Theo nhiều nhà quan sát, kết quả thực tế từ COP26 còn rất khiêm tốn vì đã có quá nhiều "lời vàng ý ngọc" nhưng lại không nhiều biện pháp thực hiện hiệu quả cam kết. Không ngẫu nhiên mà Nữ hoàng Anh Elizabeth tháng 10 vừa qua, trước khi hội nghị diễn ra, đã nói riêng với con trai mình là Thái tử Charles ngoài hành lang nghị viện xứ Wales rằng, bà rất khó chịu với những chính trị gia nói nhiều về khí hậu nhưng lại chẳng làm gì cả. Lời than thở này đã lọt ra ngoài vì bà không biết cái micro đặt trước bà vẫn hoạt động chứ không bị tắt đi.

leftcenterrightdel

Các bạn trẻ tuần hành kêu gọi hành động tại Hội nghị COP26. Ảnh: Reuters

Một điều rất đáng chú ý là, trong số các nước được coi là hàng đầu hiện nay, hai vị nguyên thủ là Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không tới Glasgow lần này. Tranh thủ tình huống này, Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một số phát biểu của mình đã gièm pha những người đồng cấp ở hai quốc gia trên, mà nói một cách thực chất, đang bị Washington coi là những đối thủ hàng đầu của mình trong các công chuyện quốc tế.

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, vì lãnh đạo Nga và Trung Quốc không tới Glasgow lần này nên ông cho mình quyền hoài nghi về sự quan tâm của họ đối với cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Tại cuộc họp báo ở Glasgow, ông Biden tuyên bố rằng, Trung Quốc đã bỏ lỡ một cơ hội tác động tới mọi người trên khắp thế giới và tới những người tham dự hội nghị.

Ông cũng nói quá lên rằng, Nga và Trung Quốc đã rời bỏ việc xử lý vấn đề khí hậu đang liên đới đến cả thế giới, “từ Iceland tới Australia”. Và khi nói tới Trung Quốc, Tổng thống Mỹ đã đặt ra câu hỏi: “Hành xử như thế thì làm sao có thể đua tranh đóng vai trò thủ lĩnh?”.

Đề cập đến Tổng thống Nga, ông Biden cho rằng ông Putin đã phạm phải sai lầm tương tự Chủ tịch Trung Quốc. Tổng thống Mỹ còn nói về Tổng thống Nga: “Ông ấy đang bị cháy rừng taiga. Theo đúng nghĩa đen là tài nguyên của ông ấy đang bị cháy. Ông ấy có những vấn đề nghiêm trọng về khí hậu, nhưng lại không nói gì về những ý định giải quyết chúng...”.

Tuy nhiên, theo nhận xét của bình luận viên Dominic Lawson trong bài viết ngày 8-11 trên tờ The Times của Anh, chính sự không có mặt của hai nguyên thủ Nga và Trung Quốc đã giúp cho họ tránh bị buộc tội “giả lễ chúa Mường”, vì tại Glasgow đã hiện rõ cảnh nhiều phát ngôn và cam kết mạnh mẽ của các chính trị gia thực chất chỉ là những lời "chém gió"...

Lời xin lỗi của Tổng thống Joe Biden trước đại diện các thành viên tham gia COP26 về việc người tiền nhiệm Donald Trump đã đơn phương rút nước Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu vì những lý do kinh tế có thể không muộn màng nhưng cũng không có nhiều sức nặng vật chất.

Ông Biden khẳng định rằng, cuộc đấu tranh chống lại những thay đổi của khí hậu nhìn từ góc độ "cùng tắc biến" lại mở ra những triển vọng kinh tế to lớn. Vì theo ông, những phát kiến công nghệ mới sẽ giúp tạo ra hàng triệu việc làm. Tuy nhiên, phái đoàn Mỹ ở Glasgow lại không đưa ra bất cứ một kế hoạch cụ thể nào nhằm cứu rỗi khí hậu đang bị đày đọa bởi quá nhiều nguy cơ hiện nay. Trong khi đó, Moscow và Bắc Kinh thông qua các đoàn công tác của mình ở Glasgow trình bày không ít sáng kiến và cam kết cụ thể trong việc chống biến đổi khí hậu.

