Những ngày này, Hà Nội đã vào hè, từ 10 giờ sáng, nhiệt độ ngoài trời thường rất cao. Trong cái nắng gay gắt, chúng tôi có mặt tại Nhà máy Z49. Nơi đây, năm 1969 là Xí nghiệp X49 (tiền thân của Nhà máy Z49) vinh dự được giao nhiệm vụ sản xuất linh cữu bằng kính đầu tiên để bảo quản thi hài Bác Hồ và sản xuất xe chuyên dùng nâng hạ linh cữu của Người, rồi sản xuất hệ thống đèn chiếu sáng ở Hội trường Ba Đình phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác. Năm 1975 và năm 1977, xí nghiệp lại được tham gia xây dựng, lắp đặt một số thiết bị bên trong công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; sản xuất và lắp đặt hệ thống cầu thang xung quanh nhà sàn của Bác phục vụ khách tham quan. 

Bước vào trong Phân xưởng Sửa chữa xe máy công binh (XMCB), cái nắng hầm hập giảm đi vài phần. Quạt công nghiệp công suất lớn quay không nghỉ. Tiếng ồn từ chúng khiến tai chúng tôi như ù đặc. Lúc này, trên những chiếc XMCB kềnh càng, những người thợ đang cần mẫn, mải miết với công việc. Chiếc xe nâng di chuyển như con thoi từ nơi này đến nơi khác, trông giống như một chú ngựa thồ làm việc cần mẫn không biết mệt mỏi và là "liên lạc viên" xuất sắc giữa các nhóm thợ.

Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Vương, Tổ trưởng Tổ Sửa chữa XMCB rời khỏi chiếc xe rà phá vật cản IMR-2M cao gần 4 mét, tiến về phía chúng tôi. Anh cởi bỏ khẩu trang, đưa tay chỉ vào chiếc xe IMR-2M giới thiệu: Chiếc xe này nặng tới 44 tấn, là loại "hàng hiếm" của Quân đội ta. Nó làm nhiệm vụ dọn đường, mở đường dã chiến và các nhiệm vụ công binh khác trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong tầm hỏa lực của đối phương hoặc trong môi trường nhiễm độc xạ-sinh-hóa, khói, bụi. Đặc biệt nhất của chiếc máy này là người tác nghiệp có thể ngồi trong đó làm việc liên tục 3 ngày với điều kiện nhiễm độc xạ mà vẫn an toàn.

leftcenterrightdel

Sửa chữa xe máy công binh ở Nhà máy Z49. 

Nhìn chiếc xe, chúng tôi thấy nó có hình thù khác biệt so với những loại phương tiện đã thấy xưa nay. Anh Vương bảo, chiếc xe kềnh càng và nặng nề này có những tính năng tuyệt vời: Các cánh tay của nó ngoài khả năng thu dọn những vật thể lớn như cột điện, gốc cây nặng hàng tấn thì còn nhặt và giữ vật thể nhỏ chỉ 5-7cm. Thế nên, quy trình bảo dưỡng, khám xe và sửa chữa cũng phải rất đặc biệt.

Theo lời anh Vương, sau khi làm sạch bề ngoài, những người thợ bắt tay vào công đoạn khám xe, phát hiện nguyên nhân hỏng hóc, từ đó mới tiến hành lập kế hoạch và tiến độ sửa chữa chi tiết. Chúng tôi được đưa đến sát những chi tiết quan trọng trong hệ thống thủy lực của xe. Chỉ vào một đường ống dẫn dầu từ trung tâm đến các “cánh tay” của nó, anh Vương dẫn giải, đây là ống mềm dùng để dẫn dầu thủy lực. Khi làm việc, áp suất trong đó rất lớn. Nhiệm vụ của người thợ như anh là phải kiểm tra xem nó có bị rò rỉ hay không? Thông thường, người thợ có nhiều cách kiểm tra, có thể là bằng máy, bằng mắt thường và kết hợp hai phương pháp trên. Tuy nhiên, để chắc chắn hơn thì ống dẫn được kiểm tra bằng hệ thống bơm HAS-50 hoặc bằng mô tơ cong hướng trục...

Anh Vương chia sẻ thêm, một trong những khó khăn mà Nhà máy gặp phải khi sửa chữa là vật tư của loại phương tiện này rất khan hiếm. Nếu kiếm được vật tư thay thế thì cũng "đổ mồ hôi" và giá thành thì không hề rẻ. Giải pháp tối ưu mà các anh khuyến cáo đơn vị khai thác, sử dụng loại xe này trong huấn luyện là phải thường xuyên kiểm tra tỉ mỉ chất lượng hoạt động của các hệ thống trước và sau khi khai thác, nhằm khắc phục ngay hỏng hóc, không để tình trạng hư hỏng một chi tiết hoặc cụm chi tiết kéo dài. 

