"Cái cò, cái vạc, cái nông…"

Những loài chim từng đi vào giấc ngủ biết bao trẻ thơ qua những câu ca dao mẹ ru hồi nhỏ đang giãy giụa trong lồng sắt giữa hàng loạt thứ âm thanh hỗn độn của xe cộ và con người. Nào cò, vạc, nào cu gáy... bạt ngàn các loại chim trời bị nhốt trong lồng, xếp theo một dọc dài điểm cầu Đồng Mô, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.

leftcenterrightdel
Hàng chục điểm bán chim trời san sát nhau lấn chiếm lề đường trái phép trên tuyến cao tốc Đại lộ Thăng Long. 
Theo người dân địa phương, điểm bán chim trời này hoàn toàn tự phát. Mới đầu có 1, 2 hộ bán nhỏ lẻ, sau thấy lợi nhuận cao, hàng chục hộ dân nối tiếp nhau đến lấn chiếm vỉa hè, đặt lồng dựng lều che mưa, tránh nắng để cùng bán chim trời như một cái chợ. Không chỉ gây mất mỹ quan và ô nhiễm, chợ chim tự phát này còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Cái cò, cái vạc, cái nông/ Sao mày giẫm lúa nhà ông hỡi cò? Liệu có phải vì thế mà những con chim trời này bị bắt đi giết thịt? Nhìn vào đôi mắt tròn xoe của đàn cò trong lồng sắt, tôi có cảm giác như chúng đang trách cứ ai đó. Những tiếng kêu nháo nhác của các loài chim như “cứa” vào lòng. Miên man suy nghĩ, tôi chợt giật mình bởi bàn tay của bà chủ cửa hàng thò vào lồng, rồi lôi những chú cò tội nghiệp ra “xử tử” theo yêu cầu của một khách hàng. Rất nhanh, chúng bị giội nước sôi, rồi bị vặt lông, thui rơm... Mùi khói rơm đồng hòa quyện với mùi khét lẹt của thịt chim, khiến vị khách hàng đó cất tiếng: “Thui cẩn thận cho tôi nhé!”.

leftcenterrightdel
Chim tu hú-một loại chim quý cũng bị bắt và đem bán hàng đàn. 
Thấy tôi có vẻ tò mò muốn tìm hiểu về cách chế biến các món ăn chim trời, vị khách hàng nọ tỏ vẻ sành sỏi giới thiệu: “Cò này thịt thơm, xương mềm. Ngon nhất là xào với rau răm, hành lá. Còn lũ vạc kia, xương cứng hơn, kho với mật mía theo kiểu xứ Nghệ mới đúng kiểu. Chim cu gáy thì nướng muối ớt, còn sẻ đồng thì chỉ rán giòn, thái chỉ lá chanh là ngon tuyệt”.

Tôi chưa hết ngạc nhiên về độ “sành ăn” của anh thì anh tiếp tục kể: “Tôi làm việc ở gần đây nên tuần nào cũng làm vài bữa, mỗi bữa khoảng chục con cò là ít. Mồi nhắm này giá rẻ, lại ngon, nên bạn bè tôi cũng rất kết. Bây giờ, đang đầu mùa săn bắt, giá hơi cao, 35.000 đồng một con cò, 100.000 đồng một con vạc”.

Đang mổ những chú cò còn nóng sau khi thui, bà chủ cửa hàng (tên là Thắm, người dân địa phương) chợt dừng tay khi có khách. Sau một hồi thuận mua vừa bán, hơn chục chú chim các loại tiếp tục bị “tắm” nước sôi theo nhu cầu của khách hàng.

leftcenterrightdel
Chim trời được vặt lông và thui tại chỗ. 
Cuộc sống ở nghĩa địa chim trời sôi động theo tiếng xe chạy dọc đường. Đến gần trưa, khi chim trong lồng đã vơi hơn 2/3 và một số loài như: Se sẻ, cu gáy, cò, vạc đã bị "hóa kiếp", sau một cú điện thoại của chị Thắm, từ phía con đường làng dẫn ra Đại lộ Thăng Long, một nam thanh niên chở theo lồng các loại chim đến “tiếp phẩm”. Đó là Cường "chim", một trùm săn chim trời ở huyện Quốc Oai.

Lân la đến bắt chuyện, chúng tôi được biết, Cường vốn là một nông dân. Ban đầu, cũng chỉ coi việc săn bắt chim, cò là một thú tiêu khiển khi nông nhàn để kiếm mồi đãi bạn bè phương xa vừa rẻ, vừa lạ, vừa sạch. Về sau, thú vui mang lại bạc triệu mỗi ngày nên Cường trở thành trùm săn chim trời. Sau khi giao xong mẻ hàng, chị Thắm tiếp tục đặt hàng với Cường 300 con sẻ đồng cho một vị khách vào ngày mai. Cường gật đầu với Thắm đồng thời cũng chấp nhận lời đề nghị của chúng tôi sẽ trở thành khách quen của anh và đang cần mua vài chục con chim sẻ với giá ưu đãi từ gốc.

Nghề tận diệt chim trời

Nhà Cường nằm sâu trong thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai. “Chim sẻ thì tôi có cả trăm con sẵn rồi, các anh mua tôi để giá 7.000 đồng/con, rẻ hơn ngoài đó 3.000 đồng nhé”, nói xong, anh đưa chúng tôi vào gian nhà chuyên để chim trời. Trong gian nhà ẩm thấp, cả chục chiếc lồng được xếp chồng lên nhau. Ở nhà chỉ còn chim sẻ, cò và vạc, những cái lồng kia trống không còn vương vãi phân và lông chim. Thấy chúng tôi thắc mắc về con cò và vạc bị khâu mắt, anh Cường giải thích:  “Cò, vạc bị khâu mắt là những con chim mồi, to khỏe, để chúng kêu to hơn, dụ các con khác dính lưới. Sử dụng vài ba lần đến khi chúng gầy thì lại cho ra chợ”.

Bên cạnh những lồng chim, gian phòng còn trưng bày đầy đủ dụng cụ bẫy chim: Lưới, keo, nhiều cây trúc dài, loa, đài, ắc-quy... Ngoài chim mồi thì loa đài là công cụ phụ trợ để tăng thêm tiếng chim kêu dụ bầy. Theo anh Cường, các loại cò, vạc thì dễ bắt vào buổi sáng sớm, khi cò và vạc rời tổ đi tìm mồi. Lúc đó vì đói nên chúng dễ bị “lừa” khi thấy đồng loại ở bên dưới kêu gào gọi bầy. Còn chim sẻ thì lại bẫy dễ vào buổi trưa khi chúng đã ăn no và cùng bầy tìm chỗ đậu để nghỉ ngơi... Để chứng minh mình là thợ bẫy chim có tiếng và cũng để đãi những vị khách mới những chú chim sẻ tươi nhất, anh cầm 3 cây trúc dài, mang theo keo và loa đài rủ chúng tôi ra ruộng bắt se sẻ.

Ra đến ruộng, chọn chỗ gò đất cao có vài cây nhãn, cây xoan to tỏa bóng mát, Cường phết keo dính chim vào 3 cây trúc rồi gác lên các chạc cây trên cao, sau đó bật loa đài tiếng se sẻ đang rích rích gọi bầy rồi đưa chúng tôi ra cách đó vài chục mét ngồi uống nước và chờ đợi. Nửa tiếng sau, chúng tôi và Cường đi thu bẫy, trên 3 cây trúc, hơn 33 chú chim đã dính keo giãy giụa khi có người đến. Giật từng chú chim ra bỏ vào túi lưới, anh tươi cười nhận của chúng tôi 200.000 đồng và nói: “Đặt chim sẻ quan trọng phải biết chỗ chim hay tìm đến đậu. Có lúc đặt bẫy ở đây tôi thu cả trăm con chim sẻ đấy”.

leftcenterrightdel
Cò, vạc bị bắt khâu mắt và nhốt trong chuồng. 
Chia tay anh Cường, chúng tôi cầm những con chim sẻ đang đau đớn và tuyệt vọng phóng sinh lên trời. Không biết chúng còn hưởng tự do được bao nhiêu thời gian nữa để rồi lại lỡ lầm sa bẫy. Nghề bẫy chim trước thường bẫy theo kiểu nhỏ lẻ, giờ áp dụng công nghệ loa, đài và sản phẩm công nghiệp keo dính chim nên số lượng chim trời bị đánh bắt ngày càng nhiều.

Nghề bẫy chim trên địa bàn huyện Quốc Oai là “mùa gặt” trong thời gian nông nhàn không phải chỉ của riêng Cường, mà còn là của rất nhiều người nông dân khác. Hằng năm, cứ vào mùa lúa chín, anh cùng vài thanh niên khác lại sử dụng những cây trúc và hàng trăm mét lưới giăng để bẫy chim trời. Cứ một lần giăng bẫy, ít thì được vài chục con, nhiều thì bắt gọn cả đàn hàng trăm con. Chim trời là sản vật của tự nhiên nên dễ bán, dụng cụ đánh bắt lại rẻ, nên mỗi mùa Cường thu cả trăm triệu đồng từ bẫy chim, gấp nhiều lần canh tác rau, lúa trên hơn chục sào ruộng của gia đình.

 “Nghĩa địa chim trời” cũng vì thế mà ngày càng mở rộng, từ vài điểm bán đã nhân rộng lên vài chục điểm bán. Mỗi điểm bán hàng, một ngày tiêu thụ cả trăm con chim các loại. Không chỉ phục vụ tại chỗ, các thực khách còn được vận chuyển hàng tận nơi. Đặc biệt hơn, sự mở rộng thương hiệu đường chim trời này kéo theo sự gia tăng về số lượng giết hại các loài chim trời mỗi ngày ở đây. Chính vì thế, hình ảnh cánh cò chao nghiêng đồng lúa hay tiếng tu hú gọi bầy dần đi vào hoài niệm trong tâm khảm người dân thôn quê. Sau đó, sự tuyệt diệt chim trời còn dẫn đến những hệ lụy về mất cân bằng sinh thái, đồng nghĩa với những loài thiên địch như: Châu chấu, sâu bọ... sẽ phát triển mạnh mẽ, là mối hại cho mùa màng và sức khỏe con người.

Vào mỗi mùa lúa chín, khi đi ngang “nghĩa địa chim trời", mùi tanh nồng xú uế cộng thêm những đôi mắt sợ hãi và tiếng chim trời cất tiếng ai oán trước nạn tận diệt như vẫn bám theo tâm tưởng chúng tôi...

Bài và ảnh: VIỆT THÙY