QĐND - Dù vừa quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga thêm 6 tháng nhưng trên thực tế, đã xuất hiện một số động thái thể hiện sự “xuống thang” của Liên minh châu Âu (EU).
Động thái gần đây nhất, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Dozhd của Nga ngày 30-12-2015, Đại sứ EU tại Nga, ông Vi-gô-đa U-xác-ca (Vygaudas Usackas) đã nhấn mạnh, là những đối tác kinh tế quan trọng của nhau, hai bên (EU và Nga) đều quan tâm tới việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt lẫn nhau và hướng tới bình thường hóa quan hệ. Nhà ngoại giao EU cũng đánh giá, trong mối quan hệ giữa EU và Nga, phần lợi ích chiếm ưu thế so với những bất đồng.
Ông Vi-gô-đa không phải là người có tiếng nói quyết định trong việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt được EU áp đặt đối với Nga. Tuy nhiên, việc đặt lợi ích lên trên bất đồng của nhân vật đại diện cho EU tại Nga cũng mang ít nhiều ý nghĩa.
Kể từ tháng 7-2014, Mỹ và EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhiều lĩnh vực thuộc nền kinh tế Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng U-crai-na (Ukraine). Đáp lại, Mát-xcơ-va (Moskva) cũng đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu lương thực, thực phẩm và nhiều mặt hàng khác từ các nước thành viên EU.
Kết cục, các bên liên quan đến các lệnh trừng phạt đều đã hứng chịu hậu quả nặng nề. Nền kinh tế Nga thiệt hại hàng trăm tỷ USD và chính thức lâm vào tình trạng suy thoái. Trong khi đó, theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Áo, các nước EU chịu những thiệt hại nặng nề hơn so với Nga. Nếu EU tiếp tục duy trì trừng phạt thương mại Nga sẽ dẫn đến một thực tế là I-ta-li-a (Italia) mất hơn 200.000 việc làm và kinh tế giảm 0,9%; Pháp mất gần 150.000 việc làm và kinh tế giảm 0,5%; Ê-xtô-ni-a (Estonia), nước có quan hệ sâu rộng với nền kinh tế Nga nhất, sẽ mất đi khoảng 16% GDP; kinh tế Đức sẽ giảm hơn 1%...Tổng cộng, con số thiệt hại của châu Âu cũng lên tới hàng trăm tỷ euro và mất hơn 2 triệu việc làm.
“Lưỡng bại câu thương”, các biện pháp trừng phạt qua lại giữa EU và Nga đã và đang khiến cả hai bên thiệt hại nặng nề. Đặc biệt, sự thiệt hại ấy càng thêm trầm trọng đối với EU trong bối cảnh khối này vẫn chưa thực sự thoát khỏi những tác động xấu của cuộc khủng hoảng nợ công vừa diễn ra.
Trái ngược với EU, nước Nga đã tìm ra con đường để tìm lại sự cân bằng. Trong đó, nổi bật là bản hợp đồng cung cấp khí đốt trị giá tới 400 tỷ USD ký với Trung Quốc. Các doanh nghiệp Nga cũng đã năng động mở hướng hợp tác chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp ngoài khu vực châu Âu. Và kết quả là, đến giữa năm 2015, nền kinh tế Nga đã vượt qua giai đoạn đỉnh điểm của khủng hoảng với những dấu hiệu ổn định hoạt động kinh doanh.
Những biện pháp trừng phạt của EU, cộng với việc giá dầu-mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP của Nga-suy giảm mạnh đã khiến nền kinh tế Nga gặp vô vàn khó khăn. Thế nhưng, nếu tiếp tục duy trì lệnh trừng phạt Nga, EU cũng trở thành một “kẻ thảm bại”. Trong khi, vấn đề U-crai-na mang tính chất hình thức (về chính trị) hơn là thực chất (về kinh tế). Vì thế, để thoát tình cảnh sa lầy trong thế “lưỡng bại câu thương”, cả Nga và EU đều đang ý thức cần thiết của việc nhanh chóng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt lẫn nhau.
HUY ĐĂNG