Nhận nhiệm vụ đặc biệt lúc 0 giờ 30 phút

Vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 16-9-2024, vừa chợp mắt sau một ngày vận lộn với công việc trên công trường ngổn ngang bùn đất sau cơn siêu bão Yagi tàn phá, Thượng tá Vũ Đình Dũng bật ngay dậy khi nghe tiếng chuông điện thoại.  

Thực tế, những cuộc gọi trong đêm không làm anh giật mình "bởi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội phải luôn sẵn sàng nhận lệnh trong mọi tình huống" như lời anh từng nói trước đơn vị. Thế nhưng, trong suốt 24 năm quân ngũ, chưa bao giờ Vũ Đình Dũng lại nhận nhiệm vụ vinh dự và bất ngờ như thế vì được đích thân thủ trưởng Binh đoàn 12 giao chỉ huy công trường tái thiết thôn Làng Nủ sau thảm họa lũ lịch sử vùi lấp 33 ngôi nhà, khiến 67 người chết và mất tích. Nhận nhiệm vụ thủ trưởng giao, Thượng tá Vũ Đình Dũng liền gọi điện thoại cho một số cán bộ thuộc quyền, chuẩn bị quân tư trang để 6 giờ ngày 16-9-2024 hành quân về thôn Làng Nủ.

“Dù đã được biết thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản do thiên tai gây ra tại thôn Làng Nủ, thế nhưng khi đến nơi, chúng tôi vẫn bất ngờ bởi nỗi đau thương mất mát quá lớn thôi thúc chúng tôi phải tổ chức thi công thật tốt, thật nhanh để bà con sớm có nơi ở mới...” - Thượng tá Vũ Đình Dũng nhớ lại.

Sau khi khảo sát tại hiện trường, Thượng tá Vũ Đình Dũng chính thức nhận nhiệm vụ chỉ huy trưởng công trường thi công toàn bộ khu tái thiết trong phạm vi 13ha, gồm 1 điểm trường, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng và 40 căn nhà sàn theo kiến trúc của người Tày, cùng hạ tầng giao thông, điện nước hoàn chỉnh. “Đây là dự án có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, là niềm tự hào, là trách nhiệm của Bộ đội Trường Sơn trong việc tham gia khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra cho bà con nhân dân thôn Làng Nủ, nhằm nhanh chóng ổn định đời sống cho nhân dân”-Đại tá Nguyễn Thế Lực, Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh Binh đoàn 12 nhấn mạnh như vậy khi giao nhiệm vụ tại hiện trường cho Thượng tá Vũ Đình Dũng.

3 tháng “vượt nắng, thắng mưa”

“Với truyền thống đoàn kết, kỷ luật của Bộ đội Trường Sơn, mỗi thành viên trong đơn vị chúng tôi đều đồng lòng, xác định tinh thần “tất cả vì dân”, không nề hà khó khăn, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ vì bà con thôn Làng Nủ”-Thượng tá Vũ Đình Dũng thay mặt đơn vị hứa trước đồng chí Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh Binh đoàn 12 như vậy.

Quyết tâm rất lớn, nhưng trong quá trình thi công, đơn vị cũng gặp vô vàn khó khăn, thách thức. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Binh đoàn 12 phải hoàn thành và bàn giao nhà cho người dân về ở trước 31-12-2024. Như vậy, thời gian dành cho toàn bộ công tác thi công chỉ gói gọn 100 ngày đêm trong điều kiện thời tiết bất thường. Khối lượng thi công khá lớn mà mặt bằng thi công chật hẹp, không đủ chỗ để xây dựng lán trại. Địa hình đồi núi, địa chất yếu, đường vận chuyển vừa nhỏ, vừa bị sạt lở nhiều và nguy cơ sạt lở tiếp rất cao...

leftcenterrightdel

Trẻ em thôn Làng Nủ trong vòng tay Thượng tá Vũ Đình Dũng. Ảnh: PHÚ SƠN 

Trước tình thế khó khăn đó, Thượng tá Vũ Đình Dũng bàn bạc với cấp ủy và ban chỉ huy công trường, lựa chọn phương án thi công hợp lý và an toàn nhất. Theo đó, các anh áp dụng phương pháp thi công nhà lắp ghép, sử dụng các cấu kiện như cột, dầm, sàn được sản xuất tại nhà máy rồi vận chuyển đến công trường; hệ thống bê tông móng và mái được thi công tại chỗ. Các công tác hoàn thiện như sơn bả, ốp lát, điện nước cũng làm trực tiếp. Do khối lượng công việc rất lớn, tiến độ khẩn trương, đơn vị đã huy động nhiều lực lượng, nhiều bộ phận chuyên nghiệp để thi công cuốn chiếu theo từng hạng mục. Đối với nhà dân, khi hoàn thành phần móng mới chuyển sang dựng cột, dầm và sàn, mỗi đợt làm 3 căn nhà, tuần tự từ căn số 1 đến căn số 40.

