Nói gì về dấu ấn và vai trò của Cách mạng Tháng Mười trong dòng chảy lịch sử nhân loại, khi tòa lâu đài nguy nga mà nó đặt nền móng là Liên bang Xô viết không còn, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, khi cuộc cách mạng từng được coi như “một cuộc biến đổi long trời lở đất” giờ bị các học giả tư sản dựng thành “một quái thai của lịch sử”, bị đánh đồng với chủ nghĩa phát xít tàn bạo?
    |
 |
Người dân tuần hành kỷ niệm 103 năm Cách mạng Tháng Mười. Ảnh: Nhân Dân |
Trước hết, Cách mạng Tháng Mười không phải là một vụ “cưỡng ép lịch sử”, “một cuộc cách mạng đẻ non”, càng không phải là sản phẩm được tạo ra từ sự cuồng nhiệt của ý chí chủ quan, không tưởng của một cá nhân nào đó, mà là giấc mơ cháy bỏng của bao thế hệ người lao động bị bóc lột, đày đọa đến cùng cực về một xã hội công bằng, bác ái. Hãy nghe Lênin nói về thực trạng “hai dân tộc trong một dân tộc” khi nhắc tới sự cách biệt lớn giữa tầng lớp thượng lưu Nga với nhân dân lao động: “Hai dân tộc này từ lâu đã nói hai ngôn ngữ khác nhau: Người ở trên-tiếng Pháp, người ở dưới-tiếng Nga dung dị. Và tư duy của họ cũng ở những hệ thống giá trị khác nhau”.
Chủ nghĩa tư bản đã không thể giải quyết được nghịch lý người bóc lột người trong cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa những kẻ bóc lột và người bị bóc lột. Chỉ với sự kiện ngày 7-11-1917, loài người mới tìm được cái nôi để nuôi dưỡng, biến những giấc mơ công bằng, bác ái thành hiện thực. Không phải ngẫu nhiên mà những khẩu hiệu, như: “Hòa bình cho các dân tộc”, “Ruộng đất cho nông dân”, “Bánh mì cho người đói”, “Tự do cho người nô lệ”... vang lên trong Cách mạng Tháng Mười lại có sức lay động, cuốn hút đến như vậy. Bởi nó phản ánh đúng nhu cầu, khát vọng của đại đa số quần chúng lao động đang bị bóc lột cùng cực. Một loạt sắc lệnh được chính quyền Xô viết ban hành ngay đêm thắng lợi đầu tiên của Cách mạng Tháng Mười đã thỏa mãn giấc mơ ruộng đất nghìn năm của nông dân, xóa bỏ sự phân biệt đẳng cấp, dân tộc, giới tính...
Bằng những việc làm thiết thực ấy, Cách mạng Tháng Mười đã thể hiện bản chất đích thực là một cuộc cách mạng giải phóng những người nghèo khổ và vì những người nghèo khổ. Trong lịch sử nhân loại, chưa có cuộc cách mạng nào xác lập một kiểu tổ chức xã hội mang lại cho quảng đại quần chúng lao động nhiều quyền lợi đến thế. Chưa biết tương lai sẽ đi đến đâu, nhưng với người lao động, giờ họ đã có thể tự định đoạt cuộc sống của mình, đã có thể mơ rằng, bản thân mình, con cái mình sẽ không còn phải chịu cảnh bị bóc lột.
Điều đó giải thích vì sao Cách mạng Tháng Mười tạo ra nhiều nguồn năng lượng tích cực mạnh mẽ. Nó giúp chính quyền Xô viết non trẻ không bị bóp nghẹt trong vòng vây can thiệp của 14 nước tư bản ngay sau cách mạng, giúp Liên Xô vượt lên trong cuộc đối đầu sống còn với phát xít Đức, góp phần cứu loài người khỏi thảm họa diệt chủng. Tính ưu việt và sức sáng tạo của nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới đã biến Liên Xô từ một nước tư bản phát triển trung bình thành cường quốc hàng đầu thế giới chỉ sau vài thập kỷ. Những thành tựu mà đất nước này đạt được, như: Nước đầu tiên đưa người lên vũ trụ, nước đầu tiên khai thác năng lượng hạt nhân phục vụ hòa bình... khiến cả thế giới sửng sốt, khâm phục.
