Theo chân người đào đá
Mất gần hai giờ luồn rừng theo lối mòn, chúng tôi đi từ thôn Chính Quân mới lên được bãi Bưởi, nơi người dân địa phương còn gọi tên khác là “bãi tiền tỷ”. Thực chất đây là khu vực lòng chảo rộng chưa đến 4.000m2. Khi chúng tôi lên đến nơi, bãi đất này đã bị đào xới tan hoang. Từng gốc cây, hốc đá đều bị xới tung, khoét sâu xuống từ 2 đến 3m. Có thể nói, khu bãi Bưởi người ta đào xới không bỏ sót một mét vuông đất nào. Ngày chúng tôi lên núi, việc đào đá quý không còn diễn ra công khai. Bởi trước đó UBND tỉnh Yên Bái, UBND huyện Lục Yên đã có văn bản cấm khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép. Các cơ quan chức năng của huyện, xã tích cực tuyên truyền vận động người dân xuống núi không khai thác. Lực lượng Công an huyện Lục Yên đã vào cuộc, lên núi truy đuổi, lập biên bản, nhắc nhở những trường hợp cố tình đào đá quý trái phép. Sau một hồi đi khắp bãi Bưởi, chúng tôi gặp gần ba chục người đang lén lút đào đá với đủ các lứa tuổi, có cả phụ nữ và trẻ em gái.
    |
 |
Công an huyện Lục Yên lập biên bản, vận động người dân đào đá quý trái phép xuống núi. Ảnh: GIA BÁCH |
Trong một cái hốc nhỏ vừa đủ một người len vào, chúng tôi bắt chuyện với một nam thanh niên:
- Đã đào được viên nào chưa?
- Đào gần hai tuần mà chưa được viên nào. Mong được một viên để nghỉ.
- Có thấy ai đào được viên to ở đây không?
- Thì người ta cứ vác đá xuống, thương lái dưới núi mua. Đồn thổi được cả tiền trăm triệu, nhưng thực chất cũng chỉ được vài triệu thôi.
- Biết vậy, sao vẫn mất công đào?
- Đây là “bãi tiền tỷ” mà, biết đâu vớ được một viên là đổi đời.
Sau một hồi trò chuyện, chúng tôi biết tên của thanh niên đó là Hoàng Văn Quê, ở xã Liễu Đô, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Quê vừa tốt nghiệp lớp 12, hiện chưa có dự định đi học tiếp. Cũng giống như Quê, Hoàng Kim Toán hay nhiều người khác chúng tôi gặp, họ đều nói lên núi đào đá vì sức hút của những tin đồn và cũng bởi họ không có việc làm ổn định.
Đến gần trưa, men theo các lối mòn, chúng tôi gặp từng tốp người đi đào đá. Họ ra các bãi đất rộng ngồi nghỉ ngơi, tổ chức nấu ăn. Như vậy, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng ráo riết tuyên truyền kết hợp xử lý buộc chấm dứt đào đá quý trái phép, nhưng lượng người lén lút đào vẫn còn khá đông. Lân la hỏi chuyện, một thanh niên nói với chúng tôi: “Không những đào ban ngày mà các chủ lò còn tổ chức đào cả ban đêm nữa”. Chủ lò là những người đến trước, đánh dấu tự nhận chủ quyền của phần đất. Từ câu chuyện với nam thanh niên đã mở đường cho chúng tôi đi tìm hiểu thêm sự việc khác.
Sau một thời gian chắp nối các mối liên hệ, chúng tôi làm quen được với chủ lò tên Ngô Trung T. là người dân địa phương, đã có thời gian dài lăn lộn đào đá ở các bãi trong huyện Lục Yên. Gặp chúng tôi, T. cho biết: Anh đào nhiều bãi, chưa bãi nào đá đẹp như ở bãi Bưởi. Nhìn màu đá thấy mê hồn. Vẻ đẹp mê hồn của những viên đá không mang cho T. hiện thực giấc mơ đổi đời mà ngược lại. “Trong đợt “sốt” đá vừa rồi, anh kiếm được nhiều không?”, chúng tôi hỏi. “Chung mấy viên, chẳng được đồng nào, mất vài chục triệu đồng. Vậy mới phải cố đào để gỡ chút vốn. Ban ngày bị đuổi thì tổ chức cho anh em đào vào đêm”-T. trả lời.
Qua lời giới thiệu của T. và thông tin từ một số người dân, chúng tôi được biết, không chỉ T. mà còn nhiều nhóm thanh niên khác tổ chức đào đêm. Để thực mục sở thị nhóm người đi đào đá đêm, khoảng 17 giờ, chúng tôi đến cuối con đường mòn thôn Chính Quân. Tại đây, chúng tôi gặp vài chục người cứ chia nhỏ theo tốp hành quân lên núi. Vật dụng mang theo chủ yếu là ba lô để đựng đá, nước uống. Họ mang theo cả cá, thịt, gạo.
Hủy hoại môi trường thiên nhiên
Trong một buổi lên bãi Bưởi, chúng tôi gặp Trung úy Nguyễn Văn Lộc, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự-kinh tế-ma túy Công an huyện Lục Yên cùng 15 đồng chí cảnh sát đang tích cực leo lên các hang hốc, vách núi, tìm người đào đá trái phép. Anh Lộc cho biết: “Hai tuần nay, sáng sớm chúng tôi leo lên núi thực địa. Số lượng người đi đào đá tuy giảm nhiều nhưng rải rác vẫn còn”. Trong gần hai giờ, anh Lộc và các đồng đội đã tìm thấy và lập biên bản gần 20 người đang đào đá quý trái phép. Điều đáng nói, đây chỉ là con số bề nổi, bởi khi lực lượng chức năng đi kiểm tra, người đào đá thường nép trong các lò sâu. Địa bàn rừng núi rộng, hiểm trở nên truy đuổi, xử lý người đào đá quý trái phép không khác gì cuộc trốn tìm”.
