Hơn 4 tháng qua, đại dịch Covid-19 làm thế giới chao đảo. Ngay cả những quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh, y tế phát triển, như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italy, Pháp, Nga, Singapore… cũng phải gồng mình chống dịch. Tuy nhiên, đại dịch ở Việt Nam cơ bản được khống chế và đẩy lùi. Chúng ta đã “chiến đấu” với virus SARS-CoV-2 bằng ý chí đại đoàn kết dân tộc và tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Đó chính là ý chí và tinh thần Việt Nam.

Còn nhớ những ngày đầu dịch mới xuất hiện, sau đó bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), chúng ta đã rất cảnh giác. Ngày 30-1-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 170/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm trưởng ban.

leftcenterrightdel
Các y sĩ, bác sĩ và bộ đội tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: PHỐ MINH

Tháng 2-2020, cả nước dàn thế trận phòng, chống dịch. Các phương án “tác chiến” với mọi tình huống cũng được hình thành nhanh chóng. Trên cơ sở đó, chúng ta mở chiến dịch tuyên truyền sâu rộng về sự nguy hại của virus SARS-CoV-2 và cách phòng, chống trên mọi phương tiện thông tin; chính quyền cùng lực lượng chức năng bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng; khuyến cáo người dân nên ở nhà, tránh tụ tập đông người và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước khử khuẩn; thành lập các bệnh viện, các cơ sở cách ly để điều trị cho người bệnh và kiểm soát, phát hiện sớm những trường hợp lây nhiễm. Người dân cũng tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở gia đình, nơi cư trú và nơi học tập, làm việc.

Tuy không có điều kiện như các nước phát triển, song Việt Nam đã phòng, chống dịch bằng tất cả ý chí, nguồn lực và niềm tin của mình. Điều này được thể hiện sinh động trong lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Lời kêu gọi, hiệu triệu ấy đã đúc kết tinh thần yêu nước nồng nàn và lòng tự tôn dân tộc sâu sắc, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, mang lại động lực lớn, cổ vũ toàn dân chống đại dịch: ... Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội... Tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh.

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã làm rung động trái tim hàng chục triệu người. Khẩu hiệu: “Ở nhà là yêu nước, yêu nước thì phải ở nhà” trong cách ly xã hội đã lan tỏa và thấm vào suy nghĩ, hành động của người dân.

Cách ly khiến con người sống chậm hơn, có điều kiện gần gũi, yêu thương, chăm sóc cho bản thân và gia đình nhiều hơn. Chính việc thực hiện khá thành công cách ly xã hội đã giúp nước ta kiểm soát tốt dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Ý thức tự giác chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, của địa phương cho thấy người dân rất bình tĩnh, hài lòng và tin tưởng vào sự chỉ đạo, điều hành chống dịch của Chính phủ. Thời gian qua, những lời bình luận, bày tỏ chính kiến của người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội mỗi khi có bệnh nhân khỏi bệnh, hay một ngày không có thêm người nhiễm, như: “Tôi yêu Việt Nam. Tự hào khi là người Việt Nam”, “Cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Cảm ơn các y sĩ, bác sĩ và các chiến sĩ quân đội, công an!”, “Tự hào quá Việt Nam ơi!”, “Việt Nam chiến thắng Covid-19”... càng khiến chúng ta thêm tự hào.

 Trong dịch bệnh, tinh thần sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau, bao dung đối với cộng đồng của người Việt Nam khiến bạn bè quốc tế cảm phục. Hình ảnh các y sĩ, bác sĩ, các chiến sĩ quân đội, công an sẵn sàng xa gia đình, người thân để làm việc vô cùng vất vả trong các bệnh viện, trong các khu cách ly được cả xã hội trân trọng, ca ngợi. Có nhiều người nghe tin người thân qua đời cũng gắng chịu đựng, biến đau thương thành hành động vì nước, vì cộng đồng.