Điều đó cũng lý giải vì sao lý tưởng Cách mạng Tháng Mười và con đường mà nó vạch ra lại có sức lôi cuốn, cổ vũ mạnh mẽ với người lao động bị áp bức, bóc lột trên thế giới. Hàng trăm triệu người trên khắp năm châu đã tìm thấy ở cuộc cách mạng này một hình mẫu cao đẹp và con đường thực tế để tự giải phóng mình khỏi ách áp bức, bóc lột. Sự tồn tại của hệ thống các nước XHCN như một đối trọng nặng ký đã buộc chủ nghĩa tư bản phải có những điều tiết nhằm xóa bớt đi bộ mặt gớm ghiếc và tàn bạo của mình, phải điều chỉnh các chính sách kinh tế-xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chú trọng các dịch vụ công thiết yếu, như: Giáo dục, y tế, bảo hiểm...
Đối với nhân dân Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười đã mở ra con đường giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của phong kiến, thực dân. Đến với Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa xã hội (CNXH), những người yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ 20 tựa như người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn. Từ tình cảm tốt đẹp đến niềm tin khoa học, từ chủ nghĩa yêu nước đến CNXH là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi. Và chính nhờ đi theo con đường mà Bác khai phá, nhân dân ta đã giành được những chiến công vĩ đại, đánh thắng hai đế quốc xâm lược, bước tới kỷ nguyên độc lập, tự do và quá độ lên CNXH.
Với sự sụp đổ của chế độ XHCN hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, sự thoái trào tạm thời của phong trào cộng sản quốc tế, một số học giả tư sản tìm cách đổ lỗi cho Cách mạng Tháng Mười, cho rằng, nguyên nhân của những biến động bắt nguồn từ cái gốc là sự kiện ngày 7-11-1917. Chắc chắn, bi kịch lịch sử này sẽ còn phải tiếp tục được nghiên cứu, suy ngẫm để rút ra những bài học cần thiết, sâu sắc về lý luận và thực tiễn với những người cộng sản. Song, sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống XHCN ở Đông Âu là sự sụp đổ một mô hình của CNXH, nó không đồng nhất với CNXH nói chung. Bởi, CNXH đâu phải chỉ là một mô hình xã hội cụ thể, mà còn là nơi thể hiện và chứa đựng những lý tưởng cao đẹp mà con người luôn vươn tới, là giấc mơ cháy bỏng của bao thế hệ người lao động, những kẻ tôi tớ bị bóc lột và đày đọa đến cùng cực, về một xã hội công bằng, bác ái, không còn nạn người bóc lột người, dân tộc này áp bức dân tộc khác. Đó là những giá trị vĩnh hằng, từng được nuôi dưỡng bởi cái nôi Cách mạng Tháng Mười, mà không ai có thể bác bỏ.
Thực tế cải cách, mở cửa và thành tựu công cuộc đổi mới ở Việt Nam mà cả thế giới chứng kiến và ca ngợi là bằng chứng đầy tính thuyết phục cho thấy, CNXH vẫn đầy sức sống nếu những người cộng sản biết tự đổi mới, tìm tòi, sáng tạo về lý luận và thực tiễn. Hội nhập quốc tế của Việt Nam với chủ trương “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” đang cho phép chúng ta phát huy nội lực, tranh thủ khai thác và nội sinh hóa các nguồn ngoại lực, giúp dân tộc ta vượt qua những thách đố của thời cuộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để phát triển và thu được kết quả đầy ấn tượng. “Đổi mới” đã trở thành một hiện tượng đặc biệt, một kỳ tích trong thế giới hiện đại, khẳng định tính đúng đắn về sự lựa chọn con đường XHCN ở Việt Nam.
Ngày 7-11 là dịp để chúng ta nhìn lại tầm vóc một cuộc cách mạng đã tạo bước ngoặt căn bản của xã hội loài người. Chừng nào xã hội còn áp bức, bóc lột, bất công, chừng đó lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười còn rực sáng. Dù có bị bôi đen, bịa đặt thế nào, trong dòng chảy của lịch sử, với biết bao sự kiện sôi động, hào hùng cũng như khốc liệt, bi tráng, Cách mạng Tháng Mười vẫn là một dấu mốc vững chắc. Chiến hạm Rạng Đông sẽ neo đậu trên sông Neva mãi mãi, như biểu tượng không thể phai mờ về một cuộc cách mạng từng làm cả thế giới rung chuyển.
TƯỜNG LINH