1. Núi Chứa Chan có độ cao 837m so với mực nước biển, là đỉnh núi cao thứ hai ở miền Đông Nam Bộ, có nhiều vách đá dựng đứng, hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan phong phú. Từ năm 2023, dự án Khu phức hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng núi Chứa Chan và hồ Núi Le được triển khai để khai thác tiềm năng du lịch. Một công trình cáp treo đã hoàn thành, phục vụ du khách lên lưng chừng núi tham quan, vãn cảnh, nhưng với cán bộ, chiến sĩ thông tin thì vẫn phải đi bộ trên con đường mòn độc đạo, nhỏ hẹp, lởm chởm mô đá, cây cối um tùm để lên Đài Trung gian chuyển tiếp. Hơn 10 năm trước, doanh trại của tổ đài được cấp trên đầu tư xây dựng kiên cố; điện lưới được kéo lên tận nơi; giếng nước cũng được đầu tư phục vụ sinh hoạt của bộ đội... Nhờ đó, đời sống của cán bộ, chiến sĩ thông tin đã vơi bớt khó khăn. Thế nhưng, những vất vả, nhọc nhằn trên đỉnh núi Chứa Chan vẫn hằn sâu trong trí nhớ những cán bộ, chiến sĩ ở Đài Trung gian chuyển tiếp... 

Nhớ lại những ngày đầu mới được phân công về tổ đài thông tin, Thiếu tá QNCN Hoàng An Lạc kể: “Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Kỹ thuật Thông tin, đầu năm 1993, tôi được cấp trên giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy tổ đài đóng quân trên đỉnh núi Chứa Chan. Ngày về đơn vị phải leo núi mất 4 tiếng đồng hồ, qua đoạn dốc đá khoảng 3km quanh co, khúc khuỷu, được hình thành từ trí nhớ của những đồng đội đi trước, lên xuống nhiều thành quen, chưa có tọa độ và lối mòn như hiện nay. Hai bên lối đi cây cối rậm rạp, thậm chí phải đối mặt với nguy hiểm bởi thú rừng tấn công. Vậy mà chúng tôi đã đi qua đi lại mấy chục năm trời, những bước chân gian khó đã khiến lối lên xuống thành đường mòn, nhiều tảng đá nhẵn bóng dấu chân bộ đội”.

leftcenterrightdel

Đồng chí Hoàng An Lạc (ngoài cùng, bên phải) cùng đồng đội nghỉ giải lao khi gùi nước lên đơn vị trong mùa khô hạn. 

Trước khi được xây dựng kiên cố năm 2010, doanh trại của cán bộ, chiến sĩ đơn vị được làm bằng gỗ ván, lá rừng, mùa khô gió bụi, mùa mưa mây mù ẩm ướt. Không ít lần côn trùng, rắn rết chui cả vào giường ngủ, khe cửa, khí tài thông tin. Ngày ấy, trên đỉnh núi chưa có điện lưới, phải sử dụng đèn dầu vừa để phục vụ sinh hoạt vừa trực thông tin. Nước ngọt rất hiếm và quý như ngày hạn nặng. Để có nước sinh hoạt, cán bộ, chiến sĩ tổ đài phải tích trữ nước mưa bằng can nhựa, chậu thau. Nhu yếu phẩm sinh hoạt hằng ngày sau khi mua từ các chợ ở thị trấn Gia Ray (Xuân Lộc), cán bộ, chiến sĩ phải gùi, gánh theo đường mòn đưa lên đỉnh núi. Khó khăn nhất là mỗi khi cán bộ, chiến sĩ chẳng may bị ốm đau thì việc đưa đi cấp cứu là cả một quá trình nan giải, âu lo. Phương tiện nghe nhìn bảo đảm đời sống tinh thần hạn chế, chủ yếu sử dụng đài bán dẫn dùng bằng pin và báo giấy được cán bộ, chiến sĩ vận chuyển từ trung tâm bưu điện huyện về. Khí tài thông tin qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, môi trường bảo quản khắc nghiệt, nhất là vào mùa mưa, dông lốc, sấm sét, ban đêm gió bão xảy ra, làm đứt dây, đổ cột...

