” nào mà chỉ có những quán cà phê, dù trong quán phục vụ nhiều loại thức uống khác nhau. Người Đà Lạt khi có nhu cầu hàn huyên, gặp gỡ, hoặc có nhu cầu rủ nhau đi uống nước cũng chỉ nói là “đi cà phê”. Rõ ràng, văn hóa cà phê đã trùm lên hầu như toàn bộ “văn hóa uống” của Đà Lạt.
Bên cạnh những quán nổi tiếng, có thâm niên lâu năm vẫn còn hoạt động và chưa bao giờ giảm sức hút thì Đà Lạt thời gian gần đây xuất hiện nhiều không gian cà phê độc đáo như cà phê Thanh Thủy bên hồ Xuân Hương với kiến trúc mái ngói màu tím nổi bật, cà phê Home ở đường Cô Giang đưa khách trở về với không gian Đà Lạt xưa với ngôi nhà gỗ giản dị có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, nội thất trang trí là những kỷ vật của Đà Lạt một thời, không gian quán rộng rãi, yên tĩnh, ngập tràn sắc hoa; cà phê Mê Linh ngự trên một đồi cà phê bát ngát, góc nhìn thoáng rộng, bán nhiều mặt hàng thổ cẩm do các nghệ nhân người dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất, trình diễn cho khách tham quan; cà phê Le Chalet từ thức uống tới ẩm thực đều mang đậm phong vị Pháp; các quán Cung Tơ Chiều, Căn Nhà Xưa, Diễm Xưa đậm vẻ huyền bí, liêu trai với những ngọn nến leo lét, những bức tranh u uẩn, ca sĩ hát mộc toàn nhạc xưa, nhạc buồn…
Dù đa dạng về quy mô, phong cách nhưng không gian cà phê Đà Lạt đều có điểm chung là ấm cúng, lãng mạn, không xô bồ. “Gu” chủ yếu là cà phê pha phin kiểu Pháp, thích hợp với cách thưởng thức từ tốn, không vội vàng. Thời tiết Đà Lạt quanh năm mát mẻ, nhịp sống chậm rãi, người Đà Lạt lịch thiệp, tâm lý hướng nội cũng là những điều kiện lý tưởng để văn hóa cà phê sớm định hình, phát triển. Bởi thế, ai đó đã rất chí lý khi cho rằng, tới Đà Lạt mà chưa thưởng thức cà phê thì cũng có nghĩa là chưa tới Đà Lạt bởi một phần vẻ đẹp của thành phố này chứa đựng trong những ly cà phê sóng sánh, ngát hương thơm.
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG