Sau nhiều lần trì hoãn bởi dịch Covid-19 và các yếu tố khách quan, Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa Mỹ và các nước ASEAN diễn ra từ ngày 12 đến 13-5 tại thủ đô Washington. Đây là lần đầu tiên, một hội nghị có quy mô và tầm vóc lớn như vậy được Mỹ và ASEAN tổ chức. Sự kiện đặc biệt này không chỉ là dịp để hai bên chính thức kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao mà còn là diễn đàn để Mỹ và ASEAN khẳng định những cam kết lâu dài, cùng nhau hướng tới tương lai.
|
|
Tổng thống Mỹ Joe Biden dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các lãnh đạo ASEAN vào tháng 10-2021 - Ảnh: REUTERS |
Nhìn lại gần nửa thế kỷ qua, có thể nói, quan hệ Mỹ-ASEAN đã vượt qua một chặng đường dài với nhiều dấu ấn. Mối quan hệ đó được bắt đầu vào năm 1977 và nâng cấp thành đối tác chiến lược vào năm 2015. Những số liệu thống kê trước đại dịch Covid-19 cho thấy, ASEAN là điểm đến đầu tư hàng đầu của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Với tổng số vốn hơn 330 tỷ USD, đầu tư trực tiếp (FDI) của Mỹ tại khu vực này còn lớn hơn so với toàn bộ số vốn FDI của Mỹ tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ cộng lại. ASEAN còn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 đối với hàng hóa của Mỹ, giúp tạo ra gần nửa triệu việc làm.
Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi triển vọng phát triển của mối quan hệ này luôn nằm trong tâm điểm quan tâm của dư luận. Ngay trước khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN diễn ra, một nghị quyết đã được giới thiệu tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, hoan nghênh sự kiện đặc biệt giữa Mỹ và ASEAN, đồng thời kêu gọi hai bên tiếp tục hợp tác thúc đẩy các lợi ích chung. Tổng thống Mỹ Joe Biden từng khẳng định: “Mối quan hệ giữa Mỹ và ASEAN có vai trò quan trọng và sống còn đối với tương lai tất cả một tỷ người dân của chúng ta. Quan hệ đối tác của chúng ta là cần thiết để duy trì một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, vốn là nền tảng của an ninh và thịnh vượng chung của chúng ta trong nhiều thập niên”.
Xét về tiềm năng, Mỹ và ASEAN là những đối tác có nhiều điểm bổ trợ lẫn nhau. Nếu như Mỹ là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, có ưu thế vượt trội về công nghệ và nguồn vốn thì với số dân 650 triệu người và tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5%, tổng GDP đạt mức gần 3.000 tỷ USD, dân số trẻ và đam mê công nghệ, ASEAN hiện là một trong những khu vực năng động nhất của thế giới, một địa chỉ quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đây là cơ sở để tại hội nghị thượng đỉnh lần này, hai bên có thể bàn thảo và vạch ra những định hướng lớn về hợp tác trong tương lai. Đó là việc tiếp tục nâng cấp quan hệ giữa Mỹ và ASEAN; cùng nhau cam kết theo đuổi một chương trình nghị sự kinh tế mạnh mẽ, cũng như tái khẳng định tầm quan trọng của can dự kinh tế giữa Mỹ và ASEAN; triển khai các sáng kiến kinh tế chiến lược như sáng kiến kết nối Mỹ-ASEAN. Đó là hợp tác với ASEAN nhằm xử lý các thách thức trên biển; thúc đẩy các bên liên quan tới tranh chấp trên biển tại khu vực ngừng các hoạt động có thể phương hại tới ổn định, làm phức tạp tranh chấp, phản đối các hành động của bất kỳ quốc gia nào nhằm ngăn cản quốc gia khác thực thi quyền chủ quyền đối với tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa...
Trong bối cảnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang nổi lên như là khu vực của tương lai nhưng lại là nơi diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt giành ảnh hưởng giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN còn thu hút sự quan tâm về tính toán của Mỹ với khu vực nhằm tìm lợi thế trong cuộc đua với Trung Quốc. Còn nhớ, sau khi lên nắm quyền, ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại tự do mà chính Washington là người khởi xướng. Điều này khiến dư luận cho rằng, Mỹ đang thu hẹp tầm ảnh hưởng ở khu vực, trong đó có Đông Nam Á, trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trên thực tế, Mỹ đã tụt hậu so với Trung Quốc trong quan hệ thương mại với ASEAN. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã gia tăng đáng kể thương mại song phương với các nước ASEAN thông qua việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, có hiệu lực vào năm 2010. Năm 2020, thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc đạt 685,28 tỷ USD, trong khi con số đó giữa ASEAN và Mỹ là 362,2 tỷ USD.
Không những thế, Trung Quốc và ASEAN còn là một phần của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm 30% nền kinh tế toàn cầu. RCEP có khả năng sẽ tiếp tục thu hút ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong ASEAN sau khi có hiệu lực vào năm 2022. Để so sánh, Mỹ chỉ có một hiệp định thương mại tự do với một quốc gia ASEAN là Singapore.
Nhằm lấp khoảng cách đó, tại hội nghị thượng đỉnh lần này, Mỹ sẽ tìm cách lấp đầy khoảng trống kinh tế với ASEAN bằng một khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới, tập trung vào thương mại, kinh tế kỹ thuật số, công nghệ, chuỗi cung ứng và năng lượng sạch... Định hướng này được đưa ra dưới thời Tổng thống Donald Trump nhưng được cụ thể hóa rõ hơn sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền. Mục đích là làm sao khẳng định với châu Á, trong đó có Đông Nam Á, rằng khuôn khổ kinh tế mới này của Mỹ không chỉ tập trung vào những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với Mỹ mà bỏ qua những vấn đề mang tính cấp bách đối với các nền kinh tế của châu Á.
Chưa thể nói quan hệ Mỹ-ASEAN đã khai thác hết tiềm năng nhưng mối quan hệ đối tác chiến lược này luôn có sự hậu thuẫn là nỗ lực và mong muốn thúc đẩy từ cả hai phía, vì lợi ích chung của người dân ASEAN và người dân Mỹ.
TƯỜNG LINH