Đây là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung đầu tiên kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền hồi tháng 1-2021, sự kiện mà dư luận hy vọng sẽ phá tan lớp băng đang làm tê liệt quan hệ giữa hai bên. Lâu nay, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã rơi vào tình trạng bất đồng toàn diện, từ lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự đến thương mại, nhân quyền... Các cuộc đấu khẩu không ngừng giữa hai bên trở thành chủ đề thường xuyên trên mặt báo chí hai nước.
Còn nhớ, tại cuộc gặp quan chức cấp cao hồi đầu năm 2021 ở bang Alaska lạnh lẽo, tranh cãi hai bên nóng đến mức biến thành trận khẩu chiến nảy lửa với những lời “đấu tố” mang âm hưởng của thời “chiến tranh lạnh”. Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Bắc Kinh “đe dọa trật tự dựa trên luật pháp giúp duy trì ổn định thế giới”, thì Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì cảnh báo Washington đang cố tình chèn ép nhằm “bóp nghẹt” Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Mỹ ngừng thúc đẩy “bản sao dân chủ” của mình ra thế giới.
    |
 |
Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình tại cuộc hội đàm. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Chưa hết, mới tháng trước, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho công bố một số cải cách nội bộ, trong đó đáng chú ý nhất là quyết định thành lập Trung tâm Đặc nhiệm Trung Quốc. Động thái trên, theo đánh giá của báo chí Mỹ, phản ánh quan điểm của cộng đồng tình báo nước này về việc Trung Quốc chính là “đối thủ chính” gây ra mối đe dọa lâu dài đối với Washington. Các quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Joe Biden cũng từng hé lộ tín hiệu về kế hoạch chuyển dịch nguồn lực của Mỹ sang cạnh tranh siêu cường với Trung Quốc bên cạnh nhiệm vụ chống khủng bố.
Thương mại cũng là chủ đề tranh cãi gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Sau cuộc tổng rà soát kéo dài nhiều tháng, bà Katherine Tai-Đại diện thương mại Mỹ tuyên bố sẽ phải tổ chức các cuộc đàm phán thẳng thắn với Bắc Kinh về việc nước này không thực hiện đầy đủ cam kết, được ký từ thời ông Donald Trump, mua bổ sung 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ đến hết năm 2021 để giảm thâm hụt thương mại giữa hai bên.
Trong bối cảnh đó, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được xem là cách duy nhất để hai bên tìm ra tiếng nói chung, đồng thời ngăn quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào vòng xoáy xung đột. Quả thật, nhìn vào danh sách các mối quan ngại giữa Mỹ và Trung Quốc, từ nguy cơ đụng độ trên biển, nhân quyền ở Tân Cương, vấn đề Đài Loan, dân chủ ở Hồng Công đến thâm hụt thương mại, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nguồn gốc virus SARS-CoV-2... thì có thể hiểu, chẳng ai ngoài lãnh đạo cao nhất ở Washington và Bắc Kinh mới có thể giải quyết được.
Điều mà người ta hy vọng có thể giúp hóa giải đối đầu Mỹ-Trung chính là sự ràng buộc về lợi ích giữa hai bên. Hơn ai hết, cả Washington và Bắc Kinh đều hiểu rằng mình sẽ bị ảnh hưởng nếu không hợp tác để cùng đối phó với các thách thức toàn cầu như đại dịch Covid-19, phục hồi nền kinh tế thế giới, chủ nghĩa khủng bố, biến đổi khí hậu... Thêm vào đó, những tính toán của Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc không đem lại kết quả như mong đợi. Theo con số thống kê, thâm hụt thương mại Mỹ-Trung đã tăng từ 28,6 tỷ USD trong tháng 7-2021 lên 31,7 tỷ USD trong tháng 8 vừa rồi, mức chênh lệch lớn nhất tính từ tháng 7-2019. Các công ty công nghệ cao của Trung Quốc cũng đang lao đao bởi những lệnh cấm từ phía Mỹ.
Làm sao kiểm soát mối quan hệ Mỹ-Trung, để cuộc đua siêu cường không nóng đến mức bùng nổ thành xung đột là bài toán mà cả Washington và Bắc Kinh đều tính toán khi đến với cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến lần này. Điều chỉnh là điều bắt buộc nhưng không phải để hai bên quay lại như những đối tác thân thiện trong quá khứ mà vẫn là “những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ” nhưng biết cách chế ngự sự cạnh tranh đó một cách có trách nhiệm.
Nước Mỹ sẽ “bớt tập trung vào việc cố gắng làm chậm tốc độ phát triển của Trung Quốc mà chú trọng nhiều hơn vào việc cố gắng chạy nhanh hơn Trung Quốc”, như lời của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Washington cũng không còn muốn đơn phương trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh mà chuyển sang huy động các đồng minh cũng như các đối tác ở châu Âu và châu Á để tăng đòn bẩy đối với Trung Quốc. Bằng chứng rõ nhất là sự ra đời của AUKUS-liên minh quân sự giữa Mỹ, Anh và Australia nhằm làm đối trọng với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương.
Trung Quốc cũng không muốn căng thẳng kéo dài với Mỹ khi trong bài phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương diễn ra gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: “Khu vực châu Á-Thái Bình Dương không thể và không nên tái diễn sự đối đầu và chia rẽ của thời kỳ chiến tranh lạnh”. Trong một động thái mà dư luận mô tả là “hiếm hoi”, Trung Quốc đã đồng ý cùng Mỹ đưa ra tuyên bố chung về hợp tác chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP26 của Liên hiệp quốc ở Glasgow, Scotland.
Quan hệ Mỹ-Trung đang có những điều chỉnh. Thiết lập khuôn khổ đối thoại song phương để hạn chế xung đột và chuyển một số lĩnh vực từ đối đầu sang hợp tác là những bước đi mà Mỹ và Trung Quốc sẽ có thể sớm thực hiện. Căng thẳng sẽ giảm bớt nhưng cạnh tranh chiến lược vẫn không đổi và những thay đổi chỉ là biện pháp tạm thời để hai bên có thời gian đầu tư nhiều hơn cho cuộc đua siêu cường khốc liệt trong tương lai.
TƯỜNG LINH