2. Vất vả, khó khăn là vậy nhưng hơn 30 năm qua, Thiếu tá QNCN Hoàng An Lạc đã tự nguyện gắn bó cuộc đời quân ngũ với đài thông tin trên đỉnh núi Chứa Chan; dành hết tâm huyết, trách nhiệm, tình cảm và tuổi thanh xuân cho nhiệm vụ bảo đảm thông tin thông suốt dù nhiều lần cấp trên tạo điều kiện cho anh chuyển công tác về đơn vị mới. Ngần ấy thời gian, anh không nhớ nổi mình đã lên xuống, dừng chân trên con đường mòn quen thuộc bao nhiêu lần, cùng đồng đội gồng gánh bao nhiêu khối nước, bao nhiêu tấn lương thực, thực phẩm, các loại dụng cụ cấp dưỡng và phương tiện, máy móc thông tin quân sự bảo đảm cho sinh hoạt, công tác. Anh cũng không nhớ mình đã trực tiếp canh trực bao nhiêu giờ, dịch thuật, chuyển tiếp bao nhiêu bức điện, mật lệnh thông tin. Nhiều lần, anh cùng đồng đội bất chấp hiểm nguy, mưa bão... vạch lá, phát cây tìm đường đến vị trí dây thông tin bị đứt để khắc phục, đấu nối đường dây liền mạch. Những việc làm thầm lặng, bình dị của các anh góp phần bảo đảm cho "mạch máu" thông tin thông suốt.

Ở nơi núi cao, rừng rậm, xa dân cư, thiếu thốn đủ bề, anh coi đơn vị là nhà, núi rừng là quê hương, đồng chí, đồng đội là anh em ruột thịt; đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với chiến sĩ, nhất là chiến sĩ trẻ lần đầu xa gia đình, lên núi làm nhiệm vụ. Còn nhớ, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, chiến sĩ trẻ Huỳnh Minh Đông lần đầu đón Tết xa quê, trên đỉnh núi mịt mùng. Nhìn bốn bề chỉ thấy rừng cây, vách đá, Đông đã khóc trong đêm Giao thừa. Đài trưởng Hoàng An Lạc như một người anh trai ân cần động viên, vỗ về, kể những câu chuyện về các thế hệ chiến sĩ thông tin trên đỉnh núi Chứa Chan “đầu đội trời, chân đạp đá, mắt dõi xa như ngắm hoa xuân” giúp người chiến sĩ trẻ nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. "Đêm đó, tôi đã trực và canh gác thay Đông. Với tôi, những chuyện như thế thật bình thường vì tâm niệm mình là chỉ huy, nhưng có những lúc mình phải là người anh, người bạn thân thiết, tin cậy của những chàng trai trẻ, sẻ chia giúp các em vững tâm phấn đấu”, Đài trưởng Hoàng An Lạc bộc bạch.

Không chỉ khắc phục khó khăn, gắn bó với đồng đội trong cuộc sống thường ngày mà với bản lĩnh và nghị lực vượt khó phi thường, sáng tạo, cần cù “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, Đài trưởng Hoàng An Lạc cùng các chiến sĩ đơn vị luôn đoàn kết, đồng lòng xây dựng ngôi nhà chung ấm áp, yêu thương. Các anh tận dụng ngày nghỉ, giờ nghỉ để tìm, đào, chẻ, gom từng cục đá, tích cóp làm vật liệu; tranh thủ thời gian tổ chức cho đơn vị khiêng, vác, gùi hàng chục tấn cát, xi măng... lên núi tu sửa, nâng cấp doanh trại phục vụ sinh hoạt và làm nhiệm vụ. Bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường của cán bộ, chiến sĩ Đài Trung gian chuyển tiếp đã góp phần làm cho đơn vị ngày càng khang trang, kiên cố, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, thời tiết khắc nghiệt...

3. Hơn 30 năm qua, người dân các xã: Suối Cát, Xuân Thọ, Xuân Trường, thị trấn Gia Ray và khu chợ mới huyện Xuân Lộc vẫn thường thấy hình ảnh Thiếu tá QNCN Hoàng An Lạc với dáng người chắc khỏe, gương mặt khắc khổ, nước da sạm đen nhuốm màu nắng gió, giọng nói hiền khô luôn nhiệt thành, gần gũi, sẵn lòng giúp đỡ người dân trong vùng. Các chiến sĩ tổ đài kể lại, trên ngọn núi này, không ít lần đã xảy ra các vụ việc mất an toàn khi người dân làm rẫy, kiếm cây đót, cháy rừng, du khách bị lạc đường khi tham quan du lịch, thậm chí có cả phượt thủ chẳng may tử vong trên đỉnh núi... Những lúc ấy, anh Lạc luôn kịp thời huy động lực lượng hỗ trợ tìm kiếm, đưa người dân vào đơn vị, tạo điều kiện ăn, nghỉ và đưa họ về với gia đình. Có vụ tai nạn xảy ra trong đêm, anh Lạc cùng đồng đội rọi đèn xuyên rừng, xuyên đêm tìm kiếm, chẳng may bị vấp ngã, thân thể đầy vết xước, rướm máu nhưng các anh vẫn không bỏ cuộc, tìm được nạn nhân mới quay về đơn vị. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thật bình dị, nhưng chan chứa nghĩa tình, luôn sẵn sàng vì nhân dân phục vụ đã in đậm trong tâm trí bà con nơi đây.

Hoàn cảnh gia đình của Thiếu tá QNCN Hoàng An Lạc gặp nhiều trắc trở khi hôn nhân không trọn vẹn. Dù vậy, anh luôn cất đi niềm riêng, tự động viên bản thân, động viên đồng chí, đồng đội vượt qua khó khăn, gian khổ, cống hiến sức lực, trí tuệ, kinh nghiệm, vốn sống để xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh. Anh Lạc chia sẻ: “Đã 30 mùa măng le rừng Chứa Chan đâm chồi, bung lá, cũng là 30 mùa xuân đi qua, nhưng tôi chưa một lần có mặt ở nhà trong thời khắc Giao thừa để thắp nén hương lên bàn thờ gia tiên. Có lúc cũng tâm tư, nhưng nghĩ đến trách nhiệm của mình vừa là chỉ huy vừa là người anh của các chiến sĩ, tôi lại gác niềm riêng, gọi điện về động viên gia đình cảm thông với nhiệm vụ của người lính, rồi ở lại đón xuân cùng đồng đội trên ngọn núi hoang sơ này, quyết tâm canh trực bảo đảm thông tin luôn thông suốt, an toàn”...

Nói về cấp dưới của mình đang làm nhiệm vụ trên đỉnh núi Chứa Chan, Thượng tá Dương Văn Thường, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Mặc dù nhiều năm liên tục tự nguyện thực hiện nhiệm vụ ở nơi khó khăn, gian khổ, nhưng đồng chí Hoàng An Lạc luôn thể hiện rõ bản lĩnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, chủ động khắc phục khó khăn, chỉ huy Đài Trung gian chuyển tiếp hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, giữ mạch thông tin an toàn, thông suốt. Đồng chí được tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu thi đua, nhưng phần thưởng lớn nhất là sự tin tưởng, quý mến của cấp trên và đồng đội cùng tình cảm yêu quý, trân trọng của những người dân dưới chân núi Chứa Chan”.

Với những thành tích nổi bật, Thiếu tá QNCN Hoàng An Lạc được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng 2 bằng khen; Bộ tư lệnh Quân khu 7 tặng 1 bằng khen; Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai tặng 6 danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai tặng 3 giấy khen “Người tốt-Việc tốt” cùng nhiều phần thưởng khác...

Bài và ảnh: HỮU THỦY - NAM GIANG