Và đẹp hơn thế, những con người đã làm nên huyền thoại Trường Sơn trong thời chiến, khi thời bình, lại tiếp tục vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu, hoạt động thiện nguyện tri ân đồng đội và những mảnh đời kém may mắn. Hành động đó làm lan tỏa sức sống, ý chí mãnh liệt của những thế hệ người-loài hoa đặc biệt của Trường Sơn - đang tỏa ngát hương thơm.
Bước vào Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, chúng tôi đứng lặng người. Hơn 12.000 ngôi mộ khoác trên mình một màu trắng xóa, gắn những ngôi sao vàng trải rộng trên ba quả đồi rộng lớn in hình lên nền trời xanh vời vợi. Đến thăm viếng các liệt sĩ hôm nay còn có cả đồng đội của các anh. Trong khói hương lan tỏa, CCB Nguyễn Thanh Hà (phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội) rưng rưng xúc động chắp tay khấn vái. Khóe mắt ông Hà đỏ hoe. Bàn tay phải của ông chỉ còn hai đốt trên ngón trỏ và ngón cái. Nhúm thịt co rúm trùm trên hai đốt xương đỏ nhũn, thỉnh thoảng lại run run. Chúng tôi tiến gần lại phía ông, hỏi nhỏ: “Ông có đồng đội yên nghỉ tại nghĩa trang này ạ?”. Cảm xúc của ông Hà như chực trào ra. Ông đưa bàn tay thương tật về níu lấy tay tôi và nói: “Ở đây có người đồng đội đã hy sinh thay tôi, có người đã cùng tôi đánh trận, hy sinh và chính tôi đưa thi thể đồng đội ra khỏi vùng tâm bom của địch”.
    |
 |
Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hà viếng mộ liệt sĩ Nguyễn Duy Nghinh tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. |
Chúng tôi cùng ông Hà đi về khu mộ liệt sĩ của tỉnh Thái Bình. Giữa hàng trăm ngôi mộ, ông Hà nhanh chóng đưa chúng tôi đến mộ của liệt sĩ Nguyễn Duy Nghinh, xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Khấn lạy đồng đội xong, ông Hà kể: “Hôm đó, tôi và anh Nghinh ngồi cùng hầm. Vừa lúc tôi và anh Nghinh đổi chỗ để hút điếu thuốc lào thì bom Mỹ tập kích trên đầu. Anh Nghinh thế chỗ của tôi, bị mảnh bom phạt ngang đầu gối. Không có thuốc men cứu chữa kịp thời nên anh đã ra đi”. Sự hy sinh của ông Nghinh làm ông Hà chấn động tâm lý, ám ảnh đến mãi sau này. Ông Hà luôn nghĩ đồng đội đã thế chỗ, hy sinh thay mình.
Chúng tôi cùng ông Hà đến khu liệt sĩ TP Hà Nội. Nơi đây có liệt sĩ Phạm Văn Khanh ở huyện Thanh Oai và Nguyễn Văn Liêm ở xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm) cùng hy sinh trong một trận đánh và được chính tay ông Hà đưa thi thể ra khỏi tâm bom lửa đạn. “Ông đã chứng kiến sự hy sinh của đồng đội mình như thế nào?”, chúng tôi hỏi. “Khi vào làm nhiệm vụ ở Binh trạm 34, đơn vị tôi được giao nhiệm vụ đánh biệt kích, thám báo, diệt quân đổ bộ và nghi binh. Nhiệm vụ nghi binh là nguy hiểm nhất. Chúng tôi đốt khói, tạo giả kéo máy bay địch đến tập kích bom để giảm tải cho các trục đường chính. Cuối tháng 12-1968, tôi cùng anh Khanh, anh Liêm và hai người đồng đội nữa đi làm nhiệm vụ tạo khói giả, nghi binh thu hút bom địch ở đồi Danh, cao điểm 832, gần sông Xê Pôn. Chúng tôi đang tạo khói thì chiếc OV-10 phát hiện, bắn một quả đạn cối. Để địch không phát hiện trận địa giả, chúng tôi vẫn phải ở lại tiếp tục nhiệm vụ, đợi khi các loại máy bay ném bom F4, F11 kéo đến giội bom thì mới được rút. Anh Liêm và anh Khanh đã hy sinh trong hoàn cảnh đó”-ông Hà kể lại. Trong những năm kháng chiến, nhiệm vụ nghi binh được coi là việc “vuốt răng hùm”, bởi mỗi lần đi thực hiện nhiệm vụ “làm bia sống”, mỗi người lính đều xác định khả năng hy sinh là rất cao. “Năm đó ông bao nhiêu tuổi?”-chúng tôi hỏi. “Tôi 16”-ông Hà trả lời. “Lúc đó ông không sợ sao?”. “Thế hệ chúng tôi có niềm tin tuyệt đối với Bác Hồ, với Đảng, coi cái chết rất nhẹ nhàng. Mọi người đều khát khao cháy bỏng đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước”.