Những người ở tuyến đầu làm việc bằng hơn 100% trí lực của mình thì những người ở tuyến sau cũng chung tay cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Sự tin tưởng, đồng lòng và quyết tâm của toàn dân tộc dâng lên rất cao. Đó là những Bà mẹ Việt Nam anh hùng tuổi già, sức yếu vẫn tham gia may khẩu trang cấp phát cho người dân, hay đem tiền tiết kiệm đến đóng góp vào quỹ phòng, chống dịch; đó là các cháu nhỏ ủng hộ tiền mừng tuổi, cùng cha mẹ phát khẩu trang ngoài đường phố; đó là việc người dân ủng hộ cho những “ATM gạo” miễn phí trên khắp đất nước; đó là các thầy giáo, cô giáo, các nhà hàng nấu ăn để chăm sóc sức khỏe cho các y sĩ, bác sĩ, chiến sĩ làm việc trên tuyến đầu; và ngay trong khu vực cách ly, mọi người cũng tham gia ủng hộ tiền cho cuộc chiến phòng, chống dịch... Tinh thần Việt Nam còn được thể hiện rất ấn tượng, lạc quan qua các ca khúc: “Việt Nam ơi, đánh bay Covid-19”, “Ghen Cô Vy”, “Bao la những trái tim hồng”, “Những bông hồng giữa mùa dịch”, “Việt Nam sẽ chiến thắng”... đang lan tỏa muôn nơi.

Đáng nói hơn cả là gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỷ đồng) của Chính phủ, rồi các khoản hỗ trợ giá điện, giá viễn thông, chính sách ưu đãi về tiền tệ, tài khóa, giúp đỡ gia đình người có công, người lao động, bà con nghèo bị thiệt hại, gặp khó khăn do dịch bệnh vượt qua được giai đoạn vất vả hiện nay. Chính phủ cũng tổ chức nhiều chuyến bay đến các vùng có dịch trên thế giới để đưa người Việt Nam có nhu cầu về nước và chở hàng triệu chiếc khẩu trang, thiết bị y tế hỗ trợ các nước: Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Anh, Mỹ, Lào, Campuchia, Trung Quốc... chống dịch. Không chỉ người Việt Nam mà người nước ngoài cũng được hưởng sự ưu đãi, quan tâm đặc biệt khi thực hiện cách ly hay điều trị Covid-19 ở Việt Nam. Biết bao lời cảm ơn, sự ngưỡng mộ và cảm phục của công dân nước ngoài đối với Chính phủ và các y sĩ, bác sĩ, các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam khi họ được điều trị khỏi bệnh, được phục vụ tận tình, chu đáo trong các khu cách ly.

Thời gian qua, ý chí chiến đấu với bệnh dịch bằng quan điểm: “Sẵn sàng hy sinh lợi ích về kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của nhân dân” đã tạo nên khí thế mạnh mẽ. Nước ta không chỉ cập nhật nhanh chóng tình hình dịch bệnh, các phương pháp phòng, chống và phác đồ điều trị Covid-19 trên thế giới mà còn tích cực nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo ra những phương pháp, phác đồ điều trị hiệu quả.

Có niềm vui nào lớn lao, tự hào hơn khi chúng ta kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh khi dịch Covid-19 đã được khống chế, đẩy lùi. Báo chí nước ngoài và dư luận trong nước ví điều này như “Một mùa xuân đại thắng của Việt Nam”. Trong những ngày tháng 5 đáng nhớ này, chúng ta hãy tiếp tục củng cố niềm tin hơn nữa vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, đoàn kết bên nhau để hoàn thành “nhiệm vụ kép”, đó là: Chiến thắng dịch bệnh và khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội. Và lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Lễ khởi công tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) ngày 3-5 đã nêu bật điều đó: “Với trí tuệ và sức mạnh đoàn kết, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng trên tất cả các mặt trận, không chỉ trên mặt trận phòng, chống Covid-19 mà còn cả lĩnh vực kinh tế”.

LÊ PHI HÙNG