Vòng thương lượng thứ hai, trong khuôn khổ Hội đồng Nga-NATO, diễn ra ngày 12-1 tại Brussels (Bỉ). Hai bên vẫn giữ nguyên những góc nhìn trái ngược của mình đối với đề nghị của Nga về những cam kết bảo đảm an ninh ở châu Âu.
Ngày 13-1, trả lời phỏng vấn Kênh truyền hình RTV1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đã tuyên bố: Ở thời điểm hiện nay, nước Nga không có cơ sở để tiến hành các cuộc gặp gỡ mới với đại diện của Mỹ về những cam kết bảo đảm an ninh ở châu Âu. Đơn giản vì Mỹ và NATO không muốn từ bỏ kế hoạch mở rộng ra phía đông, như Moscow đang khẩn thiết yêu cầu.
    |
 |
Từ trái sang: Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko và Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin tại cuộc họp Hội đồng Nga-NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 12-1. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Khi các nhà ngoại giao cảm thấy bất lực, thì đó sẽ là lúc những biện pháp sử dụng uy lực được áp dụng. Theo các phương tiện truyền thông, có vẻ như Moscow đã tập trung một lượng vũ khí không nhỏ ở khu vực biên giới giáp với Ukraine, tạo cảm giác dường như có thể sẽ có một sự binh đao nào đó xảy ra nếu phương Tây vẫn tiếp tục không chịu đưa ra cam kết về việc Kiev sẽ không bao giờ gia nhập NATO... “Mềm” thì bị nắn, liệu “rắn” sẽ được buông tha?
Trong bối cảnh hiện nay, dường như Mỹ và NATO sẽ khó có thể không bày tỏ nguyện vọng muốn tiếp tục đối thoại với Nga. Nội dung những cuộc trao đổi điện thoại giữa Ngoại trưởng Blinken với Tổng thư ký NATO Stoltenberg sau khi kết thúc thương lượng Nga-NATO ngày 12-1 cũng cho thấy điều này.
Theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, Mỹ và NATO “trung thành với chính sách tác động ngoại giao và đối thoại với nhau”. Washington và các đồng minh trong NATO cũng đưa ra lời kêu gọi Moscow khẩn cấp đưa ra những biện pháp làm giảm sức nóng trong cái gọi là “cuộc xâm lăng đang được tiến hành chống lại Ukraine”...
Tuy nhiên, theo các phương tiện truyền thông của Mỹ: Để đề phòng những diễn biến không như ý, Nhà Trắng hiện đang xem xét khả năng tổ chức huấn luyện quân sự cho những tình nguyện viên Ukraine tại những quốc gia lân cận là thành viên của NATO, thí dụ ở Ba Lan, Rumani hay Slovakia. Đồng thời, Mỹ và NATO cũng đang xem xét khả năng hỗ trợ phương tiện y tế hay thậm chí cả vũ khí trong trường hợp chiến tranh nổ ra ở Ukraine...
Các nhà quan sát cho rằng, ở thời điểm hiện nay, phương Tây cần những cuộc thương lượng với Nhà Trắng để tập trung sự chú ý vào những chủ đề mà họ quan tâm. Tuy nhiên, Moscow không phải là chú gấu ngờ nghệch để Mỹ và NATO lừa mị vào những lối cũ bất lợi cho nước Nga. Nhiều quan chức ở Moscow cho rằng, Mỹ và NATO hiện nay chỉ muốn “câu giờ” trong quan hệ với Nga chứ không thay đổi bản chất câu chuyện an ninh ở châu Âu. Và có lẽ Moscow sẽ không còn cách nào khác ngoài việc tự mình cứu lấy mình bằng những biện pháp cứng rắn vì không còn chỗ nào để lùi nữa trong quan hệ với phương Tây...
Thực tế cũng cho thấy, Washington vẫn tiếp tục duy trì cách hành xử đầy mâu thuẫn trong cách giải quyết các vấn đề liên quan tới an ninh quốc tế và các khu vực ảnh hưởng của các quốc gia lớn. Đương kim Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng không chỉ một lần nhấn mạnh rằng, “không một nước nào có quyền ép buộc chính sách cho nước khác hoặc chỉ bảo nước khác nên chơi với ai. Không một nước nào có quyền thực thi chính sách “khu vực ảnh hưởng”. Khái niệm đó cần phải vứt bỏ vào bãi thải của lịch sử”.
