Tuần trước, Nga tuyên bố đóng cửa phái bộ liên lạc của NATO ở Moscow, đồng thời tước quyền hoạt động của các nhân viên NATO từ ngày 1-11. Cơ quan đại diện Nga tại NATO ở Brussel cũng ngừng hoạt động. Đây là hành động đáp trả việc NATO quyết định giảm một nửa số nhân viên ngoại giao Nga tại tổ chức này, từ 20 người xuống 10 người. Trong đó, 8 nhân viên bị trục xuất vì lý do là “các sĩ quan tình báo không được khai báo”.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Getty

 

 Vài năm gần đây, quan hệ Nga-NATO luôn trong tình trạng căng thẳng sau khi Nga tuyên bố sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014 và xung đột bùng phát tại vùng Donbass ở phía đông Ukraine mà phương Tây cáo buộc có bàn tay can dự của Moscow. NATO đã ngừng các hoạt động hợp tác với Nga, Hội đồng Nga-NATO, nơi có thể tiến hành tham vấn khẩn cấp khi xuất hiện khủng hoảng, họp lần gần đây nhất cũng đã hơn hai năm trước. 

Nếu phải mô tả thực trạng của mối quan hệ Nga-NATO hiện nay, có lẽ đánh giá của ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga là sát thực nhất. Theo ông Dmitry Peskov, Nga và NATO đang trong tình trạng “không có quan hệ và không có đối thoại”. Còn ông Yury Shvytkin, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga, thì khẳng định: “Khối quân sự này không có ý muốn gìn giữ mối quan hệ với Nga”.

Chính vì thế, quyết định cắt giảm số nhân viên ngoại giao Nga tại Brussel của NATO chỉ là giọt nước làm tràn ly, làm lộ rõ tâm trạng giận dữ của Moscow trước thái độ thiếu hợp tác của NATO. Phản ứng của Nga tuy cứng rắn nhưng không phải là điều bất ngờ bởi nó chỉ là việc công khai hóa, chính thức hóa tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” kéo dài trong quan hệ giữa Nga và NATO mà thôi.

Thật ra, đòi hỏi Nga-NATO phải là những đối tác thân thiện là điều không thực tế trong bối cảnh liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu liên tiếp có hành động thù địch nhằm vào Nga. Còn nhớ khi “chiến tranh lạnh” kết thúc, Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ James Baker và Thủ tướng Đức Helmut Kohl đã cam kết với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev rằng NATO sẽ “không tiến về phía đông dù chỉ một inch” sau khi nước Đức thống nhất. Thế nhưng, nay nhìn lại, đó chỉ là lời hứa trên giấy.

Kể từ khi thành lập năm 1949 đến hết "chiến tranh lạnh”, NATO chỉ kết nạp thêm 4 thành viên mới. Ấy thế nhưng từ thập niên 90 của thế kỷ trước, khi đối trọng Liên Xô không còn, NATO bắt đầu “đông tiến”, ồ ạt kết nạp thêm một loạt nước thuộc Đông Âu và vùng Baltic vốn trước đây liên kết với Nga, đưa tổng số thành viên NATO từ 16 lên 30 nước. Chưa dừng ở đó, NATO còn đang mưu toan tiến vào sân sau của Nga khi tìm cách lôi kéo các nước thuộc Liên Xô trước đây như Ukraine, Gruzia, Moldova gia nhập tổ chức này. Sự bội ước của NATO đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin vạch rõ trong bài phát biểu gây chấn động tại Hội nghị an ninh châu Âu năm 2007.

Sự thù địch và đối đầu với Nga còn thể hiện qua việc Mỹ và NATO triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu tại Ba Lan, Séc, Rumania... Dù Washington biện bạch “lá chắn” tên lửa này chỉ nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ các tên lửa đạn đạo của Iran, nhưng ai mà biết chắc “lá chắn” đó sẽ chỉ dừng ở quy mô khiêm tốn lúc đầu hay lại lớn dần lên theo những toan tính khó lường trong đầu các tác giả của nó. Một khi được mở rộng, hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu đủ sức vô hiệu hóa kho tên lửa hạt nhân của Nga. Hệ quả là thế cân bằng chiến lược Mỹ-Nga bị phá vỡ, và người chiến thắng là Washington lại thỏa sức định đoạt cuộc chơi.

NATO đang trượt vào lối hành xử thời “chiến tranh lạnh” trong quan hệ với Nga. Trong con mắt của khối quân sự này, Nga là đối thủ hơn là đối tác và ngăn chặn là mục tiêu chính chứ không phải là hợp tác. Những bước đi của NATO khiến Nga lo ngại. Điện Kremlin đã khẳng định rõ Nga không gây ra mối đe dọa nào cho các quốc gia khác, nhưng sẽ không thể không có những hành động đáp trả nếu lợi ích của mình bị xâm hại. Nước Nga còn chưa quên bài học với tham vọng mở rộng của khối quân sự NATO, với hành động đơn phương của Mỹ rút khỏi Hiệp ước phòng thủ chống tên lửa.

Với quyết định ngừng hoạt động Cơ quan đại diện Nga tại NATO, hợp tác Nga-NATO giờ chỉ còn trên danh nghĩa. Không ai được lợi trong cuộc đối đầu này bởi không có sự hợp tác của Nga, Mỹ và châu Âu không thể giải quyết được các vấn đề như kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân, giải trừ quân bị, chống khủng bố... Đó là chưa kể trong hợp tác kinh tế, Nga luôn có “con bài” lợi hại là khí đốt. Theo con số thống kê, dù nhu cầu sụt giảm do đại dịch Covid-19, châu Âu vẫn phụ thuộc 40% vào nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga. Mùa đông khắc nghiệt đang đến gần, và như cảnh báo của báo chí, chỉ cần Moscow đóng bớt van đường ống dẫn khí đốt, cả châu Âu sẽ băng giá.

Trước mắt, tuy quan hệ đã bị ngừng trệ nhưng giữa Nga và NATO vẫn tồn tại nhiều kênh liên lạc. Đó là qua kênh Đại sứ Nga tại Bỉ, qua “đường dây nóng” giữa Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Liên bang Nga Valery Gerasimov với tướng Mỹ Wolters, Tư lệnh tối cao Lực lượng đồng minh của NATO ở châu Âu, giữa Tổng thư ký NATO Stoltenberg và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Nhưng muốn tham vấn, đối thoại gì thì cũng phải trên cơ sở thiện chí.

Người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov từng tuyên bố: “Nga không thể và không muốn nhảy tango một mình”. Quả bóng giờ nằm trong chân NATO. Nếu không vượt qua được nghi kỵ và đối đầu như hiện nay, tương lai quan hệ Nga-NATO thật mong manh, chẳng khác nào nhành ô liu giữa đống gươm đao.

TƯỜNG LINH