Một số thường nhầm lẫn giữa hai khái niệm: Công suất đặt (công suất tối đa nhà máy có thể sản xuất) và công suất khả dụng. Điều chúng ta quan tâm nhất ở hệ thống điện chính là công suất khả dụng, nghĩa là có thể huy động được bao nhiêu điện tại thời điểm nhất định. Hiện công suất đặt nước ta đang có hơn 80.000 MW, nhưng khả dụng chỉ khoảng 46.000 MW. Theo các chuyên gia, nhà khoa học, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu điện.

leftcenterrightdel

Nhân viên điện lực Hà Nội căng mình trong nắng nóng. Ảnh: THU HUYỀN 

Về nguyên nhân khách quan tập trung vào một số yếu điểm của các loại hình nguồn điện. Về thủy điện, trong các tháng 4, 5, 6 vừa qua, nước hồ thủy điện về ít (ở thượng nguồn), các nhà máy buộc phải chờ vào mùa mưa, được bắt đầu từ cuối tháng 6 trở đi. Chuyện có hồ chứa, có nhà máy thủy điện nhưng không ra điện là chuyện dễ hiểu. Bên cạnh đó, nước ở hồ thủy điện sau khi chảy qua máy để làm ra điện còn phải phục vụ nhu cầu cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu cho hạ du, nên phải có sự điều tiết hợp lý.

Về điện gió, các tháng 3, 4, 5 hằng năm là mùa lặng gió ở nước ta, mùa gió tốt nhất là khoảng tháng 12 năm trước đến tháng 1, 2 năm sau (tuy nhiên, những tháng này nhu cầu về điện lại thấp). Điện gió hiện có công suất đặt khoảng 5.000 MW, nhưng phát chỉ được từ vài trăm MW đến 1.000 MW.

Về điện mặt trời, nguồn năng lượng từ mặt trời hằng ngày chỉ huy động được khoảng 12.000 MW, vào thời điểm có nắng. Khi tắt nắng thì hệ thống mất gần như toàn bộ công suất gần 17.000 MW từ mặt trời trang trại và mái nhà. Trong đó rất ít nơi có pin dự trữ vì kinh phí lớn.

Về nhiệt điện than, khí tự nhiên, nguồn trong nước ngày càng cạn kiệt, đã phải nhập khẩu từ năm 2015. Bên cạnh đó, khi nhập khẩu giá nhiên liệu cao, nhưng giá điện không đổi dẫn tới nhà đầu tư lỗ nặng, sẽ không đầu tư.

Cùng với đó, còn nguyên nhân trực tiếp đến từ các vấn đề sự cố ở các tổ máy. Thông thường tổ máy chỉ hoạt động được trong khoảng thời gian nhất định, sau đó cần có khoảng nghỉ, bảo trì. Chưa kể tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài ở miền Bắc vừa qua khiến nước sông cũng nóng lên, dẫn tới việc làm mát cho các nhà máy điện than giảm, gây ra các sự cố kỹ thuật.

Trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6 vừa qua, nhu cầu điện tăng vọt, sản lượng ngày cực đại hệ thống điện miền Bắc đã lên đến 453 triệu kWh, chiếm 51% tổng sản lượng toàn quốc và tăng 20,5% so với cùng kỳ 2022. Trong khi thủy điện không có nước, điện từ năng lượng tái tạo hạn chế, than chưa về kịp, khí thiếu; kèm theo thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhiệt độ nước làm mát các nhà máy cũng tăng theo nên các tổ máy điện than không thể vận hành bình thường, dẫn đến thiếu điện.

leftcenterrightdel

Cơ cấu công suất đặt một số hệ thống điện nước ta đến hết năm 2022. Đồ họa: VIỆT HOÀNG. Nguồn: Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương. 

