Thương người như thương thân
Bà là Trần Thị Thủy (62 tuổi), ở xã Tân Dĩnh (Lạng Giang, Bắc Giang). Tò mò về người phụ nữ đặc biệt này, 10 giờ sáng, chúng tôi tìm đến Công ty TNHH Bích Thủy tại lô số 8, Cụm công nghiệp Tân Dĩnh, thị trấn Vôi (Lạng Giang, Bắc Giang), nơi bà Thủy đang làm Giám đốc mà không hẹn trước. Gặp bà Thủy đang trao đổi công việc với nhân viên ở sân trước của một xưởng sản xuất, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên: Bà mặc bộ quần áo nâu giản dị, tóc búi gọn gàng, tay cầm chiếc nón lá, đi chân đất. Nếu vô tình gặp bà trên đường, chẳng ai nghĩ bà là một giám đốc công ty đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Từ khi đi vào hoạt động năm 2006, công ty của bà Thủy phát triển bền vững, doanh số mỗi năm đạt hàng chục tỷ đồng, đóng thuế từ 2 đến 3 tỷ đồng/năm. Gần đây, bà mua lại doanh nghiệp chế biến dầu thực vật. Hai doanh nghiệp của bà đang tạo việc làm cho 140 lao động có thu nhập từ 5 đến 8 triệu đồng/người/tháng, trong đó có 80 lao động chính thức và 60 lao động thời vụ.
“Nghe nói bà vừa trao 50 tấn gạo tặng các đơn vị đang làm nhiệm vụ cách ly người dân từ vùng dịch Covid-19 trở về nước?”, chúng tôi hỏi.
“Tôi xem trên ti vi, thấy các bác sĩ, các chú bộ đội vô cùng vất vả để kiểm soát dịch bệnh và chăm sóc người đang cách ly. Nhìn những hình ảnh đó, tôi rất xót xa, nghĩ đến thời chiến tranh, thế hệ cha anh mình bao nhiêu người vẫn nằm dưới lòng sông Thạch Hãn, bao nhiêu người vẫn nằm lại trong rừng sâu; bao nhiêu cựu chiến binh mảnh đạn vẫn găm trong người, đã hy sinh cả thanh xuân của mình cho nước nhà độc lập. Giờ hòa bình, bộ đội lại căng mình giúp dân chống dịch bệnh. Nước mắt tôi cứ trào ra, chỉ nghĩ mình phải làm gì đó để giúp đỡ họ. Thế là tôi hội ý toàn công ty, được mọi người rất ủng hộ. Tôi quyết định trích tiền lợi nhuận của công ty và của cá nhân, mua 50 tấn gạo để ủng hộ Trung tâm Giáo dục quốc phòng, an ninh tỉnh Bắc Giang, Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn và Bệnh viện Quân y 5, Cục Hậu cần Quân khu 3 - các đơn vị đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch”, bà Trần Thị Thủy tâm sự.
Giọng nói, cử chỉ của bà nhẹ nhàng, từ tốn, gần gũi khiến chúng tôi cảm thấy như đang nói chuyện với người bà, người mẹ trong gia đình, chẳng có chút rào cản.
