Những rối loạn nảy sinh khiến Liên minh châu Âu (EU) cảm thấy như đang phải đối mặt với một cuộc “chiến tranh tổng hợp”, mà vũ khí chính là sinh mệnh của những người di cư.

Thực ra, với EU thì khủng hoảng di cư từ những nơi mà phương Tây “gieo gió” với mục tiêu được tuyên truyền là chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế đã không còn là vấn đề gì lạ lẫm. Bị dồn vào thế bĩ cực bởi các hoạt động quân sự của liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu và NATO phối thuộc, cùng những cảnh chết chóc đẫm máu theo đúng nghĩa đen “từ trên trời rơi xuống”, nhiều cư dân ở các quốc gia, như: Iraq, Afghanistan, Syria, Lybia... đã phải gắng sức tìm mọi cách để đến những nơi mà họ cảm thấy có cơ hội để sống sót và an cư, tức là hướng tới những nền kinh tế phát triển ở châu Âu. Và bằng cách đó, họ cũng đã khiến các quốc gia mà họ tới phải xử lý thêm những vấn đề không hề dễ giải quyết. Khủng hoảng di cư vì thế cứ tồn tại dai dẳng hàng chục năm nay. Những sự cố lớn liên quan tới câu chuyện này xảy ra gần đây nhất là vào năm 2015.

Phần lớn những người “di cư bằng mọi giá” tới châu Âu là dân tị nạn từ các quốc gia bị liên lụy bởi cuộc chiến chống khủng bố quốc tế. Và EU đã bắt buộc phải chấp nhận ý tưởng mà nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra là mở cửa và đón nhận dòng người di cư như những người tị nạn chính trị. Berlin quyết định như vậy không hẳn chỉ vì lý do nhân đạo, mà trước hết là muốn tránh một sự bất ổn định nghiêm trọng đối với vùng Balkan và Hy Lạp đang bị nhấn chìm bởi dòng người di cư không thể kiểm soát nổi từ Syria, Afghanistan, Iraq, Albania, Pakistan và Eritrea. Theo số liệu của Cơ quan Biên phòng EU (Frontex), chỉ tính riêng trong năm 2015 đã có tới hơn 1,8 triệu người tràn qua biên giới EU để tìm nơi cư trú mới.

leftcenterrightdel
 Cảnh sát Ba Lan được triển khai tại cửa khẩu ở Kuznica, khu vực biên giới với Belarus khi dòng người di cư đổ về đây, ngày 11-11-2021. Ảnh: PAP/TTXVN

Tới giữa năm nay, sau khi quan hệ giữa Belarus và EU, vốn luôn căng thẳng trong những năm gần đây, trở nên đặc biệt xấu đi vì tháng 5 vừa qua, EU đã áp đặt thêm những lệnh trừng phạt đối với Minsk, Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko đã tuyên bố rằng, đất nước của ông sẽ không cố gắng nhiều như cũ để ngăn chặn dòng người di cư sang phía tây châu Âu. Tới tháng 6, lực lượng biên phòng Litva đã ghi nhận hiện tượng gia tăng đột biến những người di cư, chủ yếu từ Iraq vượt qua đường biên giới giữa Belarus và Litva một cách bất hợp pháp. Tới tháng 8, đã có hơn 4.000 người vượt biên bất hợp pháp bị phía Litva bắt giữ, tức là gấp 50 lần so với năm 2020. Chính quyền Vilnius đã phải dựng hàng rào ở biên giới và áp đặt tình trạng khẩn cấp. Một quốc gia vùng Baltic khác là Latvia cũng áp đặt tình trạng khẩn cấp ở những vùng giáp giới với Belarus. Kết quả là tình trạng căng thẳng đã nhất thời hạ nhiệt ở khu vực này. Tuy nhiên, vấn đề khủng hoảng di cư không vì thế mà biến mất. Và địa điểm nảy sinh những rắc rối tiếp theo là Ba Lan. 

