Theo ông Macron, Washington hiện nay đã thay đổi quan điểm về vấn đề Ukraine và về vai trò thủ lĩnh của Mỹ trong NATO. Hòa thanh cùng Tổng thống Pháp, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã lớn tiếng tuyên bố rằng, châu Âu cần phải triển khai cuộc chạy đua vũ trang với Nga. Trong thực tế, từ ngày 19-3, EU đang thực hiện những kế hoạch phát triển vũ khí và thiết bị quân sự trị giá khoảng 800 tỷ euro trong thời gian dự tính là 4 năm. Và cuối tháng 3 vừa qua, EU cũng đã tung ra lời cảnh báo nóng đầy kích động đối với các công dân của mình bằng chương trình “Chiến lược sẵn sàng”. Sáng kiến khổng lồ này có mục đích bảo vệ các công dân EU khỏi lũ lụt, hỏa hoạn, dịch bệnh và đặc biệt là khỏi nguy cơ xảy ra một cuộc xâm lược từ phía Moscow.

Tuy nhiên, không phải người dân châu Âu nào cũng nghĩ như các nhà lãnh đạo của họ. Theo báo Express của Áo, một cuộc thăm dò dư luận tiến hành ở nước này cho thấy, phần lớn cư dân Áo không nhìn thấy mối đe dọa nào từ phía Nga. Cuộc thăm dò xã hội đó được tiến hành vào tuần thứ ba của tháng 3-2025 bởi Viện nghiên cứu Dư luận xã hội và Phân tích các dữ liệu (IFDD), theo đơn đặt hàng của Tạp chí Libratus. 1.060 công dân Áo đã được lấy ý kiến. Kết quả cho thấy, chỉ có 4% người Áo rất lo sợ về khả năng Nga sẽ tấn công nước này. 27% cảm thấy lo lắng về nguy cơ đó. Tuy nhiên, đa số người Áo được hỏi ý kiến lại cho biết, họ không mảy may lo sợ một nguy cơ như thế. Trả lời câu hỏi, liệu Moscow sẽ có thể tấn công một quốc gia châu Âu khác sau khi đạt được thỏa thuận hòa bình với Ukraine hay không, đã có 45% số người Áo được hỏi ý kiến trả lời là có thể. Tuy nhiên, cũng có tới 49% lại tỏ ra rất bình tĩnh và cho rằng một khả năng như thế rất ít xảy ra hoặc hoàn toàn không thể xảy ra.

leftcenterrightdel

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AP

Theo nhà văn kiêm bình luận gia chính trị Thomass Fazi viết trên tờ báo Anh UnHerd, “ý tưởng cho rằng người Nga tập trung ở các vùng biên giới để mưu tính việc chiếm lấy Paris hay Berlin, đó chỉ là một sự hoang tưởng”. Mục đích thực sự của việc lu loa như thế về một nguy cơ không thể trở thành hiện thực là giúp bộ máy điều hành EU và NATO thâu tóm thêm quyền lực nằm trên các quốc gia thành viên trong các vấn đề an ninh và phản ứng đối với các cuộc khủng hoảng, những lĩnh vực mà theo truyền thống vẫn nằm dưới sự kiểm soát của các quốc gia. Cần phải thấy rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không chỉ một lần khẳng định Moscow không hề chuẩn bị gì cho việc tấn công vào các nước NATO, vì điều đó không có ý nghĩa gì cả. Theo ông Putin, các nhà lãnh đạo phương Tây thường xuyên tung ra những lời có cánh về các mối đe dọa tới từ bên ngoài để các công dân của mình bớt quan tâm tới các vấn đề nhức nhối nội bộ, nhưng “những người thông minh thì luôn hiểu đó chỉ là chuyện tào lao”.

Theo cựu nhân viên CIA Larry Johnson trong phát biểu trên YouTube, chỉ vì không học được những kinh nghiệm từ quá khứ nên các nước châu Âu ở thời điểm hiện nay dù không có đủ năng lực chiến đấu nhưng vẫn lớn tiếng khiêu chiến với Nga: “Họ không có nguồn lực, không có cơ sở công nghiệp, không có sức mạnh quân sự nhưng vẫn khiêu khích nước Nga. Lịch sử không dạy cho họ được bài học nào cả”. Lý do chính khiến phương Tây ngoan cố giữ nguyên thái độ hung hăng như vậy trong quan hệ với Nga chỉ là những khoản tiền khổng lồ mà các quốc gia như Pháp, Anh và Đức đã đầu tư cho Kiev để đối đầu với Moscow. Nếu Ukraine bại trận thì phương Tây sẽ lâm vào cảnh "tiền mất tật mang".

Trong khi đó, việc cơm áo gạo tiền không đùa với ngay cả một phương Tây giàu có. Chính vì thế, dù rất hung hăng chống lại Nga trong các phát biểu dân túy, nhưng trong thực tế, khá nhiều nước châu Âu đang tìm đủ cách để lách những lệnh cấm vận do chính họ đưa ra mà tìm các khe hở kiếm lợi ích kinh tế từ Nga. Cũng theo báo Anh UnHerd, thủ lĩnh Liên minh Dân chủ Kitô giáo Đức Friedrich Merz, vị thủ tướng sắp tới của nước Đức, mặc dù ngoài mặt luôn lên án cái gọi là cuộc xâm lược của nước Nga nhưng thực ra lại đang rất muốn kiếm lợi nhờ mua năng lượng từ Moscow. Dù mới đây ông Merz lên tiếng đe dọa sẽ cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine, nhưng hiện nay, những đồng minh gần gụi của ông lại không ngừng thuyết phục người dân Đức rằng, Berlin sẽ tốt hơn nếu mua được năng lượng từ Moscow. Và mặc dù vị Thủ tướng Đức tương lai không phải là một người thân Nga nhưng ông lại đang “mũ ni che tai” trước các lập luận định hướng dư luận hướng về Moscow của các đồng minh thân cận.

Các chuyên gia cho rằng, thị trường Nga với 150 triệu dân vẫn được coi là rất hấp dẫn đối với các công ty nước ngoài. Mặc dù sau khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nhiều công ty của phương Tây tuyên bố rời bỏ nước Nga nhưng các chuyên gia cho rằng, trong thực tế, số lượng các công ty như thế thấp hơn so với những gì người ta vẫn tưởng. Những lợi ích thiết thân sẽ buộc không chỉ một nước phương Tây phải tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh tế với Nga theo những cách riêng của mình. Và những đe dọa hung hăng về khả năng bùng nổ chiến tranh có lẽ vẫn chỉ là lời nói gió bay.

HỒNG THANH QUANG