Sự đổi thay của một ngôi làng cách mạng
Từ tỉnh lộ 666 (huyện Mang Yang) đến làng Pyầu độ 8km đường đồi núi. Chiếc xe máy chạy ì ạch trên con đường nhỏ bụi mù đầy đá núi, ổ voi, nhiều đoạn trơn trượt. Quãng đường không dài song những tay lái đã quá quen thuộc với địa hình ở đây cũng phải mất hơn 1 giờ đồng hồ mới vượt qua được. Ngày nắng, bụi mù trời, ngày mưa, làng Pyầu trở thành "ốc đảo", biệt lập với cuộc sống bên ngoài.
Làng Pyầu thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai có diện tích 6.699ha, cách trung tâm xã Lơ Pang 12km về phía Đông. Người già trong làng kể, làng Pyầu trước kia là căn cứ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến. Hiện nay, Hội Cựu chiến binh của làng có 11 hội viên. "Ngày trước bộ đội ở ngọn núi đằng xa kia kìa. Bộ đội nói tiếng của làng, bộ đội cho chúng tôi cái mặn (muối). Người làng có mười mấy người là du kích đấy"-ông Vếch (59 tuổi), nguyên thôn trưởng của làng Pyầu, người từng có thời gian làm du kích nhớ lại.
Hơn 30 năm về trước, làng Pyầu lúc đó mới chỉ có khoảng hơn 20 hộ dân, vẻn vẹn vài nóc nhà thưa thớt. "Nay làng Pyầu có 113 hộ với 497 nhân khẩu, trong số đó có 109 hộ với 490 nhân khẩu là dân tộc Bahnar. Cả làng có 30 nhà xây kiên cố, 83 nhà sàn lợp mái tôn"- ông Ghép, thôn trưởng làng Pyầu cho biết.
Ngôi làng trên núi Pyầu hẻo lánh bắt đầu chuyển mình rõ rệt kể từ năm 2006, khi có điện lưới về bản. Tình hình đời sống từng bước được cải thiện, từ chỗ thiếu đói đến đủ ăn. Hiện nay nhiều gia đình đã có của ăn của để, mua sắm các vật dụng hiện đại, đắt tiền. Theo thống kê của Chi bộ làng Pyầu, đến nay toàn làng đã có tới 60 chiếc tivi, 98 xe máy, 3 công nông, 2 máy xay xát. Nghề chính của bà con là nông nghiệp, dụng cụ canh tác chủ yếu vẫn là các vật dụng thô sơ. Tổng diện tích gieo trồng của làng là 102ha với các loại cây trồng: lúa, bời lời (một loại cây gỗ, vỏ thân dùng để làm hương), mì, ngô, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả. Trong đó theo thống kê, lúa một vụ và lúa Đông Xuân (48ha), cây bời lời (35,5ha) là hai loại cây trồng chủ yếu. Các giống cây mang lại giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu ít, chỉ khoảng 2ha...
Đường sá tại làng Pyầu 100% là đường đồi núi. Theo thầy Nguyễn Văn Đắc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lơ Pang, do đường sá hiểm trở, các cô giáo khi đến trường lần nào cũng ngã lên ngã xuống. Năm ngoái có đồng chí phó phòng giáo dục lên thăm trường, xe trơn trượt bị ngã gãy tay. Để bảo đảm an toàn cho các thầy cô, nhà trường thường cử theo nhóm gồm hai giáo viên nam và hai giáo viên nữ để các thầy cô có thể hỗ trợ lẫn nhau trong việc đi lại. Làng Pyầu có hai điểm trường với hai cấp học gồm mầm non và tiểu học. Khối mầm non có 1 lớp học với 27 cháu và 1 cô giáo, khối tiểu học có 3 lớp học với 68 học sinh, 3 giáo viên. Nhìn chung, các học sinh ở đây rất ngoan, đi học tương đối đầy đủ, chiếm tỷ lệ 98%...