Thái độ của Tổng thống Joe Biden tại Glasgow trong những vấn đề liên quan tới Nga và Trung Quốc vẫn chỉ là sự tiếp nối chính sách chung của nước Mỹ đối với hai đối thủ hàng đầu hiện nay của mình. Có thể thấy rằng, trong các hoạt động thực tế, Washington không từ bỏ khát vọng “cầm trịch” trong các công việc toàn cầu. Tiềm năng của nước Mỹ có thể giúp người Mỹ tự tin vào vai trò dường như đã được chọn của mình.

Tuy nhiên, khác với thời của Tổng thống Mỹ thứ 45 Donald Trump, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chọn chiến thuật khiêm nhường trong lời nói để có thể mạnh bạo hơn trong hành động. Kênh truyền hình CNN ngày 7-11 dẫn lời của trợ lý Tổng thống Mỹ Jake Sullivan thông báo, ông Biden đã từ bỏ nguyên tắc “nước Mỹ trên hết” (American first) vì cho rằng, một chính sách như thế thực chất rất có hại cho Washington.

Nguyên tắc này từng được người tiền nhiệm-ông Donald Trump đưa ra trong nhiệm kỳ của mình. Trợ lý Tổng thống Mỹ cho biết: “Ông Biden đã rời bỏ chính sách của ông Trump một cách nguyên tắc và bác bỏ phương châm “nước Mỹ trên hết”. Ông còn chỉ ra rằng, nguyên tắc “nước Mỹ trên hết” thực chất lại đẩy nước Mỹ xuống vị trí cuối cùng”.

Trước đó, ông Biden từng tuyên bố, chính quyền mới ở Mỹ sẽ tung ra những thách thức đối với các đối thủ của mình và không chối bỏ các đồng minh. Ông nhấn mạnh: “Nước Mỹ đã trở lại với thế giới và sẵn sàng đưa đường mở lối, chứ không rời đi”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, không thể giải quyết các vấn đề đang tồn tại “bằng cách sử dụng tư duy cũ và những thói quen bất biến”.

Trong khi đó, ông Trump lại hết lời gièm pha các chính sách của người kế nhiệm. Ông Trump cho rằng, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đang làm hại nước Mỹ bằng đường lối chính trị của mình. Tháng 9 vừa qua, ông Trump đã tuyên bố rằng, với chính quyền mới, nước Mỹ “đang rơi vào tình trạng suy sụp hơn bao giờ hết”.

Ông Trump cũng cho rằng, sau khi ông Biden chiếm lĩnh Nhà Trắng, Bắc Kinh, Moscow và Tehran đã bắt đầu “hạ nhục” Washington. Cựu Tổng thống Mỹ cũng cho rằng, ông Biden đã không đoàn kết được nước Mỹ lại, bất chấp những lời hứa rất hay ho khi tiến hành các chiến dịch vận động tranh cử.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Joe Biden vẫn không từ bỏ thái độ nhiều phần thù địch đối với Moscow và Bắc Kinh trong cả lời nói và việc làm. Dường như với Nhà Trắng, vẫn như trước đây, việc chú mục tuyên truyền vào các kẻ thù ở bên ngoài luôn giúp làm giảm sức ép xã hội vì những bất lực trong giải quyết các vấn đề bên trong. Và có thể nói, 3 siêu cường quân sự hàng đầu thế giới này hiện vẫn tiếp tục ở trong một hình tam giác phức tạp đến căng thẳng.

Nga và Trung Quốc trong thực tế đang là đối tác chiến lược của nhau nhưng về hình thức, không tự lập ra một liên minh công khai chống lại Mỹ và các đồng minh của Mỹ, dù Washington không ngừng tăng lực cho NATO để đối đầu với Nga và đang cố gắng củng cố những mối quan hệ chặt chẽ hơn với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để đối trọng với Trung Quốc.

Chính những hoạt động như thế sẽ có thể làm rối rắm thêm các yếu tố địa chính trị ở những nơi mà Washington coi là có lợi ích chiến lược và chiến thuật của nước Mỹ...

HỒNG THANH QUANG