Được bao bọc bởi bốn bề là dòng Sông Hậu đỏ nặng phù sa đang mùa nước nổi, Cồn Sơn có hình dáng tựa viên ngọc nằm trong miệng rồng. Chính nhờ sự bồi tụ của lớp phù sa màu mỡ nên cây trái trên cồn quanh năm tươi tốt, cho sản lượng cao mà người dân không phải mất công chăm bón nhiều. Theo con đường quanh co dẫn đến những vườn cây trái sum suê của các hộ gia đình, du khách có thể tha hồ lựa chọn những loại quả mình thích để dừng chân thưởng thức. Có một điều đặc biệt là, mỗi hộ dân ở đây chỉ trồng chuyên canh vài loại cây, quả khác nhau, mỗi nhà đều có một thế mạnh riêng về từng loại. Nếu du khách muốn thưởng thức những trái bưởi to tròn, căng mọng, có thể đến nhà vườn của cô Ba Vàm Hồ. Tới vườn nhãn Thành Đạt, du khách có thể thưởng thức những chùm nhãn da bò ngọt thanh. Nếu muốn hái những trái ổi giòn, ngọt lịm, du khách hãy đến với khu vườn rộng 8.000m2 của nhà vườn Thành Tâm... Và còn vô số những loại quả khác như: Cam, dừa, dâu Hạ Châu, dứa, chôm chôm, vú sữa... tạo thành vạt xanh mát lành bao trùm cả Cồn Sơn để du khách tha hồ tham quan, thưởng thức và tìm lại những giây phút yên bình bên bạn bè, người thân.

leftcenterrightdel
Nhờ sự bồi tụ của lớp phù sa màu mỡ nên cây trái trên cồn quanh năm tươi tốt

Không chỉ có vậy, người Cồn Sơn nay đã biết cách làm du lịch với một tư duy “xanh” để phát triển bền vững. Du khách đến Cồn Sơn ngoài thăm thú miệt vườn còn được tham gia rất nhiều trải nghiệm thú vị để hiểu hơn về cuộc sống cũng như những nếp sinh hoạt, lao động hằng ngày của người dân nơi đây. Tại bè cá Bảy Bon, du khách sẽ được chính ông chủ Lý Văn Bon dẫn đi thăm các lồng cá quý hiếm, nhiều loài còn nằm trong danh sách “đỏ” cần được bảo tồn như: Cá heo, cá leo, cá chà sóc; hay các loài cá lạ như: Hỏa long (chạch lửa), hồng vỹ mỏ vịt, cá cọp, vồ đém, sát sọc, koi ngũ sắc... Để tăng thêm tính hấp dẫn, ông Bảy Bon còn huấn luyện cho cá koi bú bình, trê hồng lượn sóng... nhằm mang đến cho khách tham quan những trải nghiệm mới lạ. Với hơn 30 lồng cá cho sản lượng hàng nghìn tấn mỗi năm, mang lại lợi nhuận từ 5-10 tỷ đồng/năm, bè cá của ông Bảy Bon hiện là điểm “phải đến” ở cửa ngõ Cồn Sơn.

Ngoài ra, các hộ gia đình khác cũng tạo nên những trải nghiệm phong phú cho du khách như: Tát mương bắt cá đồng, chèo xuồng ba lá, khám phá phiên chợ quê, tham quan mô hình trồng rau sạch thủy canh, xem màn biểu diễn đặc biệt “Cá lóc bay” với hàng nghìn con cá lớn nhỏ được huấn luyện cùng nhau nhảy múa tung tăng trên mặt nước, hay tự tay làm những chiếc bánh in, bánh xèo, bánh khọt, bánh kép nướng... dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của các nghệ nhân. Sau một ngày hoạt động mệt nhoài, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn dân dã, mang hương vị độc đáo của miền Tây như: Cá lóc nướng rơm, lục bình xào tép rong, bồ câu khìa, lẩu ốc, gà hấp hèm, lẩu gà nấu chanh dây, lẩu mắm, gà xé bưởi, cá tai tượng gỏi mít…

Có một điều đặc biệt là, ở Cồn Sơn, để làm nên một mâm cơm phục vụ khách, du khách khó có thể tìm được một gia đình phục vụ tất cả các món từ đầu đến cuối. Người Cồn Sơn luôn đặt tình làng nghĩa xóm, sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau lên trên tất cả. Bởi thế, trong một mâm cơm đãi khách, du khách sẽ được thưởng thức các món “tủ” của mỗi gia đình.

Nghệ nhân Phan Kim Ngân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên thế hệ cho biết: Trong số 79 hộ dân hiện đang sinh sống ở Cồn Sơn có hơn 30 hộ tham gia làm du lịch, trong đó 19 hộ dân là thành viên của câu lạc bộ đã tham gia làm du lịch cộng đồng một cách khá bài bản. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các hộ gia đình tại đây đều được tạo điều kiện hoạt động, được tham gia các lớp tập huấn kỹ năng đón tiếp khách... Mặc dù mới đi vào hoạt động từ năm 2015, nhưng hiện nay, lượng khách đến Cồn Sơn luôn tăng trưởng hằng năm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Có những hộ hiện đạt doanh thu trung bình hơn 100 triệu đồng/tháng. Đáng nói là, nhiều hộ đã dùng một phần thu nhập từ du lịch để tái đầu tư sửa sang nhà cửa, xây công trình phụ, mở rộng không gian trải nghiệm để đón khách nhằm phục vụ khách ngày một tốt hơn.

Bài và ảnh: MỘC LAM