Tại Phân xưởng Cơ khí thủy lực, trong tiếng máy đều đều, chúng tôi được Trung tá, Quản đốc Phạm Xuân Bắc giới thiệu về những chiếc máy phay, máy tiện tự động hiện đại. Anh Bắc nói, nếu như trước kia, việc phay, tiện các chi tiết cũng được tiến hành bằng máy, nhưng là thế hệ cũ nên người thợ rất vất vả, thường xuyên làm việc cùng máy trong điều kiện tiếng ồn lớn. Hiện nay, muốn có được chi tiết hoặc sản phẩm cơ khí, sau khi thiết kế trên máy và nạp thông số vào hệ thống, tiến hành ấn nút và máy tự hoạt động trong thời gian cho phép, người thợ sẽ có được các sản phẩm ưng ý. Hệ thống máy hiện đại này giúp tiến độ và chất lượng sửa chữa của Nhà máy ngày càng được nâng cao.

- Máy làm hết như thế có khiến người thợ lười đi không anh?-Chúng tôi hỏi anh Bắc.

Anh Bắc cười, trả lời rằng, có máy móc hiện đại sẽ giúp người thợ đỡ vất vả chân tay hơn phần nào. Tuy nhiên, người thợ lại phải thường xuyên học tập, nghiên cứu để hiểu kỹ và vận hành nó đúng quy trình. Chưa hết, thợ kỹ thuật còn phải tính toán để khai thác nó hiệu quả hơn trong sản xuất. Thực tế cho thấy, từ khi có máy, phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật ở Nhà máy được đẩy mạnh. Năm 2022, toàn Nhà máy có 24 sáng kiến cải tiến kỹ thuật thì phân xưởng của anh chiếm gần 50%. Đáng kể là các sáng kiến sản xuất thiết bị rà gối trao bao thủy lực để tối ưu hóa quá trình sửa chữa.

leftcenterrightdel
Trung tá Phạm Xuân Bắc, Quản đốc Phân xưởng Cơ khí thủy lực. 

Ngoài thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, hiện nay Nhà máy Z49 còn làm dịch vụ gia công, sản xuất cơ khí và thiết bị bằng vật liệu composite cho các đối tác, nhằm tăng doanh thu và bảo đảm đời sống người lao động. Chúng tôi nhớ lại tâm sự của anh Bắc, hiện nay, nhu cầu về các mặt hàng cơ khí ngoài thị trường rất phong phú và luôn có những đòi hỏi cao về chất lượng và mẫu mã. Để có được doanh thu, vấn đề quan trọng của mỗi người thợ và tập thể phân xưởng mà anh phụ trách là phải cho ra được sản phẩm đáp ứng niềm tin, kỳ vọng của khách hàng. Nếu làm tốt, giá thành hợp lý thì khách hàng sẽ hài lòng và tự tìm đến. Có lẽ, những tâm sự mộc mạc, chân thành của anh Bắc là kinh nghiệm cốt lõi mà nhiều doanh nghiệp trên các lĩnh vực đã rút ra chứ không riêng về lĩnh vực cơ khí, thủy lực. Vì vậy, chẳng khi nào người thợ có thể nhàn!

Trò chuyện với Thượng tá Phạm Ngọc Sơn, Giám đốc Nhà máy Z49, chúng tôi thấy được những đột phá ở tầm cao hơn. Anh chân tình chia sẻ, thành công của Nhà máy trong những năm qua và đặc biệt năm 2022 là quyết liệt thực hiện khâu đột phá “tiền kiểm chi”. Theo đó, mọi hoạt động của Nhà máy phải được tổ chức giám sát, kiểm soát chặt chẽ trong từng công đoạn, từ khâu khảo sát, đánh giá trình độ kỹ thuật, lập định mức, khảo giá đến xây dựng dự toán và cuối cùng là hồ sơ thanh quyết toán phải đúng với quy định của pháp luật. 

Chia tay những người lính thợ Nhà máy Z49 cũng là lúc hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Trên đường về, hình ảnh những bộ khí tài, những phương tiện đặc chủng của lực lượng công binh toàn quân xông pha trên bãi tập, trên những bến vượt cứ quẩn quanh trong suy nghĩ của chúng tôi. Thì ra, để những khí tài và phương tiện đặc chủng ấy vẫn hoạt động tốt có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người lính thợ Nhà máy Z49.

Bài và ảnh: THẮNG VIỆT