Quyết định này được đánh giá như cú đáp trả cứng rắn nhất của Điện Kremlin đối với những đòn trừng phạt kinh tế từ phương Tây nhằm vào Nga. Và ngày 27-4, Moscow đã dừng hoàn toàn xuất khẩu khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria sau khi Sofia và Warsaw cự tuyệt “tối hậu thư” trên.
Từ trước tới nay, Ba Lan vẫn xử lý các nhu cầu về khí đốt của mình ở mức gần 20 tỷ mét khối theo công thức: 4 tỷ mét khối tự khai thác, 10 tỷ mét khối mua theo hợp đồng với Nga, phần còn lại là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong kho của mình. Trong bối cảnh tình hình quốc tế mới, Warsaw đã trù tính phương án mới để có thể không hợp tác với Moscow trong lĩnh vực năng lượng. Người Ba Lan đã khởi công đường dẫn khí đốt Baltic Pipe có thể đưa khí đốt từ Na Uy tới Ba Lan. Công trình này dự tính sẽ được hoàn thành vào mùa thu năm nay.
Tuy nhiên, do lượng khí đốt khai thác mà Na Uy cung cấp cho Liên minh châu Âu (EU) trong tương lai vẫn chỉ ở nguyên mức cũ nên có thể dự đoán rằng, nếu Warsaw lấy được đủ nguồn khí đốt Na Uy để thay thế cho 10 tỷ mét khối vẫn nhận từ Nga thì các nước khác trong EU sẽ phải bấm bụng chịu phần thua thiệt và đó là điều không dễ thương lượng ngay cả giữa các thành viên EU vì những lý do lợi ích riêng rất dễ hiểu.
Ở thời điểm hiện tại, Ba Lan đang sử dụng khí đốt Nga lấy ngược từ nguồn Cộng hòa Liên bang Đức. Các hầm dự trữ của họ cũng đang đầy tới hơn 80%, một mức độ cao so với nhiều quốc gia thành viên EU khác (Tổ chức Gas Infrastructure Europe cho biết, các cơ sở lưu trữ khí đốt của EU hiện mới được lấp đầy khoảng 32%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 80% đã đặt ra cho các thành viên vào tháng 11-2022).
Bulgaria cũng có một hợp đồng mua khí đốt từ Nga với thời hạn sẽ kết thúc cũng vào cuối năm 2022. Nhu cầu khí đốt của quốc gia với gần 7 triệu dân trên bán đảo Balkan này vào khoảng 3 tỷ mét khối/năm và trước đây được thỏa mãn chủ yếu nhờ Gazprom. Nhiều năm trước đây, Sofia đã thương lượng với Baku về việc mua khí đốt từ Azerbaijan ở mức 1 tỷ mét khối/năm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong tương lai, Bulgaria sẽ rất khó khăn tìm ra được những nguồn khí đốt khác để bù vào những gì đã mất từ Nga.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Sofia đang phải đối mặt với những căng thẳng chính trị và xã hội vì những vấn đề nảy sinh xung quanh câu chuyện bị cắt nguồn khí đốt từ Nga. Tổng thống Bulgaria, Rumen Radev đã phê phán chính phủ vì đã từ chối thanh toán tiền với Gazprom bằng đồng rúp. Cộng đồng các doanh nghiệp ở nước này cũng đã lớn tiếng yêu cầu chính phủ khởi động lại thương lượng với Moscow để nền kinh tế quốc gia giảm nạn thất nghiệp và giảm lạm phát. Theo cựu Thứ trưởng Bộ Năng lượng Bulgaria, Yavor Kuymdzhiev, nước này sẽ bị thiếu 2,5 tỷ mét khối khí đốt, không thể lấy gì bù đắp nổi.
|
|
Đường ống khí đốt Nga. Ảnh: AFP |
Thực tế là không chỉ riêng Ba Lan và Bulgaria đang phải trực diện trước những khó khăn nhiều mặt khi mất đi nguồn khí đốt từ Nga. Ở những thời điểm còn ít nhiều “cơm lành canh ngọt” giữa các bên, EU đã nhập từ Moscow khoảng 45% lượng khí đốt tự nhiên mà họ cần. Những biện pháp trừng phạt kinh tế mà EU đang thi hành đối với Nga, trong đó có nhiều biện pháp liên quan tới nhập khẩu các nguồn năng lượng, đã, đang và sẽ gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực với chính EU. Các số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (EUROSTAT) vừa được công bố ngày 29-4 cho thấy, tại các nước thuộc khu vực đồng euro đã xuất hiện tình trạng tăng giá đột biến và lạm phát ở mức kỷ lục.