Đa phần người di cư từ Trung Đông cũng như Afghanistan tới Belarus bằng đường hàng không. Theo số liệu của Belarus, có khoảng 25% số người di cư là phụ nữ và trẻ em. Trong tháng 8, đã có hơn 3.000 vụ mưu toan vượt đường biên giới Belarus-Ba Lan một cách trái phép và gần 900 người di cư bất hợp pháp đã bị lực lượng biên phòng Ba Lan bắt giữ. Nhưng đó chỉ là một phần của dòng người di cư sang EU. Theo tài liệu do các cơ quan chức năng Ba Lan cung cấp, những người bị bắt giữ này đều đã được chuẩn bị kỹ lưỡng để đi một hành trình dài. Họ không mang theo bất cứ giấy tờ nào, nhưng thường giấu trong y phục của mình hàng nghìn USD và những tấm bản đồ có đánh dấu đường đi lối lại rõ ràng. Ở Ba Lan, theo kế hoạch, họ sẽ được những kẻ buôn lậu chờ đón để đưa thẳng tới những thành phố lớn của Đức.

Đại diện chính thức của Ủy ban châu Âu Adalbert Jahnz đã thẳng thừng tuyên bố: “Tình hình trên biên giới Ba Lan-Belarus là một hình thức chiến tranh chống lại Ba Lan”. Thủ tướng Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia cũng đã ra tuyên bố chung “lên án” cái gọi là “cuộc chiến tranh tổng hợp” của Belarus. Còn Tổng thống Belarus Lukashenko thì luôn cho rằng, nguồn gốc của tai họa là những cuộc hành binh mà phương Tây tiến hành ở các quốc gia ngoại biên, khiến người dân ở đó lâm vào cảnh khốn cùng, phải tự đi tìm kế sinh nhai ở chính những nước đã gieo cho họ lửa đạn chiến tranh.

Ở thời điểm hiện nay, khi những sự cố liên quan tới khủng hoảng di cư ở khu vực biên giới giữa Belarus với Ba Lan đang được tích cực tháo gỡ thì lại xuất hiện những thông tin về việc có thể nảy sinh tình huống tương tự ở vùng biên giới giữa Belarus với Ukraine.

Không chỉ đổ lỗi cho Belarus, EU đang nhìn thấy trong cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay có “bàn tay của Moscow”. Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã trực tiếp gọi điện tới Moscow “nhờ” Tổng thống Nga Vladimir Putin “tác động” giúp tới Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thẳng thừng tuyên bố, Điện Kremlin không hề liên quan tới chuyện này. Theo ông, nếu EU thực sự muốn giải quyết vấn đề khủng hoảng di cư thì cần phải trực tiếp làm việc với Belarus.

Oái oăm ở chỗ, EU đã không công nhận kết quả bầu cử tổng thống ở Belarus hồi tháng 8-2020, nên không thể bỗng dưng lại ngồi vào bàn đàm phán với vị nguyên thủ mà họ không thừa nhận ở Minsk là ông Lukashenko. Tuy nhiên, vì không còn cách nào khác nên tới trung tuần tháng 11 này, EU đã phải chấp nhận việc sẽ đàm phán với Minsk để giải quyết những vấn đề ở vùng biên giới giữa Ba Lan với Belarus, dù theo họ nói, đó chỉ là các cuộc “thảo luận sơ bộ” hay “đàm phán kỹ thuật”.

Xem ra, cuộc khủng hoảng di cư hiện nay ở châu Âu sẽ không dễ dàng kết thúc... Bởi lẽ, lãnh đạo Belarus hay bất cứ quốc gia nào khác đều không thể dập tắt được khát vọng di dời để đổi đời của những người dân bị lâm vào cảnh khốn cùng trên chính quê hương họ, những đất nước đang bị dồn vào ngõ cụt bởi chính sách của các trung tâm quyền lực quốc tế lớn.

HỒNG THANH QUANG