Về nguyên nhân chủ quan dẫn đến thiếu điện bắt nguồn từ các bất cập, yếu kém trong công tác quản trị, điều hành của ngành điện. Việc xây dựng nguồn và lưới điện mới rất chậm, mất cân đối so với quy hoạch; chưa tận dụng tốt nguồn lực năng lượng tái tạo đã được đầu tư. Các dự án thủy điện lớn đã xây dựng hết, trong khi việc phát triển nguồn điện thời gian qua chủ yếu là năng lượng tái tạo ở phía Nam, nhưng lại không đồng bộ lưới truyền tải. Miền Bắc hiện không có nguồn điện dự phòng, không có nguồn "chạy nền" (có số giờ hoạt động nhiều, đặc biệt là phải ổn định) mới, gồm: Thủy điện mùa mưa, nhiệt điện than, nhiệt điện khí hay là điện gió ngoài khơi đang được kỳ vọng... 

* Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: 

leftcenterrightdel
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung. Ảnh: ĐỨC MINH 

Việc thiếu hụt điện, ngoài những nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân sâu xa là do hệ thống không phản ứng, dù đã dự báo được tình hình. Chúng ta chưa dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường, tạo ra hệ thống phản ứng mà nhìn thấy thiếu hụt là cơ hội đầu tư, cơ hội kinh doanh. Phương án cần thiết nhất bây giờ theo tôi là những nhà máy nào đã được phê duyệt, đang tiến hành xây dựng phải đẩy nhanh tiến độ để hòa vào lưới điện quốc gia. 

* Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN

leftcenterrightdel
Ông Võ Quang Lâm. Ảnh: MINH KHUÊ 

Dự án đường dây chuyển tải 500kV mạch 1 và mạch 2 thực hiện khá nhanh, lúc này các cơ chế chính sách rất ưu đãi, thuận tiện. Tuy nhiên đến mạch 3 hiện nay, để làm được đoạn từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) khó khăn hơn rất nhiều. Bởi với Luật Đầu tư như hiện nay, riêng việc xác định chủ đầu tư, thủ tục đầu tư, các chứng nhận là vấn đề rất nan giải. Tập đoàn đã giao cho Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia tích cực làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm sao sớm tháo gỡ những vướng mắc này.

* Ông Nguyễn Hữu Khải, Trưởng phòng Kinh doanh mua bán điện, Công ty Mua bán điện (thuộc EVN): 

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Hữu Khải. Ảnh: VĂN NGUYỄN

Trong 85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, mới có 41 dự án hoàn thành công tác xây dựng. Nếu số dự án này có ký kết được hợp đồng mua bán điện với EVN ngay thì số lượng đưa vào vận hành cũng không lớn. Mới có 29 dự án được gia hạn chứng nhận đầu tư. Với các dự án còn lại, nhiều dự án đang gặp vướng mắc về thủ tục ở địa phương.

        Đặc điểm của một số loại hình nguồn điện

Loại hình
Đặc điểm
Số giờ hoạt động/năm
(1 năm có 8.760 giờ)

Thủy điện

Thời gian từ lúc khởi động đến khi vận hành ổn định nhanh. Có thể chủ động tăng, giảm công suất.

4.000 - 4.500

Nhiệt điện than

Thời gian từ lúc khởi động đến khi vận hành ổn định rất chậm, từ 6-8 giờ, thậm chí lâu hơn. Tuy nhiên tính ổn định rất cao.

6.000 - 6.500

Điện mặt trời

Thời gian từ lúc khởi động đến khi vận hành ổn định nhanh. Không thể chủ động điều chỉnh công suất theo ý muốn.

1.500 - 2.500

Điện gió

Thời gian từ lúc khởi động đến khi vận hành ổn định nhanh. Không thể chủ động điều chỉnh công suất theo ý muốn.

2.000 - 3.000

Nhiệt điện khí

Thời gian từ lúc khởi động đến khi vận hành ổn định trung bình, từ 30 đến 40 phút. Chi phí đắt đỏ.

6.000- 6.500

PHÚC BẢO