Gắng sức làm việc nghĩa
Từ Đà Nẵng, chúng tôi vào thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Tẩu trong cái nắng và gió bỏng rát-“đặc sản” của mảnh đất miền Trung. Con đường quê cát bụi cuốn mù trời, chỉ có dòng sông Thu Bồn là xanh thẳm.
Người dân khối phố Quảng Lăng B, phường Điện Nam, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đã quen với mùi hương trầm tỏa ra thơm ngát từ ngôi nhà nhỏ của mẹ. Chiều nào cũng vậy, cứ dịu nắng, mẹ Tẩu lại gắng gượng ngồi dậy, hướng mắt về phía núi như ngóng đợi chồng và người con gái yêu quý trở về. Hễ có người đến là mẹ lại hỏi: “Ông Khã về đấy hả? Ngăn đấy hả con? Sao đi lâu quá vậy?”.
Tuổi già hay lẫn, cũng là lẽ thường ở đời, nhưng với mẹ Tẩu thì hình ảnh những người thân mẹ vẫn nhớ rành rành. Từ giọng nói sang sảng của chồng đến cái tính hay lam hay làm của con Ngăn... Chị Phạm Thị Thảo, cháu dâu của mẹ kể: “Thời kỳ chiến tranh, bà tôi tham gia hoạt động trong lòng địch. Hằng ngày, bà tảo tần lo lắng công việc gia đình. Đêm về, trong ì oàng tiếng pháo giặc cầm canh, bà lại lo tiếp tế, nuôi giấu cán bộ dưới hầm bí mật. Những tưởng niềm vui cùng chồng con và đồng đội chiến đấu đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng. Nhưng đâu có ngờ một ngày cuối năm 1966, bà tôi chết lặng khi hay tin chồng là ông Đặng Khã, hy sinh trong một trận chiến đấu không cân sức với địch. Bà tôi đau đớn tưởng không thể nào vượt qua mất mát lớn lao này. Nhưng rồi bằng ý chí, nghị lực phi thường và niềm tin vào cuộc sống, bà tôi đã đứng vững trước cuộc đời. Vết thương lòng chưa kịp nguôi ngoai thì năm 1970, bà lại như đứt từng khúc ruột khi nhận tin con gái Đặng Thị Ngăn ngã xuống ngay chính mảnh đất thấm máu của cha mình”.
    |
 |
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Chi. |
Biến đau thương thành hành động cách mạng, giữa sự vây ráp, lùng sục của quân thù, mẹ lại bí mật đào hầm nuôi giấu, che chở những người con cách mạng. Mẹ trực tiếp vận chuyển vũ khí và vận động bà con tiếp tế cho bộ đội giết giặc, trừ gian... Mẹ vẫn giữ trọn lời thề với cách mạng... Chồng mất, mẹ ở vậy một mình nuôi các con khôn lớn.
Sau ngày quê hương giải phóng, mẹ tích cực vận động bà con vào hợp tác xã hăng hái tham gia sản xuất, khuyên bảo những người lầm đường, lạc lối ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của cách mạng. Mẹ gần gũi chị em một thời lầm lỡ, chỉ bảo cho họ cách làm ăn sinh sống, nhờ vậy, tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi. Trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mẹ Tẩu trực tiếp giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Bằng tấm lòng nhân hậu, bao dung của mình, mẹ đã giảng giải điều hay lẽ phải, thuyết phục được nhiều thanh niên hư hỏng trở thành người tiến bộ.
Hiện mẹ Tẩu sống với vợ chồng chị Phạm Thị Thảo. Cách đây 3 năm, mẹ Tẩu bị tai nạn giao thông, bị gãy xương sườn. Những tưởng mẹ tuổi cao, không dễ gì bình phục, thế nhưng sau đó, mẹ kiên trì tập luyện để rồi đi lại bình thường. Dù đã bước sang tuổi 94 nhưng mẹ còn khỏe mạnh và minh mẫn. Chúng tôi hỏi: Sao mẹ không để dành tiền phòng khi ốm đau, bệnh tật mà lại ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19? Mẹ cười, thủng thẳng nói: “Số tiền 3,5 triệu đồng tuy không nhiều nhưng đây là tấm lòng của mẹ. Mẹ mong số tiền tiết kiệm này sẽ được chuyển đến các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch sớm đẩy lùi dịch bệnh. Còn sống ngày nào mẹ còn gắng sức làm việc nghĩa ngày đó!”.
Tấm lòng bao dung của mẹ
Cũng giống như mẹ Tẩu, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Chi (sinh năm 1929, quê ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) hiện thường trú tại phường Thanh Bình, quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) cũng có một cuộc đời đầy cơ cực, khổ đau nhưng đầy lòng nhân ái, bao dung.
Men theo con đường nhỏ ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, chúng tôi tìm đến nhà mẹ Lê Thị Chi. Mùa thu, nhưng nắng vẫn chói chang. Những cơn gió từ biển thổi vào vẫn không thể xua tan không khí oi nồng của khu phố chật chội. Mẹ Chi ngồi đó, mái tóc bạc phơ, hai tay run run bưng cốc nước cho đứa cháu ngoại bị tật nguyền uống. Thấy chúng tôi đến, mẹ dừng tay, rót nước mời khách. Câu chuyện như thước phim quay chậm giúp chúng tôi hiểu rõ thêm về cuộc đời của Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhân hậu và bao dung...
Trong kháng chiến, mẹ Chi cùng chồng là ông Trần Hảo hoạt động cách mạng, bí mật nuôi giấu cán bộ, tiếp tế cho bộ đội. Năm 1968, mẹ đau đớn nhận tin con trai cả là Trần Văn đã anh dũng hy sinh sau khi lập chiến công tiêu diệt hàng chục tên địch. Nỗi đau chưa nguôi thì ba năm sau, trên đầu mẹ lại thêm vành khăn tang trắng. Chồng mẹ ngã xuống trong một lần về cơ sở nắm tình hình địa bàn. Nén nỗi đau mất chồng, mất con, mẹ chăm chỉ trồng lúa, trồng khoai góp sức nuôi bộ đội. Mẹ Chi là người phụ nữ vô cùng gan dạ, dũng cảm. Nhiều lần địch nghi ngờ bắt mẹ lên đồn, đánh đập, tra tấn dã man, nhưng mẹ nhất quyết không hé răng dù chỉ nửa lời. Đất nước thống nhất, mẹ Chi chuyển về thành phố Đà Nẵng sinh sống cùng vợ chồng người con gái út để phụ chăm sóc đứa cháu tật nguyền.
Thời kỳ Đà Nẵng mới giải phóng, thành phố tồn đọng nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết. Nhiều cô gái mặc cảm về quá khứ lầm lỡ phải trốn chui, trốn lủi trong các ngõ hẹp. Mặc những lời gièm pha, mẹ không quản ngày đêm, bất chấp mưa nắng, tranh thủ thời gian đến vận động, thuyết phục chị em ra học tập. Một số đối tượng quá khó khăn, mẹ còn cho cả quần áo, gạo tiền. Mấy tháng liền bền bỉ, gần gũi, chia sẻ với họ, mẹ đã thuyết phục được hàng chục chị em ra học tập, cải tạo và trở thành người lương thiện...
Bây giờ mẹ Chi đã tuổi 91. Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng mẹ vẫn động viên con cháu chăm ngoan, cố gắng học giỏi, phấn đấu trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội. Mỗi khi hàng xóm có chuyện xích mích là mẹ lại chống gậy đến hòa giải, khuyên nhủ mọi người sống chan hòa, nhân ái. Cứ có đợt thanh niên lên đường nhập ngũ, mẹ lại đến động viên, tặng quà, căn dặn đủ điều... Những việc làm ấy cứ lặng thầm như tình mẹ bao la...
Trong những ngày cả nước quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, mẹ Chi đã bảo con gái đưa đến trụ sở UBND phường Thanh Bình ủng hộ số tiền 5 triệu đồng góp vào Quỹ phòng, chống dịch Covid-19. Biết rõ hoàn cảnh của mẹ còn khó khăn nên bộ phận tiếp nhận có vẻ đắn đo, thấy vậy, mẹ rơm rớm nước mắt nói: “Ngày xưa quân giặc lùng sục, bắt bớ là thế mà mẹ cũng nuôi được bộ đội đánh Mỹ, giờ Nhà nước “đánh giặc Covid-19”, thì phải giúp sức chứ! Mẹ xem ti vi, nghe đài hằng ngày, biết được tin các chú bộ đội, công an; các bác sĩ, y sĩ và nhân viên y tế đang phải đối mặt với hiểm nguy, đương đầu với dịch bệnh, nên mẹ gửi chút quà nhỏ để chung tay, góp sức cùng các cấp đẩy lùi dịch bệnh. Cả đời mẹ đã sống vì lý tưởng cách mạng, lúc già yếu, bệnh tật được Đảng và Nhà nước chăm lo, nên trong lúc cả nước chống dịch, mẹ cũng phải chung sức đóng góp!”. Đón nhận số tiền quyên góp từ mẹ, đồng chí Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch UBMTTQ phường Thanh Bình xúc động nói: “Cảm ơn tấm lòng bao dung của mẹ. Chúng con biết đây là số tiền mẹ đã chắt chiu, dành dụm bấy lâu nay... Vậy mà...”.
Phút chia tay, chúng tôi cảm thấy xúc động, ấm áp bởi tấm gương sáng ngời về lòng nhân ái, đức hy sinh của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Những nghĩa cử cao đẹp của các mẹ có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhân lên những điều tốt đẹp trong mỗi con người và trong xã hội.
ĐÀO HỒNG NHUNG