Nhớ về những bữa cơm "trộn" cát
Trong tiết thu Hải Phòng dịu ngọt, trước sân, Thiếu tá Nguyễn Văn Hiểu, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 881, Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân ôm chặt lấy tôi sau gần 20 năm không gặp. Hiểu là chính trị viên tại công trường ở ngoài biển Quảng Ninh mới về trở cứ. Hiểu nhập ngũ vào lữ đoàn từ năm 1999, sau đó được cử đi học. Theo nhẩm tính của tôi, đến nay Hiểu có tới hơn 18 năm công tác ở lữ đoàn, trong đó phần lớn thời gian làm việc tại các công trường khác nhau. Cậu ta cười toét miệng:
- Anh nhớ kỷ niệm ở Quảng Bình chứ?
- Sao quên được!
    |
 |
Chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân chuyển tải vật liệu lên đảo. Ảnh: TRUNG DŨNG
|
Ngày đó, tôi là Phó đại đội trưởng chính trị của Đại đội 7 (Tiểu đoàn 883, Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân) còn Hiểu là Trung đội trưởng thuộc quyền mới ra trường không lâu. Hiểu sinh năm 1979, quê ở Kinh Môn, Hải Dương, vùng bờ xôi ruộng mật với đặc sản nếp cái hoa vàng nức tiếng. Một ngày tháng 11-2005 rét căm căm, sau hơn 10 tiếng khoan, nổ mìn, bốc xúc và vận chuyển gần 10m3 đất đá đẫm mồ hôi và bụi phủ kín tóc, gần 24 giờ, chúng tôi rời nơi thi công. Trên đường về, tôi bị trúng gió, nôn thốc nôn tháo và nằm bẹp trên những cây cỏ thưa thớt ở lề đường. Mưa phùn nặng hạt rét tím da, bụi mịn do bánh xe tải nghiền nát trở thành bùn đặc quánh, bám dính chặt đế ủng. Hiểu đã dìu tôi liêu xiêu đi dưới mưa, lội trong bùn nhão. Có chỗ, Hiểu phải đu dây để dìu tôi vượt qua con suối cạn. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, người tôi bê bết bùn đất.
- Bây giờ công việc của em thế nào?-Tôi hỏi Hiểu.
- Em vẫn vậy, vẫn chiến đấu với đất, đá, xi măng và cát anh à!
Hiểu kể, doanh trại hiện nay nằm cách đồi cát của một hòn đảo ở biển Quảng Ninh khoảng 2km đường chim bay. Mỗi khi gió mùa Đông Bắc tràn về, cát bay vào trong phòng ở, sờ chỗ nào cũng có cát. Ra ngoài, nếu không quen, nếu nhỡ mở miệng gọi to, cát xộc ngay vào làm bạn với răng, lưỡi nghe lạo xạo. Trước tình trạng ấy, đơn vị đã đầu tư cột và lưới nilon đen cao gần 4m, dài 30m để tạo thành “rèm” chắn, nhưng cũng chỉ hạn chế được phần nào “cát tặc” xâm nhập.
Câu chuyện của Hiểu khiến tôi nhớ về những gian khó tại công trường Quảng Bình. Do điện yếu, trời miền núi nhanh tối nên chúng tôi thường mang cơm ra sân ăn. “Mâm cơm” thực chất là cái đĩa quân dụng bằng nhôm 3 ngăn, đường kính chắc hơn 30cm đựng các món rau, cá, thịt và 2 nồi nhôm quân dụng 60 đựng canh, đựng cơm. Một trận gió Lào bỏng rát mang theo cát ập tới. Sáu tấm lưng trần trai trẻ đen bóng không thể khép kín che “mâm cơm” bé tí teo khỏi “cát tặc”. Cát bay vào cơm, vào thức ăn, vào rau, vào canh lạo xạo trong miệng, rồi trôi tuột xuống dạ dày trong tiếng cười đùa tếu táo và khuôn mặt đen bóng của lính...
Hiểu kể, cuối tuần vừa rồi, gió mùa Đông Bắc về, mấy chục con gà tăng gia để ăn Tết và liên hoan mừng ngày thành lập lữ đoàn sắp tới bị gió chướng lăn đùng ngã ngửa, chết tới phần nửa. Ruột đau như cắt, nhưng vẫn phải cười. Hồi giữa hè về thăm nhà mấy ngày, cô con gái chuẩn bị vào học lớp 2 hỏi Hiểu: "Nhà bố ở công trường có nóng không?". Hiểu ôm con vào lòng, cái buồn thoáng qua rất nhanh. Hiểu nựng con:
- Nhìn bố khỏe thế này, chứng tỏ gió biển mát, trong lành đúng không con? Con bé mở to mắt ngước nhìn Hiểu.
- Hôm nào bố cho hai chị em đến thăm nhà bố ở công trường nhé!
Câu nói ngây thơ của con gái Hiểu như nhát dao xoáy vào tim tôi...
Phương pháp “kiềng 3 chân”
Tôi đã có thời gian là cấp dưới của Đại tá Đào Văn Bạn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân gần 2 năm, từ khi anh còn giữ chức Đại đội trưởng Đại đội 12 (Tiểu đoàn 884) cho đến khi lên chức chỉ huy cao hơn. Anh hiện là người có tuổi nghề cao nhất và cũng là người có mặt ở nhiều công trường trọng điểm trước những hoàn cảnh ngặt nghèo của đơn vị.
Dạo quanh khuôn viên khang trang của lữ đoàn bộ, anh Bạn tâm tình trong tiết gió thu dìu dịu: Thời kỳ cao điểm, hơn 70% quân số của đơn vị có mặt ở công trường. Nơi gần sở chỉ huy lữ đoàn nhất là 20km, còn nơi xa thì cũng cả gần 2.000km thậm chí xa hơn. Công việc luôn nặng nhọc và nguy hiểm nhưng đáng mừng là các công trình mà Lữ đoàn 131 đảm nhận đều đạt, vượt tiến độ so với kế hoạch. Đó là điều mà đội ngũ chỉ huy các cấp trong lữ đoàn rất tự hào và hạnh phúc nhất.
    |
 |
Một góc nhà ở, công trường ngoài đảo của Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân. Ảnh: TRUNG DŨNG |
Từng đi thi công nhiều công trình quốc phòng nên tôi hiểu ý nghĩa của những con số mà Đại tá Đào Văn Bạn đề cập. Trong nghề này, có lúc chúng tôi phải lao động ở những nơi mặt bằng thi công cực chật hẹp, độ hở thi công có nơi chỉ 20cm. Có khi phải khom người làm việc thủ công nhiều giờ liền. Xong việc, ra đến ngoài thì lưng nhức mỏi, phải vài giờ sau mới phục hồi. Trong điều kiện chật hẹp và thiếu ánh sáng, chỉ cần tư thế đứng không vững hoặc bất cẩn là trầy da, chảy máu. Nếu đãng trí thì có khi ảnh hưởng đến tính mạng. Trong chuyển tải hàng vào đảo, trong điều kiện sóng gió và vật liệu cồng kềnh, nếu bất cẩn là xuồng lật. Vật liệu rơi xuống biển mất bao công sức, tiền bạc đã đành, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là tính mạng bộ đội. Đại tá Đào Văn Bạn cho rằng, những kết quả ấy có được bền vững là nhờ sự nỗ lực của tập thể dựa trên chủ trương phương pháp “kiềng 3 chân” mà Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn đang áp dụng từ nhiều năm.
Tìm hiểu kỹ về phương pháp này qua Đại tá Ngô Văn Đức, Chính ủy Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân, tôi nắm được những nội dung cốt lõi. Do đặc thù nhiệm vụ chính trị luôn phân tán, nặng nhọc, nguy hiểm nên đòi hỏi cán bộ phân đội và cơ quan phải có sức khỏe, bản lĩnh, năng lực tốt, tinh thần trách nhiệm cao. Thế nên, sau nhiều năm đúc rút kinh nghiệm, Đảng ủy đã đưa ra phương pháp “kiềng 3 chân”, trong đó công tác tư tưởng, huấn luyện và chính sách được coi là trung tâm ưu tiên thực hiện triệt để, không có "vùng cấm” hoặc ngoại lệ.
Về tư tưởng, cán bộ phân đội phải liên tục bám bộ đội, kiên quyết chống hiện tượng “giao khoán”, xa rời bộ đội. Ở đâu có bộ đội thi công là ở đó có hoạt động chỉ huy, có các quy định bảo đảm an toàn. Về huấn luyện, Đại tá Đào Văn Bạn thống nhất, thường xuyên bổ sung phương án tác chiến tại chỗ để tác phong chiến đấu, ý thức địch tình của bộ đội không bị mai một. Mọi cán bộ, chiến sĩ đi xây dựng công trình phải nắm chắc, thuộc lòng quy tắc an toàn. Khi kiểm tra, nếu thấy nguy cơ mất an toàn là chỉ huy các cấp phải dừng ngay để chấn chỉnh. Huấn luyện quân sự phải đi đôi với huấn luyện chính trị và lấy giáo dục chính trị để củng cố niềm tin, động cơ, quyết tâm và tinh thần đoàn kết. Về công tác chính sách, lữ đoàn đã xây dựng quy chế và thực hiện rất dân chủ theo phân cấp. Bất luận trong hoàn cảnh nào, gia đình, hậu phương và đời sống cán bộ cũng được bảo đảm và chăm lo chu đáo. Bố mẹ, vợ con cán bộ ốm đau, nằm viện hoặc trường hợp xấu nhất đều được hưởng theo đúng quy chế, công bằng, công khai. Việc thống nhất phương pháp “kiềng 3 chân” đã giúp sức mạnh tổng hợp của lữ đoàn ngày được củng cố vững chắc. Đây chính là cơ sở để Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân vượt qua khó khăn, gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc.
Chia tay Lữ đoàn công binh 131 trong chiều muộn, rời mảnh đất ngập phèn ven sông Cấm và cách chân cầu Kiền không xa, tôi bâng khuâng về nơi mình và đồng đội đã gắn bó. Dù khó khăn, dù phải coi công trường heo hút, xa tít mù khơi là nhà, nhưng đồng đội của tôi vẫn hạnh phúc. Bởi những chiếc “áo giáp”, những “điểm tựa” bền vững mà lữ đoàn xây dựng chính là niềm tự hào chiến thắng vô bờ bến của họ. Đó cũng là thành công góp phần tô thắm thành tích đáng nể ở đơn vị hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Họ đã vươn tới mục tiêu cao nhất, để Tổ quốc sẵn sàng, vững vàng và bình yên!
MẠNH THẮNG