Năng làm việc thiện
Bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh, nhiều năm nay, công ty của bà Trần Thị Thủy luôn có nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Thủy nhớ lại, năm 2007, lúc này công ty mới hoạt động được một năm, huyện Lục Ngạn bị lũ quét, thiệt hại nặng nề. Bà quyết định mua một xe ô tô mì ăn liền giúp đỡ đồng bào các dân tộc. Năm 2008, khi huyện Lạng Giang phát động phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, bà nhận xây tặng 25 nhà đại đoàn kết, đồng thời trao hàng trăm nồi cơm điện, hàng trăm chiếc chăn tặng hộ nghèo ở các xã Tân Dĩnh, Hương Sơn, Phi Mô và Dĩnh Trì. Đến năm 2013, khi miền Trung bị cơn bão số 9 và số 10 gây hại, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bà ủng hộ 1.700 thùng mì ăn liền, 27 xe đạp, 300 bộ chăn màn và hơn 500 đôi giày, dép giúp các cháu học sinh. Mỗi năm, vào các dịp như Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7) và Tết Nguyên đán, bà Thủy trích 200 triệu đồng lợi nhuận trao khoảng 1.000 suất quà tặng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ, hộ nghèo, trẻ em gặp khó khăn trên địa bàn huyện và tỉnh Bắc Giang; nhận nuôi suốt đời một cựu chiến binh không nơi nương tựa, một vợ liệt sĩ cô đơn và 3 cháu mồ côi là người dân tộc thiểu số cho đến tuổi trưởng thành…
    |
 |
Công ty TNHH Bích Thủy trao tặng gạo cho các đơn vị đang nhận nhiệm vụ cách ly công dân trở về từ vùng dịch Covid-19. |
Được biết, bà Thủy còn tạo điều kiện cho người có hoàn cảnh khó khăn làm việc tại công ty. Điển hình là chị Mai Thị Nguyệt, 49 tuổi, ở thôn Tân Thành, thị trấn Vôi, làm việc tại công ty từ năm 2012 đến nay, có thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng, nuôi được mẹ chồng già yếu và con trai học đại học. Hay chị Nguyễn Thị Thùy Giang, 36 tuổi, cũng ở thôn Tân Thành, bị tật nguyền và là mẹ đơn thân có 3 con từ 4 đến 12 tuổi. Tháng 5-2019, chị Giang được bà Thủy nhận vào làm nhân viên ghi chép xe ra vào công ty, với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Cuộc sống của mẹ con chị Giang từ đó được cải thiện đáng kể.
Anh Lê Đặng Lâm, 41 tuổi, thợ sửa chữa ô tô tại công ty kể: “Bà Thủy thương người lắm. Tôi làm việc ở đây cũng được gần 10 năm. Ngày đầu đến xin việc, tôi không có chuyên môn, không nghề nghiệp gì. Bà Thủy vẫn thu nhận, cho tôi cái nghề, chỉ bảo tôi tránh thói hư tật xấu”.
Một người thợ máy như anh Lâm có thu nhập trung bình khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Có một điểm đặc biệt, các anh, các chị đều được bà Thủy tạo điều kiện nhận làm thêm việc ở bên ngoài, miễn là hoàn thành công việc ở công ty. Nhiều người chăm chỉ làm ăn, tay trong tay ngoài, thu nhập mỗi tháng tới 20-30 triệu đồng.
Vận may từ tấm lòng thơm thảo
Là chủ một doanh nghiệp nhỏ, xuất thân từ một người nông dân, vì sao bà Trần Thị Thủy lại quan tâm đến việc giúp đỡ người khác như thế? Đem thắc mắc này hỏi, bà Thủy bảo, với bà, việc quan trọng nhất trong cuộc đời là phải cho đi, rồi mới có nhận lại. Điều này xuất phát từ câu chuyện cách đây 30 năm…
Đó là khoảng những năm 89-90 thế kỷ trước, bà Thủy trên đường đi làm đồng trở về, thấy hai thanh niên gặp tai nạn. Chẳng suy nghĩ đắn đo gì, thấy người hoạn nạn thì giúp đỡ, bà mang hai người nọ về nhà. “Nhà tôi lúc đó có 5 người (vợ chồng và 3 đứa con). Cả nhà chỉ có cái chăn chiên và ổ rơm. Cứu người ta vào nhà, cả nhà nhường chăn cho họ, còn mình thì ra ngoài ôm thêm rơm vào, lấy bao tải để đắp. Tôi đi mua băng gạc và thuốc tím, với giá 200 đồng, xin mua chịu thì người ta không bán, tôi đành xin đổi bằng một ngày công cấy cày”, bà Thủy nhớ lại.
Hôm sau, khi hai người thanh niên bình phục, họ gửi tiền để cảm ơn. Bà Thủy xua tay, dứt khoát: “Đừng trả tiền, mất hết lòng thảo! Thôi hai em đi đi cho chị còn ra đồng làm”.
Bẵng đi khoảng nửa tháng sau, cả xóm xôn xao khi có chiếc xe u-oát chạy vào. Chiếc xe chạy thẳng đến căn nhà dột nát của gia đình bà Thủy. Từ trên xe, một bà cụ bước xuống, gọi: “Con ơi!”.
