Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cách đây khoảng một tháng (7-3), tới tháng 2-2022, giá lương thực, thực phẩm trên thế giới đã tăng thêm 21% so với cùng kỳ năm 2021. Tình hình đã trở nên càng căng thẳng hơn khi một số nước vốn là những nhà xuất khẩu lương thực vào loại hàng đầu thế giới quyết định ngừng làm việc này. Các chuyên gia đã rung lên hồi chuông báo động về an ninh lương thực của nhân loại.

leftcenterrightdel
Khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng khiến nhiều người dân Afghanistan phải bán các vật dụng trong gia đình để lấy tiền trang trải các bữa ăn. (Ảnh: AP) 

 

Theo đánh giá của Tạp chí Forbes, tình hình lương thực quy mô toàn cầu có vẻ như đã gần ở mức thảm họa, có thể dẫn tới xuất hiện nạn đói. Và nguyên do làm nảy sinh bi kịch này không chỉ có một... Các chuyên gia dự đoán là ngay trong năm nay, hàng chục triệu người từ châu Âu sang châu Á, từ châu Phi tới Cận Đông sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực...

Ngay ở thời điểm hiện nay, bức tranh toàn cảnh về lương thực trên thế giới rất ảm đạm. Chỉ tính riêng trong 10 ngày cuối tháng 3 vừa qua, giá bán gạo trên thế giới đã tăng thêm 21%. Những điều kiện khí hậu khắc nghiệt đột biến, thí dụ như nạn hạn hán dai dẳng ở Bắc Phi cùng giá nhiên liệu và phân bón gia tăng, cũng như sự gia tăng của nhu cầu giải quyết các vấn đề nhân đạo do các cuộc xung đột vũ trang và khủng hoảng khí hậu gây ra đã làm gia tăng thêm nguy cơ xuất hiện nạn đói ngay trong năm 2022 này.

Ngay ở châu Âu và ở chính nước Mỹ, tình hình cũng không sáng sủa. Xuất hiện ngày càng nhiều tin tức về những kệ hàng trống rỗng ở nhiều quốc gia. Còn thí dụ như ở Czech, theo chính báo chí nước này, chỉ tới mùa thu năm nay, ngành nông nghiệp sẽ nếm đủ đòn của việc thiếu phân hóa học bên cạnh sự gia tăng giá nhiên liệu. Đối với những nông dân ở đây, các loại phân hóa học có thể làm giàu có thêm các chất nitơ, phospho hay kali nền đất ruộng có ý nghĩa quan trọng không gì thay thế được. Tình hình chính trị hiện nay ở châu Âu khiến Czech bị mất nguồn cung cấp các loại phân hóa học này. Và tất yếu sản lượng nông phẩm ở Czech sẽ bị suy giảm không gì cưỡng nổi...

Trong khi đó, hiện đang tồn tại rất nhiều lý do cản trở việc bổ sung thêm những nguồn cung lương thực, thực phẩm trên thế giới. Chính tại nước Mỹ, những người làm nghề nông, theo một số chuyên gia, đang phải khốn đốn vì nạn khô hạn gay gắt nhất trong 1.200 năm qua nên cũng không thể gia tăng được nhiều sản lượng nông phẩm. Theo thông tin từ chính phủ Mỹ, đã có tới 35 bang tại nước này đang bị hạn hán. Hiện nay, khí hậu khô hạn vẫn tiếp tục diễn ra từ vùng bờ biển Thái Bình Dương tới các bang Louisiana và Arkansas ở phía đông. Các chuyên gia cho rằng, những người làm nông nghiệp ở Mỹ cũng như ở Brazil (một quốc gia xuất khẩu nông phẩm vào loại hàng đầu thế giới) hiện nay đã khai thác diện tích canh tác ở mức tối đa có thể. Trong nông nghiệp cần tới sự quy hoạch dài hạn, bắt đầu từ trước vụ mùa khá lâu. Và những hợp đồng thu mua phải được ký kết từ trước. Những nhu cầu bất ngờ nảy sinh dễ khiến hoạt động trong nông nghiệp bị rơi vào những yếu tố không thuận lợi. Bởi vậy, ngay cả nếu những người làm nông nghiệp ở Mỹ hay Brazil có quyết định gia tăng thêm sản xuất thì cũng không thể góp sức nhiều vào việc đẩy lùi nguy cơ đói kém trên quy mô toàn cầu.

