Nằm cạnh đường Hùng Vương, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng là vườn cà phê của gia đình anh Lê Thanh An, trong đó có gốc cà phê cổ thụ có tuổi đời lên tới gần nửa thế kỷ. Giữa cơn lốc đô thị hóa và bùng nổ về hoạt động du lịch, khi những khu vườn đã bị thay bằng hàng loạt công trình nhà ở, khách sạn, khu nghỉ dưỡng thì sự hiện diện của một vườn cà phê xanh mướt giữa trung tâm Đà Lạt quả là điều hiếm hoi, gây không ít ngạc nhiên cho nhiều người. Tuy nhiên, khi trò chuyện với chủ nhân của khu vườn, ta sẽ hiểu được lý do tồn tại của nó.
    |
 |
Anh Lê Thanh An bên cây cà phê Arabica Bourbon của gia đình |
Cách đây 60 năm, gia đình bà Lê Thị Chính rời Quảng Nam vào Đà Lạt lập nghiệp. Tại đây, bà Chính làm thuê cho gia đình bà Trần Thị Thể, một nhà tư sản giàu có với nhà cửa, đất đai trải khắp Sài Gòn, Đà Lạt, Vũng Tàu. Tại Đà Lạt, ngoài ngôi biệt thự sang trọng cạnh đường Lê Thái Tổ (nay là đường Hùng Vương), bà Thể còn cho xây một ngôi nhà ngói phía sau cho người làm thuê ở. Sau hàng chục năm làm công cho gia đình chủ, bà Chính được trả công bằng ngôi nhà cùng khu vườn rộng hơn 8.000m2. Sau này, gia đình bà Thể định cư tại nước ngoài. Ngôi biệt thự do nhà nước quản lý, riêng khu vườn và ngôi nhà vẫn thuộc quyền sở hữu của gia đình bà Chính.
Khi còn sống ở Đà Lạt, bà Thể có dịp ra nước ngoài công tác và đã mang về một cây cà phê giống Arabica Bourbon rồi nhân rộng ra khắp vườn. Đây là loại cà phê cho hương vị hảo hạng, xuất xứ từ đảo Bourbon (nay là Réonion) thuộc Pháp nằm giữa Ấn Độ Dương, hòn đảo mà hai vị vua chống Pháp của triều Nguyễn là Duy Tân và Thành Thái đã từng bị lưu đày.
Anh Lê Thanh An, con trai của bà Chính cho biết, cà phê tại Việt Nam có nhiều giống khác nhau. Riêng cà phê Arabica Bourbon được đánh giá là hảo hạng bởi hương vị thơm ngon, hàm lượng cafein thấp. Tuy nhiên, đây cũng là giống rất khó trồng, chỉ phù hợp những vùng có khí hậu quanh năm mát mẻ, không bị sương giá. “Về hình thái, Arabica Bourbon có lá mảnh và dài, mép lá nhiều nếp xoăn, ngọn thường rủ xuống đất, khoảng cách giữa các mắt trái ngắn, quả có núm nhỏ. So với các giống cà phê thông thường, Arabica Bourbon năng suất thấp, chỉ bằng khoảng 30%”- Anh An cho biết.
Trước đây, do chất lượng của các giống cà phê chưa được chú trọng, đánh giá đúng mức nên nhiều gia đình ở Đà Lạt đã phá bỏ các giống cà phê quý để chuyển sang trồng các loại hoa màu hoặc các giống cà phê cao sản. Tuy nhiên, gia đình anh Lê Thanh An vẫn quyết tâm giữ vườn bởi ngoài hương vị thơm ngon, vườn cà phê còn gắn với những ân tình và kỷ niệm của họ với người chủ cũ. Năm 2011, một chuyên gia cà phê nước ngoài cùng một giám đốc của một công ty sản xuất cà phê trong nước tình cờ phát hiện ra vườn cà phê của gia đình anh An. Họ đề nghị anh hợp tác bằng cách bảo tồn và thu mua toàn bộ sản phẩm cà phê của gia đình với giá cao. Sau đó liên tiếp trong hai năm 2015 và 2016, tại cuộc thi “Thi tuyển chất lượng cà phê của UCC Nhật Bản-UCC châu Âu tại Việt Nam”, sản phẩm cà phê của gia đình anh An đều đạt giải nhất. Điều này giúp danh tiếng cà phê Arabica Bourbon của gia đình ngày càng bay xa.
Anh Lê Thanh An cho biết, hiện gia đình có khoảng 500 cây cà phê Arabica Bourbon, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 500kg. Quá trình chăm sóc, gia đình hầu như không sử dụng các loại phân hóa học mà chủ yếu sử dụng phân chuồng trộn với một lượng nhỏ phân hữu cơ nhập khẩu. Thông thường, người trồng cà phê sẽ thu hoạch một lần theo kiểu tuốt xô cả cành thì gia đình chỉ hái từng trái chín và mùa thu hoạch kéo dài tới hai tháng. Quá trình phơi khô, rang xay cũng tuân thủ quy trình khá cầu kỳ. “Nếu cà phê mà đem sấy sẽ làm bay mất hương thơm tự nhiên của nó mà thay vào đó là mùi của khói. Cách tốt nhất là phơi ngoài trời với sức nóng tự nhiên, cà phê sẽ khô từ từ, giữ được hương vị thực tế của nó!”- Anh An nêu ví dụ.
Trong khi cà phê thông thường tại Đà Lạt chỉ có giá khoảng 60.000 đồng/kg thì cà phê Arabica Bourbon của gia đình anh An được bán với giá 350.000/kg, riêng cà phê đã rang xay là 500.000 đồng/kg. Hiện sản phẩm của gia đình được một số thương hiệu cà phê nổi tiếng trong nước bao tiêu và một phần được xuất sang Nhật Bản. “Tôi đang liên kết với một số hộ nhằm bảo tồn, mở rộng diện tích cà phê Arabica Bourbon nhằm góp phần khẳng định và nâng cao giá trị cho cà phê Đà Lạt”-Anh An chia sẻ.
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG