Tìm ra trụ cột phát triển kinh tế
Có nhiều tiềm năng, lợi thế về địa lý và khí hậu nhưng Ngọc Chiến từng bị “ngủ quên” trong thời gian dài. Từ khi có những chủ trương đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng bàn tay khối óc của những con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, Ngọc Chiến đang từng ngày "thay da đổi thịt".
Trong những ngày thực tế ở Ngọc Chiến, đến với từng người dân và tiếp xúc trao đổi với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của xã, chúng tôi nhận thấy họ đều là những người tràn đầy nhiệt huyết, cùng chung khát vọng phát triển. Gặp đồng chí Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi ở người cán bộ này là đôi mắt sáng, dáng người cao, nhanh nhẹn, tràn đầy năng lượng. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Sỹ kể lại rất tường tận rằng, ngay từ những buổi đầu về nhận nhiệm vụ, anh đã dành nhiều thời gian cho việc khảo sát, nắm tình hình. Anh luôn trăn trở, với cương vị người đứng đầu, phải làm thế nào để cùng tập thể Đảng ủy xã lãnh đạo đưa kinh tế-xã hội của địa phương từng bước đi lên; gắn củng cố quốc phòng, an ninh với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Từ thực tiễn công tác và tinh thần hết lòng vì dân, gắn bó với dân giúp anh Sỹ nhận ra rằng, mọi chủ trương của Đảng bộ xã, mọi việc làm của cán bộ, đảng viên muốn thành công phải hướng về nhân dân, phải luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; đặc biệt phải lấy dân làm gốc, coi nhân dân là chủ thể hưởng thụ, chủ thể quản lý để hướng đến và triển khai thực hiện.
Trở lại câu chuyện cách đây hơn 5 năm, đời sống của đồng bào ở xã Ngọc Chiến còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên 23%; hệ thống đường nội bản phần lớn là đường mòn, bụi bặm khi nắng nóng, lầy lội vào mùa mưa. Người dân ở các bản như Nậm Nghẹp, Giạng Phổng, Nà Tâu, Phày, Đông Xuông... có việc muốn về trung tâm xã chỉ có cách đi bộ cả ngày đường để vượt qua hàng chục cây số. Hệ thống cơ sở hạ tầng thấp kém, cùng các hủ tục đã ăn sâu, bám rễ trong đời sống nhân dân trở thành rào cản trong phát triển kinh tế-xã hội của Ngọc Chiến.
|
|
Mùa thu hoạch lúa ở Ngọc Chiến.
|
Để tháo gỡ những khó khăn và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có phục vụ phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa-xã hội, xây dựng nông thôn mới, ngay từ những ngày đầu về nhận nhiệm vụ, anh Sỹ đã dành nhiều thời gian tiếp xúc với dân, lăn lộn với cơ sở; tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến nhân dân, nhất là đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín; đồng thời phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên “hiến kế” giúp xã nhà phát triển...
Khi “ý Đảng hợp lòng dân”, các nghị quyết của Đảng bộ xã Ngọc Chiến đề ra đều có sức sống mạnh mẽ, tạo sự chuyển biến tích cực, làm nên một miền quê đáng sống giữa lòng Tây Bắc. Điểm nổi bật là từ 5 chủ trương ban đầu (được xây dựng từ năm 2020), Ban Chấp hành Đảng bộ xã Ngọc Chiến đã thống nhất ban hành 82 chủ trương, việc làm cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa-xã hội trên địa bàn, góp phần tạo đột phá quan trọng và bước đầu làm thay đổi về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trong 82 chủ trương, việc làm cụ thể này có nhiều chủ trương tạo đột phá quan trọng như: Chủ trương phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống vật chất của nhân dân; làm đường giao thông nông thôn; ngày thứ 7 về với dân; thắp sáng đường quê; trồng cây, trồng hoa đường nội bản; củng cố xây dựng các khu du lịch tâm linh; phát triển du lịch cộng đồng...
Từ các chủ trương đúng, bước đi phù hợp, bức tranh kinh tế-xã hội của Ngọc Chiến có nhiều khởi sắc. Theo đó, trên cơ sở thế mạnh về đồi rừng với hơn 300ha đồi thông bon sai tự nhiên; hơn 2,650ha cây sơn tra; hơn 400ha chè cổ thụ, rừng nguyên sinh và gần 800ha rừng hoa đỗ quyên... Đảng bộ, chính quyền xã Ngọc Chiến xác định 3 trụ cột trong phát triển kinh tế đó là: Phát triển nông nghiệp xanh gắn với du lịch, dịch vụ và bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Trong phát triển kinh tế, tích cực vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Đến nay, tổng diện tích gieo trồng toàn xã đạt hơn 1.920ha; tổng đàn gia súc, gia cầm đạt hơn 70.000 con; công tác phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ có bước phát triển mới, nhiều hộ dân tập trung phát triển diện tích cây thảo quả để xóa đói, giảm nghèo, chuyển đổi diện tích nương sang diện tích lúa ruộng để phát triển kinh tế và làm du lịch. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã ước tính đạt 43 triệu đồng/người/năm.
Về Ngọc Chiến giờ đây không còn cảnh “lầy lội” vào mùa mưa, bụi khuất tầm nhìn vào ngày hè như trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,8%. Toàn xã đã làm được 133 tuyến đường bê tông với chiều dài hơn 93km. Cùng với mở rộng và đổ bê tông các tuyến đường tại 15 bản và các tuyến đường vào vùng kinh tế, tất cả tuyến đường vào từng gia đình người dân cũng được thực hiện với tổng trị giá 200 tỷ đồng. Toàn xã có 2.230 cột điện thắp sáng làng quê phủ khắp toàn bộ 15 bản.
Đánh thức tiềm năng du lịch
Trong số 15 bản của xã Ngọc Chiến thì Nậm Nghẹp ở khu vực cao nhất với độ cao trung bình 2.200m so với mực nước biển. Đây cũng là nơi phân bổ tập trung của các loại sản vật như mai anh đào, cây sơn tra, chè cổ thụ, rừng hoa đỗ quyên, rừng nguyên sinh và cánh đồng Tà Chơ, văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông đen. Dẫn chúng tôi tham quan những vạt đồi cây sơn tra trĩu quả đỏ rực, ông Kháng A Sáy, Trưởng bản Nậm Nghẹp cho biết, cả bản có 141 hộ với 754 nhân khẩu.
Những năm trước, do chưa có đường bê tông, việc đi lại rất khó khăn, người dân muốn xuống trung tâm xã thì phải đi bộ cả ngày đường; bây giờ đã khác, trục đường từ trung tâm xã nối đến Nậm Nghẹp do trên đầu tư vừa hoàn thành mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Cùng với phát triển kinh tế đồi rừng, trồng thảo quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều hộ gia đình người dân tộc Mông ở đây đã biết phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, homestay. Hiện giờ cả bản đã có 7 hộ thực hiện mô hình này, bước đầu mang lại hiệu quả tốt.
Trong câu chuyện với chúng tôi, đồng chí Vũ Đức Thuận, Bí thư Huyện ủy Mường La chia sẻ rằng, chủ trương phát triển kinh tế-xã hội gắn với phát triển du lịch dịch vụ của huyện Mường La những năm gần đây xác định, Ngọc Chiến là một trong những đầu tàu, trục trung tâm để thúc đẩy các xã trong toàn huyện...
Từ chủ trương này, huyện đã đề xuất với UBND tỉnh Sơn La phê duyệt Đề án quy hoạch chung đô thị mới Ngọc Chiến dần trở thành đô thị loại V; định hướng đến năm 2045 quy hoạch sử dụng đất tại xã Ngọc Chiến thành đô thị du lịch hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, bảo vệ rừng, cảnh quan thiên nhiên, phát huy các giá trị tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc như: Du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm sinh thái với 5 tiểu khu vực là khu vực phát triển đô thị-dịch vụ du lịch, khu vực phát triển du lịch cộng đồng, khu vực du lịch lòng hồ thủy điện Nậm Chiến, khu vực du lịch trải nghiệm cảnh sắc và leo núi, khu vực bảo vệ cảnh quan tự nhiên kết hợp dịch vụ du lịch trải nghiệm.
|
|
Nụ cười trẻ thơ trên vùng cao Nậm Nghẹp. |
Hòa mình vào dòng suối Chiến hiền hòa, xanh mát, phóng tầm mắt về những vạt đồi thông bon sai tự nhiên trải dài hàng trăm héc-ta, chúng tôi cảm nhận được những ưu đãi mà thiên nhiên dành tặng cho vùng đất, con người nơi đây. Đồng chí Lò Văn Thoa, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến phấn khởi bày tỏ: “Địa phương luôn chú trọng và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng, cây sơn tra; bảo vệ và phát triển diện tích đất trồng lúa, giữ gìn cảnh sắc hương rừng, sắc núi; thực hiện tốt công tác thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt để bảo vệ cảnh quan môi trường. Theo định hướng của trên, Ngọc Chiến chủ trương xây dựng hệ thống cảnh quan xanh được hình thành xung quanh hạt nhân là cảnh quan suối Chiến, hồ chứa Nậm Chiến và được phân chia thành các khu vực: Khu lâm nghiệp, khu trồng cây hằng năm, hệ thống mặt nước, khu công viên đô thị, khu thể dục, thể thao, khu vườn hoa...”.
Với định hướng phát triển khu du lịch trở thành khu du lịch cấp tỉnh giai đoạn 2030, Ngọc Chiến chủ trương tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp, phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, homestay, du lịch sinh thái. Đồng thời, khai thác hiệu quả các địa danh của địa phương gắn với những câu chuyện truyền thuyết mang yếu tố tâm linh là điểm đến tham quan yêu thích của du khách... Bên cạnh đó, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể; các lễ hội thường niên như Lễ hội mừng cơm mới, ngày hội hoa sơn tra và các phong tục, nghi thức, văn hóa truyền thống như: Hát múa then, múa then, các làn điệu dân ca dân tộc Thái, Mông...
Mô hình phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển nông nghiệp xanh gắn với du lịch, dịch vụ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống ở Ngọc Chiến đã góp phần tạo nên một miền quê cổ tích đáng đến và đáng sống giữa núi rừng Tây Bắc bao la.
DUY ĐÔNG - VIỆT HÀ