Thế nhưng, theo như giáo sư môn báo chí và khoa học chính trị tại Trường Đại học thành phố New York, bình luận viên chính trị Peter Beinart viết trên tờ Thời báo New York mới đây, từ gần 200 năm nay, chính Washington đã thực thi ở “Tây bán cầu của mình” chính sách đó. Còn nhớ, vị Tổng thống Mỹ thứ năm James Monroe (nhiệm kỳ từ năm 1817 tới 1825) trong thông điệp thường niên thứ bảy của mình gửi quốc hội đã tuyên bố rằng, Hoa Kỳ cần phải coi bất cứ một mưu toan nào của các cường quốc khác “tạo dựng ảnh hưởng của mình tới bất cứ nơi nào thuộc nửa bán cầu này là những sự vi phạm nguy hiểm đối với hòa bình và an ninh của chúng ta”!
Cũng Giáo sư Peter Beinart trên tờ Thời báo New York nhận xét, bất chấp lời tuyên bố rất hào nhoáng của ông Blinken, như thực tế ở châu Mỹ Latinh cho thấy, không hề có biểu hiện nào chứng tỏ Washington muốn thay đổi nguyên tắc mà Tổng thống James Monroe đã nêu ra. Năm 2018, cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trong nội các của Tổng thống Donald Trump) đã khẳng định rằng học thuyết Monroe “vẫn còn nguyên tính thời sự trong giai đoạn hiện nay như khi nó đã được lập ra”.
Và một năm sau đó, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, ông John Bolton, cũng tuyên bố “học thuyết Monroe vẫn sống và khỏe mạnh cho tới ngày hôm nay”. Tất nhiên, thời thế mới đòi hỏi kiểu hành xử mới, hiện nay, không phải trong bất cứ biến động nào, Washington cũng ngay lập tức phái lực lượng lính thủy đánh bộ tới nơi châu Mỹ Latinh hay khu vực biển Caribe như trong “chiến tranh lạnh”. Thay vào đó là các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với những quốc gia mà Washington coi là “cứng đầu cứng cổ”.
Nhà Trắng có thể vẫn coi chính sách cấm vận đối với các nước khác, như với Cuba chẳng hạn, là phương thức để phát triển dân chủ, nhưng tuyệt đại đa số các quốc gia trên thế giới đều coi đó như cách hù dọa, trấn áp về chính trị... Năm 2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã lên án chính sách cấm vận của Mỹ với số phiếu 184 ủng hộ và chỉ có 2 phiếu chống...
Các quan chức trong nội các của đương kim Tổng thống Joe Biden không công khai ca ngợi học thuyết Monroe nhưng trong thực tế, Washington hiện nay vẫn tiếp tục thực thi những chính sách đối ngoại truyền thống trong tinh thần cũ của các nhiệm kỳ trước. Cũng Giáo sư Peter Bainart trên tờ Thời báo New York nhận xét: “Họ vẫn tiếp tục ức hiếp các quốc gia láng giềng của nước Mỹ. Ông Joe Biden không giảm sự cấm vận đối với Cuba. Ông cũng không chấm dứt những nỗ lực của ông Donald Trump trong việc cắt đứt Venezuela ra khỏi hệ thống thương mại thế giới... Chính sách này có thể là lời cảnh báo đối với những chính phủ Mỹ Latinh khác về việc ai không tuân lệnh Washington đều có thể vấp phải những hệ lụy nghiêm trọng...”.
Cũng thực tế cho thấy, Washington đã luôn sẵn sàng triển khai lực lượng quân sự tới bất cứ một nơi nào trên thế giới mà họ coi là có thể ảnh hưởng tới an ninh và lợi ích của mình. Tại những điểm nóng gay cấn nhất thế giới đầu thế kỷ 21 đều có dấu vân tay của quân đội Mỹ... Trong bối cảnh này, làm sao để lãnh đạo các cường quốc như Nga hay Trung Quốc có thể tin vào sự thành tâm và những tuyên bố nghe rất có tình có lý nhưng lại không được áp dụng thật vào thực tế vang lên ở Washington?
HỒNG THANH QUANG