Quyền nói thẳng, nói thật của binh sĩ được thực hiện bằng cơ chế dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp, thông qua hoạt động của hội đồng quân nhân (HĐQN) và các tổ chức quần chúng là chủ yếu. Nhưng binh sĩ không phải lúc nào cũng sẵn lòng bày tỏ suy nghĩ của mình trong các hội nghị chính thức. Các đơn vị mà chúng tôi khảo sát đã tìm ra cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của đơn vị để phát huy quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của binh sĩ...
Những “người bạn vong niên”
Lữ đoàn Xe tăng 406 (Lữ đoàn 406) là đơn vị xe tăng chủ lực của Quân khu 2 nên công tác huấn luyện, kỷ luật của đơn vị được duy trì rất chặt chẽ, nghiêm túc. Với bề dày truyền thống 42 năm, từ khi thành lập, lữ đoàn nhiều lần thay đổi địa điểm đứng chân theo yêu cầu của cấp trên trong thế trận quốc phòng toàn dân.
Lữ đoàn 406 vừa là đơn vị kỹ thuật, vừa là đơn vị chiến đấu nên lực lượng quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) rất đông. Nhiều QNCN cả cuộc đời quân ngũ gắn bó với đơn vị, tưởng như việc quản lý gặp khó khăn bởi tâm lý "sống lâu lên lão làng", nhưng không phải như vậy. Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn đã sớm nhận ra "tiềm năng" làm công tác tư tưởng cho binh sĩ từ đội ngũ những quân nhân "lão làng".
Chúng tôi gặp Hạ sĩ Nguyễn Quang Linh, Trung đội 7, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 trong giờ giải lao trên thao trường. Linh kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm sâu sắc những ngày đầu làm chiến sĩ: Do bất đồng ý kiến với một chiến sĩ trong tiểu đội, cả hai hẹn nhau ra chỗ vắng, sau hồi tranh luận "đỏ mặt tía tai", đang định "chuyển trạng thái" sang giải quyết vấn đề bằng tay chân thì Thiếu tá QNCN Kiều Kim Việt xuất hiện, kịp thời can ngăn. Bằng kinh nghiệm, vốn sống của mình, anh Việt đã làm lạnh cả hai cái đầu đang bốc lửa, rồi "bắt" họ ôm nhau giảng hòa. Một thời gian sau, nhờ những sắp đặt khéo léo của chỉ huy, hai anh chàng còn trở nên thân thiết.
Linh cho biết: "Cùng là quân nhân nhưng chú Việt đã có 28 năm công tác tại Lữ đoàn 406, như bậc cha chú của chúng tôi. Thâm niên cao nhưng chú rất gương mẫu trong chấp hành nền nếp, chế độ của đơn vị. Chiến sĩ chúng tôi yêu quý chú, gặp vướng mắc, bế tắc gì đều có thể tâm sự với chú. Có những điều, muốn gặp chỉ huy để hỏi còn e ngại, nhưng nói với chú thì dễ hơn nhiều. Chú cho chúng tôi lời khuyên, đôi lúc còn nói hộ chúng tôi".
Uy tín và sợi dây gắn kết với chiến sĩ mới mà Thiếu tá QNCN Kiều Kim Việt có được không chỉ bởi tuổi quân, tuổi đời mà còn vì anh là người thợ giỏi, nhiều kinh nghiệm trong công tác. Năm 2018, Lữ đoàn 406 tham gia diễn tập cấp quân khu. Lần đầu tiên đơn vị phải tự bảo đảm vận chuyển xe tăng ra trận địa nên cần huy động lực lượng lái xe đông. Nhận thấy đây là việc mới mẻ, nhiều tay lái trẻ chưa quen nên anh Việt chủ động đề xuất cấp trên huấn luyện bổ sung. Anh trực tiếp ngồi ghế sau huấn luyện các lái xe trẻ vượt địa hình khó. Qua đó, đợt diễn tập của lữ đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Hoặc trong năm 2021, Lữ đoàn 406 tham gia Hội thi kíp xe tăng giỏi toàn quân, dưới sự hướng dẫn, huấn luyện bổ sung của anh Việt, các tay lái trẻ trở nên vững vàng, hoạt bát hơn. Kết quả, kíp xe của lữ đoàn đoạt giải nhì.
    |
 |
Quân nhân chuyên nghiệp Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 406 trong giờ sửa chữa xe tăng. Ảnh: KIÊN THÁI |
Gần trưa, trời nắng gắt, chúng tôi tìm gặp Thiếu tá QNCN Kiều Kim Việt khi anh đang say sưa cùng đồng đội bảo quản, bảo dưỡng những chiếc xe tăng của đơn vị, mồ hôi hòa lẫn với dầu mỡ ướt đẫm lưng áo. Chúng tôi hỏi anh Việt về danh xưng “ủy viên không biên chế” được bộ đội đặt cho. Anh cười sảng khoái và chia sẻ: "Nói là không chính thức nhưng cũng là nhiệm vụ cấp ủy, chỉ huy giao. Thông qua nhiệm vụ chính trị viên giao, tôi ý thức hơn việc gắn kết anh em trong đơn vị thành một gia đình. Gần ba thập kỷ gắn bó với Lữ đoàn 406, thời gian tôi ở đơn vị nhiều hơn thời gian ở nhà nên tôi coi chiến sĩ trong đơn vị như anh em, con cháu ruột thịt. Muốn vậy, phải làm "người bạn vong niên" thì các em, các cháu mới mở lòng với mình, tìm đến mình khi gặp khó khăn. Chiến sĩ bây giờ nhìn chung có trình độ, có hiểu biết nhưng đối với môi trường quân sự còn nhiều bỡ ngỡ, không tránh khỏi những suy nghĩ và hành động bột phát của tuổi trẻ. Mình phải gương mẫu, làm chỗ dựa cho anh em".