Cuối năm 1970, trong một lần thực hiện nhiệm vụ, ông Hà bị thương, mất gần một bàn tay. Ông trở về đời thường, trọng lượng cơ thể còn 37kg, 2,8 triệu hồng cầu, tỷ lệ nhiễm chất độc da cam 81%. Sau 5 năm điều trị, ông Hà mạnh mẽ đứng dậy thành lập Công ty TNHH Đông Hưng, chuyên sản xuất giày bảo hộ lao động và dồn tâm huyết xây dựng Khách sạn Trường Sơn, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động là con em cựu chiến binh có thu nhập ổn định. Cùng trong thời gian đó, ông Hà nỗ lực tìm kiếm thông tin thân nhân liệt sĩ Nguyễn Duy Nghinh. Đến năm 2009, sau 40 năm đồng chí Nghinh hy sinh, ông Hà đã tìm được người thân duy nhất của liệt sĩ Nghinh là người vợ của ông-bà Nguyễn Thị Đắp. Ngày ông Nghinh hy sinh, hai vợ chồng vẫn chưa kịp có con. Đằng đẵng mấy chục năm bà Đắp ở vậy thờ chồng. Thương bà Đắp ở trong căn nhà cấp bốn xập xệ, ông Hà đã góp thêm 30 triệu đồng để giúp bà sửa lại nhà. Cũng từ lần gặp đầu tiên, ông Hà coi bà Đắp như người ruột thịt của mình, thường xuyên qua lại thăm hỏi. Mỗi khi trái gió trở trời, bà Đắp đau ốm, ông lại đến động viên, mua thuốc men giúp đỡ. Ông Hà năm nay đã gần 70 tuổi, là thương binh hạng 1/4, người con gái của ông bị câm điếc bẩm sinh do ảnh hưởng chất độc da cam nhưng ông vẫn luôn nghĩ mình còn may mắn hơn rất nhiều đồng đội. Ông thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ, tri ân đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Khi chúng tôi hỏi ông về công việc làm từ thiện, ông cười hiền: “Tôi làm có đáng kể gì đâu. Khi dành dụm được vài ba triệu, chục triệu đồng, thấy ai còn khó là tôi giúp”. So với nhiều người thì số tiền ông Hà làm từ thiện không nhiều, nhưng có câu “của cho không bằng cách cho”. Ông Hà đã âm thầm làm việc thiện như vậy từ hàng chục năm nay và giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn vươn lên. Thiện tâm đó thật thơm thảo, đáng quý biết bao.
Cũng trong chuyến hành trình thăm lại chiến trường xưa của đoàn CCB Trường Sơn, chúng tôi được mọi người kể nhiều về CCB Nguyễn Thị Bình, Phó chủ nhiệm CLB Nữ doanh nhân Trường Sơn Việt Nam. Gần 10 năm nay, bà Bình đã bỏ ra nhiều tỷ đồng để giúp đỡ các đồng đội. Không chỉ giúp về vật chất, bà Bình còn dành nhiều thời gian và công sức đến những nơi khó khăn ở Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kiên Giang… tìm hiểu hoàn cảnh của từng người để đưa ra các phương án giúp đỡ thiết thực. Trong những lần trò chuyện cùng bà Bình, chúng tôi hỏi về tâm tư của bà khi làm công việc từ thiện. Như cởi tấm lòng, bà Bình tâm sự: “Cả hai vợ chồng tôi đều là lính Trường Sơn. Trong kháng chiến, chứng kiến cảnh hy sinh của đồng đội, không ít người đã bị ám ảnh “hội chứng sau chiến tranh”. Mình trở về cuộc sống đời thường được nguyên vẹn như thế này, đó là điều may mắn nhất”. Từ đó, trong suy nghĩ của bà Bình đã nung nấu ý định làm việc thiện nguyện giúp ích cho mọi người và xã hội. “Với tôi, làm việc từ thiện đã nảy nở, ngấm sâu vào máu khi may mắn được trở về nguyên vẹn từ Trường Sơn. Đó là cách tôi thể hiện sự tri ân với đồng đội”, bà Bình cho biết. Từ năm 2007, khi hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, bà Bình đã cùng các đội thiện nguyện đi nấu ăn giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn ở các bệnh viện thuộc TP Hồ Chí Minh. Khi thì bà góp 5 đến 10 triệu đồng, lúc vài trăm nghìn đồng. Cứ dư dả là bà lại đóng góp. Năm 2018, khi bà cùng các CCB TP Hồ Chí Minh về tỉnh Kiên Giang thăm nhà hai đồng đội Trường Sơn là ông Đào Xuân Như và bà Nguyễn Thị Nhật, thấy hoàn cảnh của đồng đội rất khó khăn, tuổi đã cao nhưng ở trong căn nhà mái tôn hơn 30m2 lụp xụp, bà Bình đã rất xúc động. Bà vận động mọi người và bỏ thêm tiền ủng hộ cho gia đình ông Như, bà Nhật 30 triệu đồng xây nhà. Nhìn đồng đội hạnh phúc trong căn nhà mới, bà Bình rất vui. Từ đó đến nay, bà đã bỏ tiền xây dựng 7 ngôi nhà mới tặng các hộ khó khăn ở nhiều tỉnh trên cả nước với trị giá 70 triệu đồng/căn. Ngoài ra, bà tham gia đóng góp nhiều chương trình thiện nguyện của Hội CCB Trường Sơn.
Ông Hà, bà Bình là hai trong số rất nhiều những CCB Trường Sơn trở về đời thường sau chiến tranh, dù thân thể mang thương tật nhưng vẫn cố gắng vươn lên làm giàu và giúp đỡ đồng đội. Những việc làm tốt đẹp của họ đã lan tỏa trong xã hội. Từ trong chiến tranh cho đến thời bình, họ đã dành trọn cuộc đời cống hiến, tỏa hương như những bông hoa đẹp của núi rừng Trường Sơn.
(Tiếp theo và hết)
Bài và ảnh: VĂN TUẤN