Hóa ra, bà cụ là mẹ của hai người thanh niên gặp nạn. Bà cụ nhận bà Thủy làm con nuôi. Một thời gian sau, mẹ con bà Thủy được đón lên nhà của bà cụ ở Lạng Sơn chơi. Ở đây, bà Thủy rất ngạc nhiên khi thấy rau khoai lang bán giá 1.000 đồng/bó, trong khi ở nhà thì 1.000 đồng/15 bó. Bà bèn về cắt hết rau lang, bó thành từng ôm, cho lên xe khách đi Lạng Sơn. Khi bán, bà Thủy không bó thành bó mà để cả rổ, ai lấy bao nhiêu thì lấy, đưa bao nhiêu tiền thì đưa. Mỗi người đến mua từ già đến trẻ, bà đều rối rít cảm ơn bởi cảm thấy đây là một điều may mắn trong đời.
Hết 3 sào rau lang, bà lại bới củ khoai mang đi bán. Cạnh nhà có con kênh nhỏ, hến, trai, cua, cá nhiều vô kể, bà lại mò trai hến, cá tôm mang ngược lên Lạng Sơn.
Người bố nuôi thấy bà Thủy chịu khó, tần tảo mới hỏi ý nguyện thích làm gì. “Con thích làm doanh nghiệp”-bà trả lời. Nghe vậy, người bố nuôi xin cho bà vào làm công nhân tại một nhà máy sản xuất bình bơm ở Lạng Sơn. Vào làm, bà ngạc nhiên, nghĩ bụng: Người ta tài thế, toàn là bao tải vứt đi, toàn rác mà sao lại biến được thành những cái bình như thế này?
Thế là bà quyết tâm tìm hiểu, không đòi hỏi tiền lương ít hay nhiều. Những người khác làm 10 tiếng/ngày thì bà làm bất kể ngày đêm. Thấy ai làm việc cần giúp đỡ, bà lao vào giúp ngay. Cả lúc người ta nghỉ, bà vẫn làm. Lúc thì đi quét dọn, đánh từ đôi dép, giặt từng bộ quần áo của mọi người. Mọi người bảo bà Thủy bị “giời đày”, không ngồi yên được!
Làm mấy năm trời, bà Thủy chẳng quan tâm đến đồng lương, chỉ đau đáu muốn học được một cái nghề để quay về quê hương. Sau khi nắm rõ mọi quy trình sản xuất, năm 2000, bà Thủy trở về Bắc Giang. Được sự giúp đỡ của người thân về vốn và mặt bằng sản xuất, cùng với sự quyết tâm học hỏi, bà trở thành chủ doanh nghiệp. Bà thành lập công ty, đến năm 2006 thì đi vào hoạt động. Lúc này, bà Thủy đã mua được bản quyền sản xuất bình bơm thuốc trừ sâu và tổ chức sản xuất 10 nghìn bình/tháng, bán phục vụ sản xuất nông nghiệp ở tất cả tỉnh, thành phố. Năm 2011, khi hết thời hạn bản quyền, công ty của bà Thủy chuyển sang sản xuất mặt hàng nhựa khác và làm dịch vụ vận tải.
Ngoài sản xuất, kinh doanh, bà Thủy còn dành một khoảng đất nhỏ liền kề con kênh bà mò cua bắt ốc ngày xưa để chăn nuôi bò, lợn, gia cầm. Bà bảo, những con bò này để dành tặng Chương trình “Lục lạc vàng”, hoặc trao tặng những hộ nông dân nghèo, giúp họ lấy kế sinh nhai.
Làm chủ doanh nghiệp bao nhiêu năm, bà Thủy vẫn không bỏ được thói quen đi chân đất. Bà lý giải: “Tôi đi chân đất đã thành thói quen từ bé. Giờ cứ đi giày, dép là đau chân không chịu được. Tôi chỉ đi giày, dép trong những cuộc họp hoặc tiếp khách thôi. Như thế mãi quen rồi”. Câu chuyện về người giám đốc chân đất tài ba với tấm lòng thơm thảo, thương người được bà con quanh vùng truyền tai nhau. Họ gọi bà với cái tên trìu mến: “Bà tiên” chân đất.
Bài và ảnh: HOÀNG LIÊN VIỆT