Từ năm 2020, giá các loại phân hóa học như nitơ đã tăng lên gấp 4 lần, còn giá các loại phân hóa học phospho và kali cũng tăng lên hơn 3 lần. Công ty hàng đầu thế giới về phân hóa học Nutrien mới đây quyết định gia tăng thêm 20% sản lượng nhưng giá bán lại rất cao, có thể vượt quá tầm với của nhiều nền nông nghiệp.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc mới đây cũng cho biết, sự gia tăng giá bán lương thực sẽ làm tổn hại nhiều nhất tới Trung Đông và Bắc Phi. Và từ đói kém hiển nhiên sẽ sinh ra những bất ổn. Còn nhớ năm 2010, chính vì sự tăng giá lương thực đột biến đã khiến hàng chục quốc gia trong khu vực này bị nhấn chìm trong những bạo loạn chính trị mang tên “mùa xuân Arab”. Và chính quyền ở Ai Cập, Lybia đã bị lật đổ, tạo ra vô số những hệ lụy nguy hiểm tới tận ngày hôm nay. Những phản đối nhằm vào việc gia tăng giá lương thực cũng tạo ra những điều kiện thuận lợi để tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo mở rộng thêm ảnh hưởng của mình.

Theo chuyên viên Graham Gordon từ tổ chức phi lợi nhuận Catholic Agency for Overseas Development, mạng lưới đứng thứ hai về từ thiện trên thế giới sau tổ chức Chữ thập Đỏ, hiện nay, an ninh lương thực cũng cần phải được ưu tiên như an ninh năng lượng. Còn theo nhận định của trưởng cố vấn về nông nghiệp Eric Munoz từ tổ chức từ thiện Oxfam có trụ sở ở Nairobi: “Tình hình trong nhiều quan hệ đã rất gần với thảm họa và nếu không có một sự giúp đỡ đáng kể và cấp tốc, nó còn trở nên tồi tệ hơn nữa. Không thể có tín hiệu báo động nào rõ ràng hơn hiện nay, khi giá cả lương thực đã gia tăng lên mức cao ngất trời và nạn đói lại lan rộng. Giờ đã là lúc cần phải đả động tới vấn đề cải tổ lại các hệ thống lương thực toàn cầu...”. Những người ủng hộ một sự phát triển nông nghiệp bền vững hiện đã cất cao thêm giọng để kêu gọi tìm cách nâng cao sản lượng nông nghiệp mà không lạm dụng các loại phân hóa học. Nhưng đó có lẽ là một việc không dễ làm ở thời điểm hiện nay. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã tuyên bố về việc lập một quỹ với 250 triệu USD để đầu tư vào những loại phân hóa học do chính Mỹ sản xuất. Chính phủ Brazil cũng bắt đầu đầu tư vào sản xuất những loại phân hóa học khác thay thế cho những loại phân hóa học vẫn được nhập khẩu từ Nga. Còn Tổng thống Pháp Macron hồi đầu tháng 3 cũng đã tuyên bố gia tăng đầu tư vào hạ tầng nền nông nghiệp Pháp... Tuy nhiên, những cố gắng riêng lẻ này sẽ không đủ để làm đảo ngược lại xu thế nền nông nghiệp toàn cầu đang ngày một trở nên khó khăn hơn.

Theo các chuyên gia, mặc dầu tình hình lương thực ở thời điểm hiện nay chưa căng thẳng như năm 2010, nhưng trong tương lai gần, mọi sự có thể trở nên tồi tệ hơn rất nhiều khi hệ thống cung cấp nông phẩm toàn cầu đang ở trong tình trạng nguy ngập. Triển vọng một nạn đói nhỡn tiền có thể sẽ gây ra thêm nhiều bất ổn xã hội ở ngay cả những nước vốn có nền chính trị bền vững nhất.

HỒNG THANH QUANG