Đầu tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh mở kho dự trữ chiến lược, xả 50 triệu thùng dầu vào thị trường tiêu thụ nhằm ngăn chặn giá dầu tăng cao. Dự kiến từ giữa tháng hoặc cuối tháng 12 này, những thùng dầu tăng cường sẽ rời kho dự trữ. Với sự hối thúc của Mỹ, các nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh cho biết cũng sẽ mở kho dầu dự trữ của mình. 

Đây là lần mở kho hiếm hoi, đồng thời là đợt xả hàng lớn nhất kể từ khi kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ được thành lập năm 1970 với mục đích ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng giá dầu. Lần cuối cùng một quyết định tương tự được áp dụng diễn ra cách đây đã khá lâu, vào năm 2011, khi cuộc nội chiến ở Libya khiến giá dầu nhảy vọt.

Điểm đáng chú ý nữa, đây còn là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ tiến hành chiến dịch phối hợp đa quốc gia cùng với các nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới để kiềm chế giá dầu. 

leftcenterrightdel
Giá dầu thế giới có thể tăng mạnh khi OPEC+ kiểm soát được nguồn cung (Ảnh: Getty)  

Đúng là giá dầu đang lên “cơn sốt” và đã leo lên mức đỉnh trong vòng 7 năm qua. Chỉ tính riêng năm 2021, giá dầu thế giới đã tăng hơn 50%. Mới tháng 10 vừa rồi, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu đã khoan thủng “ngưỡng tâm lý” 80USD/thùng rồi neo quanh mức này kể từ đó tới nay.

Thị trường dầu lửa đang mất cân đối giữa cung và cầu khi kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc nhờ nhiều quốc gia nới lỏng giãn cách, chấm dứt phong tỏa và dần chuyển sang trạng thái sống chung với Covid-19. Nhu cầu đi lại quốc tế tăng lên vào những tháng cuối năm khi biên giới các nước được mở trở lại cũng gây sức ép lên giá dầu.

Theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), với đà phục hồi của kinh tế thế giới, nhu cầu dầu trên toàn cầu có thể tăng 5 triệu thùng/ngày và đạt mức 97,4 triệu thùng/ngày, thậm chí quay lại mức trung bình trước đại dịch là 101 triệu thùng/ngày.

EIA cảnh báo, nếu không kịp thời hành động, “cơn sốt” giá dầu có thể giáng thêm cú sốc nữa vào nền kinh tế thế giới vốn còn đang khá yếu ớt sau cơn bạo bệnh Covid-19. Trong bối cảnh đó, quyết định của ông Joe Biden được ca ngợi như cú xả van kịp thời, giúp giảm áp lực đẩy giá dầu tăng cao đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. 

Nhưng cũng có câu hỏi là cơ chế xả kho dự trữ dầu chiến lược thường chỉ áp dụng trong những trường hợp đặc biệt như nguồn cung bị gián đoạn hay thảm họa thiên tai, chứ chưa bao giờ được dùng để kiểm soát giá dầu bởi hiệu quả hạn chế.

Theo quy định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), kho dự trữ dầu chỉ có thể mở khi cần đối phó với các cú sốc như chiến tranh hoặc bão lũ, chứ không dùng để điều chỉnh giá. Trong thực tế, Mỹ cũng chưa bao giờ dùng cơ chế này để kiểm soát giá dầu. 

Chính vì thế, nhiều nhà phân tích cho rằng, bên cạnh mục tiêu ngắn hạn “hạ nhiệt” giá dầu, động thái xả kho hiếm thấy của Mỹ còn ẩn chứa những toan tính chính trị. Chính trường nước Mỹ đang rối bời trong tranh cãi, ông Joe Biden đang phải đối mặt với áp lực chính trị ngày càng tăng khi giá mặt hàng thiết yếu xăng dầu tăng tới 60% trong vòng 12 tháng qua, đẩy lạm phát lên cao và khiến uy tín của ông suy giảm nghiêm trọng.

Kết quả khảo sát được tờ Telegraph (Anh) công bố cuối tháng trước cho thấy trong 9 tháng đầu nhiệm kỳ, uy tín của ông Joe Biden là thấp nhất so với các tổng thống Mỹ từ năm 1945 đến nay. Tỷ lệ ủng hộ ông Joe Biden đã giảm từ mức 56% trong 3 tháng sau khi nhậm chức xuống mức 44,7% trong 3 tháng gần đây. 

Ngoài yếu tố tác động là cuộc rút lui hỗn loạn của quân đội Mỹ khỏi Afghanistan vào cuối tháng 8, thì tình hình dịch Covid-19 xấu đi cũng như nguy cơ lạm phát là những nguyên nhân chính tác động xấu đến uy tín của ông Joe Biden.

Trong khi đó, cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào năm 2022 đã cận kề. Nếu không kịp thời có giải pháp tháo gỡ bế tắc, Đảng Dân chủ của ông Joe Biden sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc đối đầu với Đảng Cộng hòa. Mở van dầu dự trữ dù chưa phải là giải pháp mang tầm chiến lược lâu dài nhưng lại có thể trợ giúp cho mục tiêu ngắn hạn của ông Joe Biden. 

Ngoài làm dịu căng thẳng nội bộ, xả van dầu còn là cách để Mỹ gây sức ép với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi chung là OPEC+), nhằm giành quyền kiểm soát thị trường năng lượng toàn cầu.

Năm 2020, khi giá dầu giảm mạnh đe dọa ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã hối thúc OPEC+ cắt giảm sản lượng. OPEC+ đã phải thỏa hiệp, đồng ý cắt giảm con số kỷ lục là 10 triệu thùng/ngày, tương đương 10% nguồn cung toàn cầu. Nay khi nhu cầu dầu lửa tăng nhanh hơn dự kiến, chính quyền ông Joe Biden lại đòi OPEC+ tăng nguồn cung.

Tranh cãi giữa Mỹ và OPEC+ đã trở thành cuộc đấu xem ai mới là ông chủ trên thị trường năng lượng toàn cầu. Tất nhiên, các cường quốc dầu lửa trong OPEC và OPEC+, đặc biệt là Nga, không muốn mình là con rối trong tay Mỹ. Lần này, OPEC+ cho biết liên minh chỉ tăng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày, thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu của Mỹ.

OPEC+ không muốn mạnh tay điều chỉnh sản lượng vì lo ngại diễn biến Covid-19 hiện nay có thể sẽ lại làm suy yếu nhu cầu, dẫn đến dầu thô rớt giá mạnh như hồi năm ngoái. 

Tất nhiên, mức xả kho của Mỹ và các đối tác không đủ để “hạ nhiệt” giá dầu trong dài hạn bởi khối lượng nhỏ. Tuy nhiên, các nước OPEC+ cũng không muốn làm bẽ mặt các khách hàng lớn của mình. Đóng-mở van dầu thế nào giờ là nghệ thuật phải cân bằng cả lợi ích kinh tế lẫn toan tính chính trị.

TƯỜNG LINH