Lời nói bộc trực, giản dị của anh Việt làm chúng tôi có cảm nhận thêm về một tình cảm đặc biệt trong quân ngũ: Tình đồng chí, đồng đội. Thân thiết, sâu sắc như tình cha con, anh em, tình đồng chí, đồng đội là sợi dây cố kết, gắn bó mọi người trong đơn vị, tạo môi trường dân chủ.
Ở Lữ đoàn 406, hầu như trung đội, đại đội nào cũng có QNCN gương mẫu, như: Trần Văn Quế, Phùng Công Hồng, Nguyễn Tiến Sĩ... đã trên dưới 30 năm gắn bó với đơn vị. Giống Thiếu tá QNCN Kiều Kim Việt, các anh là những "ủy viên không biên chế", là cầu nối, gắn kết chiến sĩ với đơn vị trên các mặt công tác.
"Chuyên gia" tư vấn tại chỗ
Rời Lữ đoàn 406, chúng tôi tới Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1. Là trung đoàn đủ quân nên quân số đơn vị rất đông, tạo ra áp lực quản lý không hề nhỏ lên đội ngũ cán bộ. Đơn cử, một buổi sinh hoạt tiểu đoàn với hàng trăm con người, nếu tổ chức không khéo thì "cháy giáo án", ngược lại, nếu sắp đặt quá thì bộ đội ngại nói, ngại thể hiện chính kiến. Ở một đơn vị từ chiến sĩ đến cán bộ trung đoàn đều còn trẻ thì phương thức bảo đảm quyền nói thẳng, nói thật cho binh sĩ có nhiều nét đặc sắc. Bên cạnh việc coi trọng vai trò của HĐQN và tổ chức đoàn thanh niên, Đảng ủy trung đoàn chỉ đạo thành lập tổ tư vấn trợ giúp tâm lý, sức khỏe, pháp luật (gọi tắt là tổ tư vấn). Thành phần tổ tư vấn gồm lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn, đại diện ban chính trị, ban hậu cần, chính trị viên tiểu đoàn, chính trị viên đại đội. Hoạt động của tổ tư vấn dựa trên nguyên tắc bám sát hoạt động bộ đội. Trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, các thành viên thâm nhập cơ sở, lắng nghe tâm tư, tình cảm của bộ đội, tham mưu cho chỉ huy kịp thời có phương pháp giải quyết vấn đề nảy sinh.
Chúng tôi đến Trung đội 3, Đại đội 9, Tiểu đoàn 3 đúng dịp trên mạng xã hội (MXH) xuất hiện một số clip xuyên tạc về tình hình dân chủ trong các đơn vị quân đội. Ở Trung đội 3, nhiều gia đình chiến sĩ lo lắng, gọi điện hỏi thăm tình trạng quân phiệt có xảy ra ở đơn vị hay không. Nhận được điện thoại từ mẹ, Binh nhất Hoàng Văn Hà, Trung đội 3, Đại đội 9 tỏ rõ là một "chuyên gia tâm lý" khi khẳng định: "Chuyện một số clip trên MXH, đơn vị con cũng đã được cung cấp thông tin. Chúng con đã có buổi sinh hoạt làm rõ đâu là thông tin có thật, đâu là thông tin xuyên tạc. Riêng về tình hình đơn vị con thì quy chế dân chủ được thực hiện đầy đủ, không có tình trạng quân phiệt, mẹ có thể yên tâm. Hiện nay, MXH còn nhiều bất cập, mẹ theo dõi cũng cần cảnh giác với những thông tin giả mạo, xuyên tạc".
Sở dĩ Hà có được sự chững chạc như vậy là nhờ hoạt động của các thành viên tổ tư vấn. Sau khi nắm bắt được thông tin trên MXH, tổ tư vấn đã tham mưu cho chỉ huy trung đoàn tổ chức các buổi sinh hoạt cấp đại đội, cung cấp thông tin cho bộ đội, trao đổi về tình hình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại đơn vị. Ngoài ra, từng thành viên tổ tư vấn bám sát tư tưởng bộ đội, giải đáp mọi khúc mắc về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của quân nhân.
Tìm hiểu thêm ở các tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 141, chúng tôi được biết, từ khi tổ tư vấn đi vào hoạt động, vi phạm thông thường của bộ đội giảm rõ rệt, số lượng và chất lượng ý kiến của binh sĩ trong các buổi sinh hoạt tập thể quân nhân, HĐQN và tổ chức đoàn đều tăng. Bộ đội tìm đến cán bộ ngoài xin tư vấn quyền lợi, chế độ còn bày tỏ băn khoăn về tình yêu, vướng mắc ở gia đình... Tiếp nối thành công, Trung đoàn 141 sáng tạo thêm một cách làm mới, kéo gần gia đình cùng với đơn vị quản lý, giáo dục chiến sĩ. Mỗi lần chiến sĩ về phép, chỉ huy trung đoàn viết thư gửi thăm gia đình, nội dung thông báo tình hình đơn vị, nhận xét quá trình huấn luyện, rèn luyện của quân nhân và mong muốn gia đình có ý kiến đóng góp để hoạt động rèn luyện, huấn luyện quân nhân tốt hơn. Mô hình “Viết thư thăm gia đình chiến sĩ” của Trung đoàn 141 đang phát huy hiệu quả cao. Chúng tôi được biết, thời gian tới, Quân đoàn 1 sẽ áp dụng rộng rãi mô hình này trong toàn quân đoàn.
(còn nữa)
SONG NGUYỄN - PHẠM HOÀNG