“Nếu đổ bê tông theo phương pháp tại chỗ như các công trình dân dụng khác sẽ mất khoảng một tháng. Từ đổ móng tới khi nhà xây xong mất khoảng 5-6 tháng. Nhưng với khu tái định cư này, các cột, dầm, sàn được đúc sẵn theo dây chuyền trong nhà máy rồi chở lên công trường lắp dựng, tiến độ rút ngắn còn một nửa, trong 3 tháng sẽ hoàn thành. Chất lượng công trình sẽ bảo đảm tốt hơn”-Thượng tá Vũ Đình Dũng lý giải.

Ngoài ra, để bảo đảm tiến độ, vừa khắc phục được các điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, việc vận chuyển vật liệu chia thành nhiều giai đoạn: Từ xe lớn chuyển vào bãi tập kết cách công trường 10km, rồi dùng xe nhỏ và thiết bị cẩu để đưa vào trong. Cẩu lớn được tháo rời, vận chuyển vào công trường và lắp ráp lại để phục vụ lắp dựng cấu kiện. 

Nan giải nhất trong quá trình thi công tái thiết thôn Làng Nủ là việc định vị tim cột nhà. Vì xây dựng theo kết cấu lắp ghép nên yêu cầu định vị tim cột nhà phải chính xác ngay từ khi đào móng, đổ bê tông, tạo hố lắp cột. Sau vài đêm suy nghĩ, Thượng tá Vũ Đình Dũng nảy ra sáng kiến chế tạo bộ định vị cột bằng khung thép hộp toàn bộ mặt bằng nhà (bao gồm 20 cột), vừa chắc chắn, dễ lắp ghép, vừa nhẹ để dễ thi công, luân chuyển cho thi công móng 40 căn nhà. Giải pháp này đã có hiệu quả rất lớn, năng suất lao động tăng gấp hơn 10 lần so với giải pháp thông thường (căng dây, đóng cọc), giúp bộ phận kỹ thuật kiểm soát tốt hệ thống tim cột, không bị xê dịch trong thi công, rút ngắn được rất nhiều thời gian, góp phần đẩy nhanh tiến độ cho các bước tiếp theo.

Trải qua 3 tháng “vượt nắng, thắng mưa”, Thượng tá Vũ Đình Dũng cùng đồng đội hoàn thành công trình trước thời hạn. Trong suốt 3 tháng đó, Vũ Đình Dũng cùng tập thể đơn vị hầu như không có ngày nào được nghỉ, nhiều đêm thi công xuyên đêm và chưa một lần về thăm gia đình.

“Phần thưởng lớn nhất là tình cảm của nhân dân dành cho bộ đội”

Đó là lời bộc bạch của Thượng tá Vũ Đình Dũng trong lễ bàn giao nhà cho bà con nhân dân thôn Làng Nủ được tổ chức trọng thể vào đúng ngày kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2024).

Phát biểu tại lễ khánh thành và bàn giao nhà cho nhân dân thôn Làng Nủ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương Quân đội nhân dân Việt Nam, trực tiếp là các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, Binh đoàn 12 tham gia xây dựng khu tái thiết. Những việc làm của bộ đội thể hiện tinh thần vì nhân dân phục vụ, góp phần tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Thị Tư, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh (Bảo Yên) cho biết: “Lãnh đạo đơn vị thi công đã phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, chính quyền địa phương, thống nhất kế hoạch và huy động sự hỗ trợ cần thiết từ người dân. Đặc biệt, đơn vị đã thực hiện tốt công tác dân vận, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa quân và dân. Bên cạnh lực lượng chuyên môn của Binh đoàn 12, những người dân địa phương có tay nghề như thợ xây, thợ nề, thợ sơn... được huy động tham gia thi công, từ những công việc nhẹ nhàng đến hỗ trợ chuyên môn. Sự phối hợp này không chỉ tăng cường tình đoàn kết mà còn giúp bà con có thêm việc làm”.

Đối với người dân thôn Làng Nủ, công trình tái định cư là niềm an ủi lớn lao sau mất mát. Ông Nguyễn Tiến An-một người dân được nhận nhà mới, xúc động chia sẻ: “Tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân đội và đặc biệt là Binh đoàn 12. Ngôi nhà mới không chỉ khang trang mà còn đầy đủ tiện nghi, từ đôi đũa, nồi cơm đến giường, đệm, chăn ấm. Mọi thứ đều được chuẩn bị chu đáo để chúng tôi bắt đầu một cuộc sống mới”.

Công trình tái thiết thôn Làng Nủ được tỉnh Lào Cai chọn là biểu tượng của sự hồi sinh sau trận lũ quét lịch sử. Với cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 12 thì công trình này thể hiện sự tri ân, trách nhiệm của Quân đội với nhân dân. Còn với Thượng tá Vũ Đình Dũng thì công trình này còn chứa đựng tình cảm của người dân dành cho bộ đội:  “Bà con trong thôn Làng Nủ đã hỗ trợ, tạo điều kiện rất thuận lợi để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Đây chính là tấm lòng, tình cảm ấm áp của bà con nơi đây sẻ chia với bộ đội. Đó là phần thưởng lớn nhất mà chúng tôi nhận được từ công trình này”-Thượng tá Vũ Đình Dũng thổ lộ.

ĐỖ PHÚ THỌ