Tôi sinh ra ở vùng chiêm trũng. Quanh nhà tôi ở, đằng trước, đằng sau, bên phải bên trái toàn là ao đầm, sông ngòi… Các loại cây họ bèo nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Riêng súng cũng có hai loại chính: Súng xanh và súng tía. Loài súng xanh người quê gọi là súng dại. Thứ này lá to, dày, khỏe, hoa trắng, nhỏ và kém hấp dẫn. Loài súng có lá màu tím hồng, được gọi là súng khôn. Thân, lá thường nhỏ, mỏng mảnh, hoa khá to, đẹp và đặc biệt là cho củ dùng để luộc ăn hay nấu chè, làm thuốc...
Cữ tháng mười trở đi là mùa nước sông, ao đầm... hao cạn. Làng quê nhộn nhịp hẳn lên. Người ta đổi công, tát ao, đắp đập ngăn từng đoạn sông ngòi nhỏ để bắt cá, moi củ sen và củ súng. Củ súng có hai loại: Củ cái và củ con. Củ cái to bằng ngón tay cái, mọc thành từng khóm như củ riềng. Loại này, người ta chỉ đem luộc hay dùng làm thuốc, nấu chè thì phải cắt miếng nhưng mà sượng, không ngon. Củ súng con thì nhiều vô số như những quả sung bám vào cây sung. Củ nào cũng tròn vo, chỉ to hơn hạt ngô hay thậm chí chỉ nhỏ bằng hạt đậu đen và bọc một lớp vỏ ngoài cứng màu đen như màu củ ấu. Dân gian hay ví “đen như củ súng” là vì thế!
Ngày trước, bọn trẻ chúng tôi đi chăn trâu, mùa khô hanh, đầm ao cạn, vớ được khóm súng nào thì moi lên rửa sạch vỏ và bóc ăn... tại trận. Đứa nào cũng hí hửng nhấm nháp dăm ba củ súng nhỏ, còn nguyên mùi hoang dã cỏ cây và hơi ngai ngái của bùn đất. Cũng có khi vớ được kha khá, nhá sống chán chê thì gom lại rủ nhau mang về nhà luộc. Bà tôi vui vẻ làm giúp vì cụ hiền lành, dễ tính và yêu trẻ. Củ súng đổ ra rổ, mùi thơm tỏa ngào ngạt, mỗi đứa bốc một nắm vừa thổi vừa nhè...
Ngày còn công tác ở Nam Định, tôi thường để ý đến một bà cụ bán củ súng ở chợ Đồng Tháp Mười. Bao giờ bà cũng ngồi ké bên cạnh cửa hàng bách hóa tổng hợp. Khách hàng phần đa là quen. “Quầy hàng” của bà chỉ toàn bán các sản phẩm về cây súng. Một xô đựng nước cắm dễ ngót trăm búp hoa súng tím hồng, tươi rói. Vài cô gái áo dài dừng xe, tíu tít, tươi cười chọn mấy bông, gói vào lá dong tươi, đặt cẩn thận nơi giỏ xe. Chỉ thoáng sau, tà áo dài trắng tinh khôi đã bay bay uyển chuyển cùng dòng người... Chỗ hoa còn lại, bà dành để bán cho người nghiền canh cá rói với mẻ chua hay nhúng lẩu. Nhưng khách hàng chủ yếu là các bà, các cô nội trợ mê mải với hai cái rổ to tướng đựng củ súng. Loại còn vỏ đen để luộc và loại bóc rồi để nấu chè. Nhìn mẹt củ súng bóng mượt đã bóc sạch vỏ cứng, có màu vàng hơi ngà, làm cho mắt ai cũng sáng lên. Bắt gặp chị khách hàng có gương mặt xinh đẹp, phúc hậu đang chọn hàng, không hiểu vì sao, tôi lại nghĩ ngay đến hình ảnh cô con gái cưng của chị đi học về, vừa bước chân vào nhà, bé đã thính mũi ngửi thấy mùi thơm chè súng và reo lên... Rồi cả hình ảnh anh chồng chị đang trong phòng làm việc, bất giác ngẩng đầu lên và hít hà, mỉm cười đầy ý nghĩa...
Bà cụ còn có một cái bọc gói hai, ba lần ni lông. Bà cho chúng tôi xem những củ súng con đã bóc và được bà phơi sấy khô như gạo nếp. Loại này bà dành cho những người đặt hàng để đem đi xa. Theo lời bà thì người ta gửi đi nước ngoài, cho những người xa xứ nhớ quê nhà...
Bà nội tôi nổi tiếng là khéo tay. Các loại chè, bà nấu đều rất ngon, nhưng với tôi ngon nhất là chè củ súng. Cách chế biến loại chè này thì hầu như ai cũng như nhau. Đầu tiên là đun sôi nước, cho củ súng vào, liu riu lửa, chín rồi thì cho đường vào khuấy đều. Nếu thích thì cho thêm chút củ mài thái lát, vài miếng khoai sọ hay củ từ thái vuông quân cờ. Cũng có người cho thêm mấy thìa bột sắn dây cho mát và sánh. Chè súng khi nấu xong, củ súng chín vẫn tròn vo như dáng ban đầu, giống như những hạt trân châu nhỏ xinh, lơ lửng trong bát sứ làng cổ Bát Tràng cùng bột sắn trong suốt. Một sự hấp dẫn thật khó cưỡng!
Dù chè súng nấu từ loài củ sinh ra trong bùn đất, nhưng lại là thức ăn lấy thảo, không phải ăn lấy no. Cho nên người ta thường ăn vào lúc nhàn tản, thư thả, vừa thưởng thức lại vừa như khám phá... Chả thế mà có người ví cách ăn chè súng như cô gái quê quanh năm vất vả nhưng có một buổi ngồi thảnh thơi, trang điểm, tự ngắm bóng mình trong gương và tủm tỉm cười duyên khi chợt phát hiện ra mình thật xinh đẹp, chẳng kém gì mấy chị trên... phố huyện!
Chả biết cách ví von như trên có hợp hay không, nhưng mà tôi thấy vui và thú vị. Nhất là khi ngồi bên bếp lửa, ngoài trời gió bấc phần phật mái tranh, ăn bát chè súng nóng ấm, vị ngon ngọt hoang dã thấm dần vào cơ thể mình, rồi chợt nảy ra sự so sánh giữa chè hạt sen và chè củ súng: Chè sen vốn là thức quà sang quý, như cô gái lá ngọc cành vàng. Còn chè củ súng thì như một cô gái miền quê kiểng, giản dị, mộc mạc, rắn rỏi mà tự tin. Nhưng để thưởng thức được món chè củ súng, thật vất vả khó khăn và không phải mấy ai cũng có cơ hội...
TÂM DUNG