Trong tháng 4 vừa qua, tỷ lệ lạm phát trong khu vực đồng euro đã tăng tới mức 7,5%, cao nhất trong vòng 25 năm trở lại đây. Các chuyên gia dự báo con số này còn có thể trở nên tồi tệ hơn ngay trong tháng 5 này. Tỷ lệ tăng trưởng GDP trong toàn bộ khu vực đồng euro trong 3 tháng đầu năm đã hạ xuống mức 0,2%. Đây là con số tăng trưởng kinh tế thấp nhất so với mức 0,3% của quý 4-2021, khoảng thời gian đã bị ám ảnh bởi sự bùng phát của chủng virus Omicron...
Trong 3 tháng đầu năm 2022, mức độ tăng trưởng kinh tế ở Pháp chỉ còn là con số không tròn chĩnh và lạm phát tăng ở mức cao chưa từng thấy. Tại Italy, nền kinh tế thậm chí còn bị suy giảm. Kinh tế Tây Ban Nha đã đánh mất nhịp điệu tăng trưởng cũ... Tạm thời chỉ có nước Đức, nền kinh tế lớn nhất của EU, trong 3 tháng đầu năm 2022 mới bộc lộ chút ít những dấu hiệu hồi phục sau những thất bát trong đại dịch. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, cho đến tháng 5 này, mức độ tăng trưởng kinh tế ở Đức cũng sẽ bị suy giảm vì những lý do chung của khu vực đồng euro.
Chính phủ Đức đã phải lên tiếng cảnh báo rằng nền kinh tế có thể bị suy thoái nếu Moscow ngừng cung cấp năng lượng cho Berlin. Rất không ngẫu nhiên khi Berlin đang là một trong những nơi luôn tìm cách thoát khỏi vòng kim cô cấm vận kinh tế để tiếp tục được mua các nguồn năng lượng từ Nga theo những điều kiện do Moscow đưa ra... Đức, Hungary và Áo đang là những thành viên EU phản đối cấm vận khí đốt Nga. Trước bài học nhãn tiền của Ba Lan và Bulgaria, nhiều công ty năng lượng ở Đức cũng như một số nước EU khác đang tìm cách “lách cấm vận” để khỏi bị rơi vào cảnh mất nguồn cung năng lượng từ Nga.
Các nhà hoạch định chiến lược trong EU ở Brussels dự kiến từ nay tới cuối năm 2022 sẽ giảm nhu cầu năng lượng từ Nga tới hai phần ba. Tuy nhiên, đây là một việc rất không dễ dàng. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis ngày 30-4 đã thẳng thắn tuyên bố rằng, nền kinh tế châu Âu không thể hoàn toàn chối bỏ khí đốt tự nhiên của Nga. Và "gậy ông đập lưng ông", cấm vận Nga, trong bối cảnh giá các nguồn năng lượng không ngừng tăng, EU phải chịu hậu quả tiêu cực của chính những đòn kinh tế mà họ đã giáng xuống Moscow. Và họ không thể tránh khỏi bị ám ảnh bởi bóng ma của đỉnh lạm phát, tức là trạng thái kinh tế bị đình đốn trong những điều kiện lạm phát gia tăng phi mã. Các chuyên gia đều cho rằng, tình hình sẽ ngày một tồi tệ hơn trong thời gian tới. Không ngẫu nhiên mà báo Anh The Guardian ngày 30-4 đã phải rung lên hồi chuông báo động, ngay trong mùa hè năm nay nền kinh tế của EU sẽ bị chìm trong suy thoái...
HỒNG THANH QUANG