“Được biết, ban đêm người dân cũng đi đào đá quý trái phép. Thời điểm đó các anh có truy đuổi không?”, chúng tôi hỏi. “Anh em chúng tôi lên đây từ sáng sớm. Mang theo cả gạo, thức ăn nấu ăn trưa trên núi để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, buổi tối không có điện, lực lượng mỏng nên chúng tôi phải rút xuống dưới. Phía dưới chân núi, các lực lượng công an, kiểm lâm, tài nguyên và môi trường của huyện tổ chức 3 điểm chốt ở thị trấn Yên Thế và xã Liễu Đô ngăn chặn người dân lên núi đào đá quý trái phép. Các biện pháp nghiệp vụ triển khai nhiều nhưng địa bàn núi Chính Quân rộng, có nhiều lối mòn lên núi, để giải tán hết người đào đá trái phép phải kết hợp giữa việc truy đuổi và tuyên truyền. Trong đó, biện pháp tuyên truyền để người dân hiểu rõ những nguy hiểm và không nên tốn công vô ích nghe theo tin đồn thất thiệt là chính”-anh Lộc nói thêm.
Dẫn chúng tôi đến vị trí hốc đá to như cánh cửa, anh Lộc chỉ rõ những nguy hiểm tiềm ẩn. Sát tảng đá nặng đến hàng chục tấn, người dân đào đá sâu 2-3m. Mưa xuống, đất ướt nhão, tảng đá chênh vênh sập xuống, may là không có người đào bới chứ nếu có thì tính mạng khó bảo toàn. Khắp khu vực bãi Bưởi có đến gần chục tảng đá khối lượng lớn như vậy sập xuống. Ban ngày còn dễ nhìn thấy, ban đêm người dân cặm cụi đào thì biết làm sao mà tránh!
Ông Nông Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Liễu Đô cho rằng, đi đào đá quý ban đêm, tính mạng và sức khỏe của người dân luôn bị rình rập, đe dọa. Cách đây vài hôm, một người dân trong xã khi vào hốc đá trúng ngay ổ rắn, bị rắn cắn phải đưa đi cấp cứu.
Suốt những ngày bãi Bưởi dậy sóng tin đồn có nhiều đá quý, ông Thắng và các cán bộ xã ăn ngủ không yên. Buồn rầu, ông Thắng tâm sự: “Người dân địa phương đi đào đá quý thì ít, người dân ở các địa phương lân cận hiếu kỳ, nổi lòng tham đến đào thì nhiều”. Chỉ trong thời gian ngắn, khu vực núi thôn Chính Quân bị xới nát, cây rừng cũng bị chặt tan hoang. Bên cạnh đó là sự ô nhiễm môi trường do rác thải của những người đến đào vứt lại. Không chỉ có vậy, việc người dân nơi khác kéo đến xã Liễu Đô gây mất ổn định an ninh, tiềm ẩn nguy cơ giành nhau bãi đào đá quý, đánh lộn, tranh cướp...
Chia sẻ về những bất cập xuất phát từ thông tin thất thiệt đào được những viên đá quý tiền tỷ thu được ở bãi Bưởi, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Lục Yên nhận định tình hình có khả năng diễn biến phức tạp. Ngay khi xảy ra tình trạng người dân địa phương đổ xô lên núi (bãi Bưởi) xã Liễu Đô để đào bới, tìm kiếm đá quý, Huyện ủy, UBND huyện Lục Yên đã huy động các cơ quan, ban ngành và cả hệ thống chính trị vào cuộc để điều tra, làm rõ nguyên nhân, thực trạng của hiện tượng trên cũng như mức độ của sự việc và khẩn trương triển khai các giải pháp để khắc phục. Huyện cũng đã chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức đánh giá ảnh hưởng đến diện tích rừng bị xâm hại và môi trường.
Qua hiện tượng trên xảy ra ở huyện Lục Yên, ông Thịnh chia sẻ với người dân về ước muốn “đổi đời” qua việc tìm kiếm đá quý. Ông Thịnh cho rằng, đây là việc làm mất công, mất sức mà không đem lại kết quả và vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Vì vậy, người dân nên tập trung lao động sản xuất và phát triển kinh tế để vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, bền vững.
Chiều 9-7, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Văn bản số 1816/UBND-TNMT do Phó chủ tịch Nguyễn Văn Khánh ký, yêu cầu UBND huyện Lục Yên tăng cường công tác quản lý, giải tán hoạt động đào bãi đá quý trái phép tại xã Liễu Đô, huyện Lục Yên. UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu UBND huyện Lục Yên tổ chức lực lượng, tập trung chỉ đạo, kiên quyết ngăn chặn, giải tán và chấm dứt hoạt động đào bãi đá quý trái phép tại xã Liễu Đô, huyện Lục Yên. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (đào đãi đá trái phép, không đăng ký tạm trú, tạm vắng) theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tỉnh Yên Bái cũng chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành của huyện Lục Yên và UBND xã Liễu Đô tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. |
VĂN TUẤN