|
|
Các em học sinh lớp 2 tại điểm trường làng Pyầu |
Chúng tôi cùng thôn trưởng Ghép đến gia đình ông Vừng (55 tuổi), một trong những hộ khá giả ở làng. Gia đình ông Vừng hiện tại có 3 người gồm hai vợ chồng ông Vừng và cha đẻ của ông (các con ông đã lớn, tách hộ từ lâu). Ngôi nhà sàn cũ kỹ chỉ có vỏn vẹn một bóng điện mờ ảo. Ánh sáng yếu ớt khiến chủ, khách nhìn không rõ mặt nhau. Ông Vừng chỉ nói được bập bõm một vài câu giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Qua lời dịch của ông Ghép được biết, nhờ các chủ trương phát triển kinh tế miền núi, dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, gia đình ông Vừng được hỗ trợ bò, dê, kỹ thuật canh tác lúa, mì. Từ chỗ đói rét triền miên, nhờ chăm chỉ làm ăn nay gia đình ông Vừng trở thành hộ khá giả nhất làng, xây được nhà cấp 4. Năm vừa qua gia đình ông Vừng sản xuất được 80 bao lúa, 3 xe mì. Ngoài ra ông Vừng còn có nguồn thu từ 6ha bời lời và vài sào tiêu, 5 con bò và 2 con lợn...
Loay hoay tìm hướng thoát nghèo
Trời đã tối chập choạng, nhưng bên cạnh vòi nước trên khoảng đất trống, vẫn còn vài người phụ nữ lui cui giặt quần áo. Trưởng thôn Ghép chia sẻ: "Nước này người dưới xuôi lắp cho dân làng từ mấy năm trước từ nguồn nước ở trên núi. Từ đó bà con không phải đi gánh nước nữa".
Có nước về tận làng nhưng dân làng Pyầu vẫn chưa biết cách phân phối, sử dụng nguồn nước hợp lý cho sinh hoạt và nuôi trồng. Vài chục vòi nước khắp làng chảy đêm ngày, ngay cả khi không có ai sử dụng bởi quan niệm "giọt nước trên núi nhiều lắm". Khi tưới tiêu, bà con tưới nước theo cách thủ công: Gánh từng xô, tưới từng gốc.
Nằm giữa lưng chừng trời, không có sóng điện thoại, không điện thoại cố định nên mọi hoạt động thông tin liên lạc, các chính sách từ xã, huyện muốn phổ biến đến người dân trong làng đều phải chuyển qua đường công văn. Thầy Lê Văn Hiệp (sinh năm 1988), giáo viên trường Tiểu học Lơ Pang đang dạy tại Điểm trường tiểu học Lơ pang tại làng Pyầu bộc bạch: "Do đường sá khó khăn nên tôi thường cuối tuần mới xuống núi về thăm nhà. Nhiều thầy cô vài tháng trời mới về thăm nhà. Mỗi lần về xuôi, tôi mang thức ăn đủ dùng cho cả tuần. Có lúc cần liên lạc về gia đình cũng đành chịu".
|
|
Ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai thăm bà Brới, hộ khó khăn nhất của làng Pyầu. Bà Bới ở một mình và bị mất sức lao động. |
Tuy có nhiều đổi thay trong đời sống nhưng người dân làng Pyầu vẫn giữ những quan niệm, thói quen cổ xưa. Gia đình ông Vừng vẫn sử dụng tiếng Bahnar là ngôn ngữ chính, giao tiếp bằng tiếng phổ thông khá khó khăn. Ông Vừng vẫn ở nhà sàn, lợp tôn (dù ông đã xây nhà gạch kiên cố), không có khu vệ sinh cố định. Gia súc gia cầm thả rông. Gần nhà ông Vừng có một khu vườn nhỏ trồng độ vài chục trụ tiêu. Khi được hỏi, chủ nhà cho biết "thấy người ta trồng thì trồng theo chứ không biết phải chăm sóc, tưới tiêu như thế nào".
Đó là thực trạng của đại đa số người dân làng Pyầu. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm do trình độ dân trí thấp, ít tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài. Việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi còn rất hạn chế. Tính đến năm 2017, số hộ nghèo của làng Pyầu là 70/113 hộ, chỉ giảm 3 hộ so với năm 2016. Số còn lại là hộ trung bình. Ở cấp trung học cơ sở, làng chỉ có 28 học sinh đang học bán trú, nội trú ở xã, huyện và không có học sinh học cấp trung học phổ thông.
Ông Đinh Văn Thưn, Bí thư Chi bộ làng Pyầu cho biết, việc tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật ở làng chưa sâu rộng do nhận thức của người dân còn hạn chế, công tác hoà giải chưa áp dụng luật pháp mà chủ yếu thực hiện theo hương ước, quy ước của làng.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, do địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn đã cản trở việc giao lưu, trao đổi hàng hoá, tiếp thu những cái mới với bên ngoài của đồng bào nơi đây. Đã có nhiều đợt vận động của cấp uỷ, chính quyền địa phương về việc di dời bà con làng Pyầu đến nơi ở mới nhưng đều không thành công. Trong chuyến thăm, làm việc tại làng Pyầu vào dịp cuối năm của đồng chí Dương Văn Trang, Bí thư tỉnh uỷ Gia Lai, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh, huyện, địa phương, các bên tiếp tục thảo luận xoay quanh vấn đề tìm phương án giúp người dân làng Pyầu nâng cao chất lượng cuộc sống. Tại buổi làm việc này có hai phương án được đưa ra. Một là tiếp tục để bà con sinh sống, làm việc tại đây. Tỉnh và địa phương sẽ phối hợp làm đường giao thông và xây trụ tiếp sóng điện thoại. Hai là đưa bà con đến nơi ở mới thuận tiện cho việc đi lại, gần trường gần chợ, cấp đất ở, đất canh tác đồng thời vẫn giữ nguyên trạng đất đai của từng hộ ở tại làng. Nếu thực hiện theo phương án hai, thì về lâu dài đời sống vật chất, tinh thần của dân làng sẽ được bảo đảm, nhất là khi nguồn nước người dân đang sử dụng trong tương lai sẽ cạn kiệt. Bên cạnh đó, bà con làng Pyầu sẽ được hưởng chất lượng cuộc sống, các dịch vụ xã hội tốt hơn. Nhưng tất cả đều từ chối với lý do: đã quen với cuộc sống và đất đai ở đây. Kết luận buổi làm việc, đồng chí Dương Văn Trang yêu cầu các sở, ban ngành của tỉnh, lãnh đạo địa phương trong quý I năm 2018 phải thống nhất phương án xử lý giúp người dân làng Pyầu nâng cao chất lượng cuộc sống và trình lãnh đạo tỉnh phê duyệt.
...
Trời đêm trên đỉnh Pyầu, dưới ánh trăng mờ, chúng tôi bước thấp, bước cao trên con đường chênh vênh vách núi. Vài ánh đèn lờ mờ hắt ra từ bên trong một vài ngôi nhà thấp lè tè. Cuối cùng chúng tôi ngủ lại tại căn nhà gỗ đơn sơ của các thầy cô Trường tiểu học Lơ Pang. Đêm ấy, thầy Hiệp tâm sự với chúng tôi: "Nhiều lần đêm đang ngủ, gió quật mạnh khiến mái tôn bật ra ra, gió lùa vào lạnh buốt. Giữa đêm tối, một mình tôi chẳng thể sửa được, đành thức trắng đêm, chờ trời sáng. Nhà của bà con cũng chẳng khá hơn đâu...". Những câu chuyện về vùng đất heo hút này kéo dài mãi đến nửa đêm, rồi chìm dần trong tiếng mái tôn khô khốc đập rầm rầm theo từng đợt gió thổi.
Bài và ảnh: HOÀNG LIÊN VIỆT