Đây có thể coi là quyết định mang tính bước ngoặt trong quan hệ ASEAN-Ấn Độ, một dấu mốc lịch sử trong hành trình bền bỉ làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác đầy hứa hẹn giữa Ấn Độ và ASEAN. Nó thể hiện sự đồng điệu trong tầm nhìn hướng tới tương lai giữa hai bên, cũng như giữa chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ và quá trình thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 của ASEAN.
    |
 |
Các Bộ trưởng ASEAN và Ấn Độ dự Hội nghị. Ảnh: Bộ Ngoại giao. |
So với quan hệ ASEAN-Mỹ, ASEAN-Liên minh châu Âu (EU), quan hệ ASEAN-Ấn Độ được thiết lập sau. Thế nhưng mối quan hệ này đã có những bước tiến được dư luận đánh giá là “đáng kinh ngạc”. Khởi đầu bằng việc thiết lập quan hệ đối tác trên từng lĩnh vực vào năm 1992, chỉ 3 năm sau, mối quan hệ này đã được nâng cấp thành quan hệ đối tác đối thoại toàn diện, rồi nhanh chóng được nâng lên thành đối tác cấp cao năm 2002, đối tác chiến lược năm 2012. Ngày nay, quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ đã trở thành một trong những mối quan hệ phát triển nhanh nhất, năng động và toàn diện nhất của ASEAN.
Có được sự đột phá ấn tượng này là bởi quan hệ ASEAN-Ấn Độ dựa trên nền tảng vững chắc là sự kết nối chặt chẽ trong hòa bình và tình hữu nghị, tôn giáo và văn hóa, nghệ thuật và thương mại, ngôn ngữ và văn học, sự thân thiện và tình cảm gắn bó giữa nhân dân Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.
Với Ấn Độ, trải qua nhiều thế kỷ tiếp xúc, Ấn Độ hướng sang phía Đông một cách tự nhiên, từng bước định hình hành trình tái hội nhập Ấn Độ với phương Đông. Đặc biệt, ngay trong năm đầu tiên lên nắm quyền (năm 2014), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã quyết định chuyển chính sách “Hướng Đông” thành “Hành động hướng Đông”, đặt ưu tiên cao nhất tăng cường quan hệ với ASEAN, bởi ASEAN nằm ở vị trí trung tâm của khu vực địa chính trị và địa kinh tế quan trọng bậc nhất thế giới, với những lợi thế vốn có về nhân lực, tiềm lực kinh tế và tiềm năng phát triển, nguồn tài nguyên phong phú và thị trường rộng lớn
Còn với các nước ASEAN, Ấn Độ là thị trường rộng lớn, gần gũi, đầy tiềm năng. Nền kinh tế của hai bên có thể bổ sung cho nhau trên nhiều lĩnh vực. Trong khi Ấn Độ cần vốn, kỹ thuật cao và thị trường rộng lớn của ASEAN, thì ASEAN có thể tìm thấy ở Ấn Độ thị trường cho đầu tư và xuất, nhập khẩu cùng nguồn lao động dồi dào.
Chính nhờ thế, quan hệ ASEAN-Ấn Độ đã phát triển tích cực trên tất cả lĩnh vực. Năm 1996, Ấn Độ trở thành thành viên của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), rồi bắt đầu tham gia các cơ chế khác do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)... Từ năm 2002, hai bên bắt đầu tổ chức các hội nghị cấp cao hằng năm. Thông qua các cơ chế này, Ấn Độ từng bước thiết lập được chỗ đứng vững chắc trong cấu trúc đa phương ở châu Á-Thái Bình Dương do ASEAN chủ đạo. Thêm vào đó, Ấn Độ công khai thừa nhận vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ có vai trò quyết định trong khu vực chiến lược này.
Trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ trong khi Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ bảy của ASEAN. Quốc gia Nam Á này cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ bảy của ASEAN với tổng vốn đầu tư trực tiếp đạt 2,06 tỷ USD. Trong năm 2021, bất chấp đại dịch Covid-19, thương mại song phương vẫn đạt mức 84,39 tỷ USD. Các doanh nghiệp Ấn Độ ngày càng quan tâm đến thị trường ASEAN vì các ưu điểm như quy mô thị trường lớn, tốc độ tăng trưởng tích cực, cũng như sự gần gũi về văn hóa và địa lý. Các sản phẩm của Ấn Độ khá phù hợp với văn hóa thị trường ASEAN do sự hiện diện của cộng đồng người Ấn, cũng như do lịch sử thương mại lâu đời giữa tiểu lục địa Ấn Độ và Đông Nam Á. Thêm vào đó, Ấn Độ có lợi thế hơn trong việc phục vụ các phân khúc bình dân vốn nhạy cảm về giá của các thị trường ASEAN.
Với mục tiêu vươn lên trở thành những trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại quan trọng trong thế giới đa cực, ASEAN và Ấn Độ đang nỗ lực cùng nhau khai thác tiềm năng mà việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có thể mở ra. Đó là phát huy vai trò chiến lược của mối quan hệ ASEAN-Ấn Độ để đóng góp hiệu quả cho hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, đồng thời khai thác hiệu quả thị trường ASEAN-Ấn Độ rộng lớn gần 2 tỷ dân với tổng GDP gần 6.000 tỷ USD.
Nhờ cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19, ASEAN và Ấn Độ có thể nhanh chóng đẩy mạnh trao đổi kinh tế, thương mại nhằm sớm đạt được mục tiêu 200 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương; cùng nhau triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường của nhau. Đồng thời, thúc đẩy kết nối, bao gồm kết nối vật chất, kết nối số và giao lưu văn hóa, du lịch, kết nối người dân.
Người Ấn Độ nói rằng mình luôn nhìn về hướng Đông để ngắm mặt trời mọc và ánh sáng của cơ hội. Trên thực tế, chính “Hướng Đông” đã giúp Ấn Độ gặp gỡ và gắn kết chặt chẽ với ASEAN, mở ra những cơ hội cho cả hai bên trong không gian rộng lớn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Giờ đây, với việc nhất trí thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, hai bên lại nỗ lực tạo dựng chiếc cầu vững chắc nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương để cùng nhau định hình hướng đi vượt qua những biến động và hỗn loạn của thời cuộc, hướng tới một tương lai ổn định và hòa bình của khu vực và thế giới.
TƯỜNG LINH